Liên tiếp trong những ngày vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã phát đi thông điệp chính thức về điều chỉnh định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2009. Theo dự kiến đầu năm, tốc độ tăng sẽ trong phạm vi từ 21-23%, tương đương với năm 2008, tuy nhiên sau đó được điều chỉnh lên tối đa 30% theo chỉ đạo của Chính phủ. Qua 6 tháng đầu năm, mức tăng đã đạt 17%, trong đó tác động từ gói hỗ trợ lãi suất đóng vai trò quyết định với con số giải ngân hiện gần 400 ngàn tỷ đồng.
Định hướng mới trong 6 tháng cuối năm là tăng trưởng tín dụng khoảng 25-27%, bên cạnh đó Ngân hàng Trung ương cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, mở rộng đầu tư cho lĩnh vực sản xuất, giảm dư nợ phi sản xuất. Một số ngân hàng thương mại Nhà nước, ngân hàng cổ phần do Nhà nước chi phối đã nhận được chỉ thị yêu cầu phải đi đầu trong tiến trình hãm phanh tín dụng nhằm loại trừ nguy cơ quá nóng.
Thông điệp nói trên phải chăng là sự thay đổi lớn trong tư duy điều hành chính sách nới lỏng tiền tệ được triển khai mạnh mẽ trong thời gian qua, nhằm hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khủng hoảng? Có chăng tái xuất hiện nỗi ám ảnh về sự quay trở lại của cơ chế “thắt chặt tín dụng” từng gây điêu đứng cho hàng loạt doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ? Thậm chí trong dư luận đã lan truyền những tin đồn thất thiệt rằng Ngân hàng Trung ương sẽ yêu cầu các tổ chức tín dụng mua tín phiếu bắt buộc để thu hút tiền từ lưu thông chống lạm phát (?). Trên thực tế, đó chỉ là những suy diễn không có căn cứ.
Nếu thường xuyên theo dõi đánh giá tiến trình phát triển của các chỉ số kinh tế trong thời gian vừa qua thì chúng ta sẽ thấy rằng phản ứng của Ngân hàng Nhà nước là bình thường, phù hợp với những thay đổi của thực tiễn điều hành các cân đối vĩ mô. Trước hết đó là yêu cầu cần phải tiếp tục chính sách nới lỏng để duy trì tăng trưởng, bảo đảm đúng định hướng và có hiệu quả. Điều này đồng nghĩa với việc phải uốn nắn dòng chảy tín dụng trực tiếp đi vào những lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, thông qua đó góp phần tái cơ cấu chất lượng hoạt động doanh nghiệp và nền kinh tế.
Kể từ nay trở đi, danh mục đầu tư của hệ thống ngân hàng cần phải được chẩn đoán, kiểm soát thường xuyên hơn, hạn chế ngay từ đầu những nhân tố kích hoạt sự bất ổn thị trường tiền tệ do chạy theo lợi nhuận đơn thuần, cuốn theo sức hút của cơn sốt chứng khoán, bất động sản, sàn vàng... Phản ứng có trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước cũng thể hiện sự thận trọng đúng mức trước nguy cơ cảnh báo về khả năng tái lạm phát cao nếu để chính sách nới lỏng tiền tệ vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Trên tinh thần đó, nới lỏng sẽ song hành với kiềm chế để tác động đến điều chỉnh cơ cấu đầu tư theo hướng hiệu quả, tăng trưởng tín dụng sẽ song hành với hậu kiểm chặt chẽ nhằm tiếp tục ngăn ngừa và khắc phục những bất hợp lý sẽ xảy ra.
Điều quan trọng hiện nay là, trước những tín hiệu mà Ngân hàng Nhà nước phát đi, hệ thống ngân hàng và các doanh nghiệp cần thiết phải có sự tiên liệu và ứng xử phù hợp. Mọi phương án kinh doanh không những cần cân nhắc kỹ về tính khả thi mà cả lựa chọn trật tự ưu tiên trong trường hợp không huy động được nguồn vốn ổn định.
Bản thân doanh nghiệp Việt Nam vốn dĩ lệ thuộc quá lớn vào nguồn cung ứng tín dụng ngân hàng, các định chế tạo vốn khác như thị trường chứng khoán, công ty tài chính... chưa phát huy vai trò và chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong cơ cấu vốn hoạt động. Đây chính là rủi ro thường trực cho chính doanh nghiệp và ngân hàng, đồng thời tác động bất lợi đến điều hành chính sách tiền tệ. Cần nhận thức rõ điều này để sớm có phương án xử lý đồng bộ và chủ động trước mọi tình huống.
THANH THỦY
.
.
Nới lỏng hay kiềm chế?
Thứ Năm, 30/07/2009, 07:52 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.