Thời sự và bàn luận
“Sứ mệnh” cửa ngõ biển Đông
Còn nhớ, hơn 10 năm trước đây, khi tuyến Hành lang Kinh tế Đông Tây chỉ mới hình thành trên ý tưởng, thì rất nhiều chuyên gia kinh tế về cảng biển trong khu vực Đông Nam Á đã cùng nhận định: Khi tuyến đường xuất phát từ Myanmar qua Thái Lan, Lào và Việt Nam, thì cơ hội vàng sẽ đến với Cảng Đà Nẵng. Về phần mình, Ban lãnh đạo Cảng Đà Nẵng cũng nhìn nhận ra thời cơ vàng đang đến và bằng một thái độ rất nghiêm túc, bằng nỗ lực âm thầm và sự phấn đấu không mệt mỏi để tự hoàn thiện mình, đón bắt thời cơ đi trước đón đầu để biến cơ hội thành hiện thực. Và ý tưởng đó, cơ hội đó đã và đang trở thành hiện thực với Cảng Đà Nẵng hôm nay.
Một trong trong những cách làm có tính đột phá, sáng tạo, mang nét riêng của Cảng Đà Nẵng chào đón sự kiện chiếc cầu cuối cùng trên sông Mê Kông hợp long để tuyến Hành lang Kinh tế Đông Tây chính thức thông suốt trên toàn tuyến, là lần đầu tiên đưa tổng lượng hàng hóa thông qua cảng vượt qua mốc 3 triệu tấn/năm. So với năm 2008 tăng 14,22%, trong đó, riêng hàng container tăng 12,3%, đây là một tỷ lệ tăng trưởng ấn tượng, nhưng quan trọng hơn chính là thời điểm tăng trưởng đúng vào lúc tình hình kinh tế thế giới suy thoái nghiêm trọng.
Bởi lẽ, vượt qua mốc đó, từ lãnh đạo Cảng Đà Nẵng đến những công nhân bốc vác đã phải đối mặt và vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức như mưa bão và lũ lụt xảy ra liên tục tại khu vực miền Trung, gây tổn thất rất lớn đến sản xuất. Sự cạnh tranh, chia sẻ thị phần ngày càng gay gắt, trong lúc chân hàng phát triển còn chậm, v.v…
Để trở thành một cảng biển hiện đại của miền Trung và khu vực, công tác kế hoạch và đầu tư xây dựng cơ bản phải đặt lên hàng đầu. Trong giai đoạn 2005-2009, Cảng Đà Nẵng đã đầu tư nâng cấp mở rộng Cảng Tiên Sa và đường vào cảng, xây dựng hệ thống giao thông ngoài cảng đồng bộ, khu kho vận hỗ trợ năng lực cho Cảng Tiên Sa với tổng diện tích xây dựng đạt 52.000m2 , hình thành các khu ngoại quan nhằm phục vụ hàng hóa trung chuyển và quá cảnh cho tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây. Ngoài ra, đã đầu tư tăng năng lực kho bãi, năng lực xếp dỡ container một cách đồng bộ cùng với đê chắn sóng đã giúp cảng có thể khai thác vào các mùa trong năm.
Cảng đang từng bước hình thành khu ngoại quan riêng biệt để khai thác hàng trung chuyển và quá cảnh trong thời gian đến. Hiện nay, Cảng Đà Nẵng đang hình thành hệ thống kho bãi ngoài cảng, xây dựng kho bãi mới để khai thác hàng trung chuyển và quá cảnh trong thời gian đến, từng bước thực hiện dự án xây dựng Cảng Sơn Trà với nguồn vốn trên 400 tỷ đồng, tập trung đầu tư mở rộng Cảng Tiên Sa với việc xây dựng 500 mét cầu bến mới, mực nước 14 mét có thể tiếp nhận tàu lớn hơn. Đặc biệt cảng đã chú trọng đầu tư trang thiết bị hiện đại nhằm nâng cao năng lực giải phóng hàng như cẩu tàu QCC, cẩu bãi RTG…
Nhìn lại thành quả suốt một chặng đường phấn đấu bền bỉ và không mệt mỏi, Cảng Đà Nẵng đã khẳng định được chính mình, trở thành một trong những cảng mạnh của cả nước. Song song với việc đầu tư hạ tầng cơ sở, thời gian qua đơn vị cũng chú ý cải tiến quy trình làm việc theo hướng hiện đại, nhanh gọn, chính xác và minh bạch hơn. Đến nay cảng đã thực hiện áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000. Đây được xem là chiếc đòn bẩy làm thay đổi gần như trên tất cả lĩnh vực hành chính, tiếp thị, điều hành. Nhờ vậy thời gian gần đây rất nhiều công đoạn trong quá trình xuất nhập hàng hóa, khách hàng không cần đến tại đơn vị mà chỉ làm việc qua các phương tiện công nghệ thông tin. Điều này đã giảm đáng kể các hồ sơ thủ tục, tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại cho đối tác.
Không thỏa mãn với những gì đã đạt được, từ ban lãnh đạo đến đảng viên, CBCNV và người lao động Cảng Đà Nẵng vẫn còn nhiều trăn trở về tự hoàn thiện mình. Để thời gian đến Cảng Đà Nẵng thực sự phát huy hết tiềm năng, vị thế của một cửa ngõ ra biển Đông cho các nước trong khu vực thì bên cạnh sự nỗ lực của chính đơn vị, cũng rất cần sự hỗ trợ, hợp tác từ các cấp lãnh đạo cũng như các đối tác liên quan.
Trước hết là về cơ chế chính sách. Do đặc điểm các cảng biển miền Trung, kinh tế chưa phát triển mạnh, hàng hóa lưu thông còn ít, vì vậy việc cạnh tranh giá cước gặp nhiều bất lợi do cung đường vận chuyển hàng hóa xa. Vì vậy rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ thông qua việc giảm các chi phí hàng hải, nhất là phí bảo đảm hàng hải và phí trọng tải hàng hải.
Về lâu dài thì vấn để khai thác hiệu quả tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây, rất cần một chính sách thông thoáng hơn về ô-tô tay lái nghịch, để việc lưu thông hàng hóa các nước đến Đà Nẵng thuận lợi hơn. Có chính sách thu hút đầu tư của các doanh nghiệp vào các vùng có tuyến hành lang kinh tế đi qua, nhằm tạo nên nguồn hàng dồi dào cho cảng. Giải quyết được những bất cập trên, nhất định Cảng Đà Nẵng sẽ hoàn thành tốt “sứ mệnh” cửa ngõ ra biển Đông của các nước trong khu vực.
Lê Văn Hoa