Phóng sự - Ký sự
Giữa rừng Cà Nhông
Với những người làm công tác quản lý, bảo vệ rừng ở thành phố Đà Nẵng, mỗi lần nghe địa danh Cà Nhông (thuộc Ban quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa), có lẽ ai cũng ái ngại. Bởi lẽ, nơi rừng sâu nước thẳm này hội tụ nhiều nhất những cái “không”: không internet, không sóng điện thoại, không có điện lưới…
“Người rừng” Trần Văn Ba đánh dấu cây trong rừng. |
Đường đi vất vả, nếu từ trung tâm thành phố lên đến được Cà Nhông bằng ô-tô phải mất ngót nghét một buổi, còn đi xe máy mất 2/3 ngày đường.
Không điện, không sóng điện thoại, không Internet
Cuối tháng 9 vừa qua, chúng tôi có dịp tháp tùng đoàn cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Chi cục Kiểm lâm thành phố đến thăm, kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ rừng ở Trạm kiểm lâm cửa rừng Cà Nhông (gọi tắt Trạm Cà Nhông).
Sau hơn 2 giờ đồng hồ vượt qua những đồi dốc trập trùng, chúng tôi đến làng Láy, xã Tư, huyện Đông Giang (tỉnh Quảng Nam). Từ ngã ba làng Láy men theo con đường đất gập ghềnh chỉ rộng chừng 3,5m, đoàn xe ô-tô cứ rầm rú liên tục để vượt qua những con suối, những con dốc gồ ghề dựng đứng chạy ngoằn ngoèo trong những cánh rừng, khiến xe nhiều lần suýt lật nhào. Dù đoạn đường đất chỉ dài hơn 10km là đến Trạm Cà Nhông nhưng phải mất gần 1 giờ đồng hồ xe mới đến nơi.
Vừa thấy bóng dáng người dưới xuôi đến, cả 5 cán bộ Trạm Cà Nhông tươi cười rạng rỡ, luôn miệng nói: “Các anh lên đây, chúng tôi vui mừng lắm. Suốt cả nửa tháng nay không có bóng dáng người lạ đặt chân tới đây”. Quả thật, chung quanh Trạm Cà Nhông chỉ toàn rừng, những cây cổ thụ to phải 2-3 vòng tay người ôm, phủ kín màu xanh. Khung cảnh trên làm Trạm Cà Nhông heo hút, trơ trọi.
Mọi người dùng cơm trưa quá bữa, loay hoay trò chuyện thì mặt trời khuất núi. Tiếng vượn hú, tiếng chim vịt, côn trùng thi thoảng vang lên làm khung cảnh buồn tẻ đến nao lòng. Thấy tôi loay hoay với chiếc điện thoại, một cán bộ Trạm Cà Nhông cười nói: Ở đây không có sóng, mạng Internet cũng không. Mỗi lần anh em muốn gọi điện về cho vợ, con, phải chạy xe máy đến gần làng Láy mới gọi được.
Anh Phạm Hùng, cán bộ Trạm Cà Nhông cho biết, điều kiện đi lại khó khăn nên mỗi lần được về quê hay xuống phố, anh em trong trạm mua thức ăn khô mang lên dự trữ cả tuần. Đó là mùa nắng, còn mùa mưa, nước suối dâng cao, đường sá chia cắt, phải dự trữ thức ăn cả tháng. Nhiều khi hết thức ăn, anh em phải ăn tạm rau qua ngày. Còn điện chiếu sáng không có, phải chạy máy nổ. Những hôm hết xăng, ánh sáng duy nhất trong trạm là những chiếc đèn cầy le lói.
Lên Cà Nhông công tác, anh Nguyễn Hữu Thương đã nếm đủ khó khăn, thiếu thốn. Nhưng có lẽ khung cảnh vắng lặng, heo hút giữa rừng già vẫn là nỗi buồn, nỗi cô đơn lớn nhất. “Những hôm trời mưa, 5 anh em ở trạm ngồi quây quần bên nhau. Nhìn khung cảnh tối om như mực, không một bóng người, chỉ mong có ai đó đi đánh bắt cá ngang qua trạm để bắt chuyện là vui lắm rồi”, anh Thương tâm sự.
Trạm Cà Nhông nằm heo hút giữa rừng già. Ảnh: NGỌC ĐOAN |
Cánh rừng quý hiếm
Cà Nhông là cánh rừng nguyên sinh hiếm hoi ở đầu nguồn còn sót lại của Đà Nẵng, với hệ động thực vật tự nhiên phong phú, đa dạng. Trong rừng có nhiều cây gỗ quý hàng trăm năm tuổi như: kiền kiền, gõ, chò, sơn huyết…
Địa bàn giáp ranh với huyện Đông Giang (tỉnh Quảng Nam) và huyện Nam Đông (tỉnh Thừa Thiên Huế), nên rừng Cà Nhông là “miếng mồi ngon” mà các đối tượng lâm tặc thường dòm ngó, tìm cơ hội chặt phá mà điển hình là vụ phá rừng được phát hiện, xử lý vào tháng 10-2014. Theo ông Quách Hữu Sơn, Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa, diện tích tự nhiên của dãy Cà Nhông là 4.746 ha, tiếp giáp nhiều địa phương nên áp lực giữ rừng rất lớn.
Theo đoàn công tác kiểm tra thực địa trong rừng ngày hôm sau, chúng tôi không khỏi choáng ngợp khi tận mắt thấy những cánh rừng già với toàn những cây gỗ quý hiếm mọc xen kẽ nhau, muốn di chuyển từ chỗ này qua chỗ khác phải dùng rựa phát cây bụi để mở lối.
Nhìn những cây kiền kiền, gõ, chò… gốc to bằng hai vòng tay người ôm, thân cao vun vút hàng chục mét vươn thẳng lên trời xanh, nhiều người trong đoàn thốt lên: Cây này to quá! Đây đúng là rừng nguyên sinh hiếm có.
Sau vụ việc phá rừng đau lòng, mất cả rừng và cán bộ, xảy ra ở Cà Nhông giữa tháng 10-2014, với quyết tâm bảo vệ bằng được những cánh rừng già, lãnh đạo thành phố, Sở NN&PTNT, Chi cục Kiểm lâm thành phố đã quyết liệt vào cuộc, kiện toàn lại bộ máy cán bộ quản lý, bảo vệ rừng ở Trạm Cà Nhông.
Ngoài việc đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng xây dựng trụ sở làm việc mới để di dời Trạm Cà Nhông từ địa bàn xã Tư về địa phận của xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang), đội ngũ cán bộ được đưa về công tác nơi đây phải là những người có bản lĩnh chính trị vững vàng, nhiệt tình trong công tác, không dễ bị cám dỗ, tha hóa trước những “chiêu trò” của lâm tặc. Trong 5 cán bộ kiểm lâm, quản lý bảo vệ rừng Trạm Cà Nhông có 3 đảng viên.
Cùng với lực lượng chính ở Trạm Cà Nhông, Ban quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa đã hợp đồng từ nguồn quỹ được trích từ đề án chi trả dịch vụ môi trường rừng với 46 hộ đồng bào dân tộc thôn Nà Hoa và thôn Láy (xã Tư, huyện Đông Giang) để họ tham gia công tác quản lý, bảo vệ rừng tại các tiểu khu 34, 37 và 39.
“Ở rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa, chỉ có Cà Nhông là cánh rừng nguyên sinh đầu nguồn giàu lâm sản nhất. Vì thế, chúng tôi tập trung nguồn lực quyết bảo vệ cho bằng được. Kiên quyết không để xảy ra bất kỳ hành vi tác động trái phép vào rừng nữa. Biết anh em công tác ở địa bàn khó khăn, hiểm trở, lãnh đạo ban cũng thường xuyên đến thăm, động viên họ để họ yên tâm công tác”, ông Quách Hữu Sơn nói.
Thà nghèo chứ không chịu nhục
“Thủ lĩnh” của Trạm Cà Nhông hiện nay là “người rừng” Trần Văn Ba. Ông có biệt danh “người rừng” bởi đã có thâm niên 39 năm làm công tác quản lý, bảo vệ rừng, dường như thuộc từng ngóc ngách ở rừng Cà Nhông. Dáng người đen nhẻm, ngoài bộ râu quai nón rậm rạp, đôi chân ông lội rừng thoăn thoắt như con sóc và đặc biệt nắm rất chắc vị trí, đặc điểm của từng cây gỗ lớn nhỏ trong rừng.
Gia đình ông Ba hiện sinh sống ở xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam). Trong 39 năm công tác, ông từng có hơn 10 năm làm việc ở Trạm Cà Nhông. Năm 2012, ông Ba được điều động về công tác ở Trạm quản lý, bảo vệ rừng Sông Nam.
Cứ tưởng được về “đồng bằng” trong những năm cuối cùng của nghiệp giữ rừng, được “hưởng” những giây phút sử dụng điện thoại, internet thoải mái, chiều chiều ngồi uống rượu với người dân gần Trạm Sông Nam..., nhưng ít ai ngờ cuộc đời ông lại có duyên nợ với chốn rừng sâu nước thẳm Cà Nhông. Sau sự cố phá rừng Cà Nhông năm 2014, ông Trần Văn Ba được điều động trở lại làm Trạm trưởng Trạm Cà Nhông. “Có lẽ Cà Nhông có duyên nợ với đời tôi từ kiếp trước rồi”, “người rừng” Trần Văn Ba cười nói.
Theo ông Trần Văn Ba, cuộc chiến bảo vệ rừng nơi đây khắc nghiệt lắm. Ngoài việc vượt lên những khó khăn, thiếu thốn trong sinh hoạt hằng ngày, anh em phải luôn giữ vững lập trường, bản lĩnh, tránh xa những cám dỗ, mua chuộc của “lâm tặc”. “Với vai trò là trạm trưởng, công tác lâu năm trong ngành, tôi luôn dặn anh em rằng “Thà chịu nghèo chứ không chịu nhục!”, phải cố gắng nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng để xứng đáng với sự tin cậy của lãnh đạo các cấp, cũng như người dân”, ông Ba bày tỏ.
5 cán bộ quản lý, bảo vệ rừng Cà Nhông được phân công gìn giữ 5 tiểu khu, trung bình mỗi người canh giữ gần 1.000 ha rừng. Để kiểm tra, giám sát các cánh rừng, các cán bộ quản lý, bảo vệ rừng phải chia nhau cơm đùm, nước lọ lội bộ lên rừng suốt 3-4 ngày. Chuyện tối ngủ giữa rừng gặp trời mưa hay bị muỗi, vắt bám đầy người xảy ra như cơm bữa. Nhưng với tình yêu rừng, yêu màu xanh của núi đồi, ai nấy không hề nản chí. Công việc khó khăn, gian khổ là thế, nhưng mức thu nhập của những cán bộ quản lý, bảo vệ rừng ở đây khá khiêm tốn. Thâm niên 39 năm công tác, lương tháng của “người rừng” Trần Văn Ba chỉ 5,6 triệu đồng, còn anh Phạm Hùng mới vào ngành mức lương mỗi tháng chỉ ngót nghét 3 triệu đồng.
Trước lúc chia tay những người ở dưới xuôi lên thăm, gương mặt các cán bộ quản lý, bảo vệ rừng Trạm Cà Nhông chợt thoáng chút u buồn. Để động viên với những người ở lại, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Chi Cục trưởng Chi cục kiểm lâm thành phố Đà Nẵng Trần Viết Phương vỗ vai “người rừng” Trần Văn Ba nói rằng: “Tôi tuyệt đối tin tưởng ở anh”. Đáp lại, ông Trần Văn Ba khẳng định: “Anh em chúng tôi hứa quyết giữ bình yên cho những cánh rừng Cà Nhông”.
Xe lăn bánh, những cánh rừng xanh ngút ngàn ở Cà Nhông dần khuất, Trạm Cà Nhông chỉ còn là điểm nhỏ giữa núi rừng mênh mông, heo hút. Nơi ấy, có 5 con người đang ngày đêm lặng lẽ canh giữ bình an cho núi rừng.
Theo ông Trần Viết Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm thành phố Đà Nẵng, rừng Cà Nhông thuộc địa phận xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang). Muốn đến được nơi đây bằng đường bộ, phải đi vòng theo đường 14G lên huyện Đông Giang (tỉnh Quảng Nam), rồi rẽ về Cà Nhông. Quãng đường ấy dài đến hơn 100km, đường sá đi lại rất khó khăn. Lâu nay ở dãy Cà Nhông đã có đường công vụ, nhưng rất nhỏ, ô-tô không đi lại được, chỉ mong thành phố quan tâm đầu tư mở rộng để công tác kiểm tra, quản lý bảo vệ rừng thuận tiện, dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, với những cán bộ công tác ở Trạm Cà Nhông, thành phố cần có thêm chính sách, cơ chế đặc thù để nâng cao mức thu nhập, giúp họ yên tâm công tác. |
NGỌC ĐOAN