Thời sự và bàn luận

Trung thực, dân mới tin!

07:32, 09/10/2014 (GMT+7)

“Hãy dũng cảm nhận trách nhiệm, thấy sai mà biết nhận khuyết điểm để sửa, dân mới tin”, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ yêu cầu như vậy đối với các cơ quan tham mưu cho UBND thành phố tại Hội nghị giám sát giữa hai kỳ họp thứ 10 và 11 của HĐND thành phố diễn ra hôm qua (8-10). Yêu cầu này được đặt ra trước các câu hỏi nóng của các đại biểu HĐND thành phố: Ai để xảy ra tình trạng nợ đất tái định cư (TĐC), trong khi quỹ đất đã có hạ tầng nhiều gấp 5,2 lần số lô đất nợ dân?

Nợ đất TĐC là điệp khúc dai dẳng từ năm này sang năm khác và là cụm từ có tần suất nhắc đi nhắc lại nhiều nhất tại các kỳ họp của HĐND thành phố. Không để bức xúc của dân quá lâu, tại kỳ họp thứ 10, HĐND thành phố quyết định giải bài toán nợ đất TĐC và được dư luận hoan nghênh. Nhân dân thành phố nức lòng khi theo dõi thông tin Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố trực tiếp kiểm tra tại hiện trường, rà soát 76 dự án để tìm phương án trả nợ đất cho dân. Kết quả thật đáng mừng: Qua rà soát cho thấy quỹ đất còn đến 9.128 lô, trong khi nợ đất TĐC của dân chỉ 1.751 lô.

Tuy nhiên, dư luận cũng băn khoăn vì sao đất thừa nhiều vậy lại không bố trí TĐC cho dân. Việc giấu thông tin đất thừa nhằm mục đích gì; trong khi thành phố phải chi hàng chục tỷ đồng mỗi năm để hỗ trợ người dân thuê nhà. Đó là điều bất hợp lý không chỉ gây bất lợi cho người dân phải chịu cảnh “ăn nhờ ở đậu”, mà còn thiệt hại cho ngân sách thành phố. Phải có cơ quan, cá nhân chịu trách nhiệm về việc này. Các đại biểu HĐND thành phố đã đem câu hỏi đó của cử tri thành phố đến Hội nghị giám sát giữa hai kỳ họp thứ 10 và 11.

Thế nhưng, câu trả lời của lãnh đạo Sở Xây dựng, của Ban Giải tỏa đền bù số 1 đều không rõ ai chịu trách nhiệm cả. Đại biểu Thái Thanh Hùng còn phản ánh cụ thể: Tại sao dân ở quận Ngũ Hành Sơn chỉ “hợp” với đất ở hướng bắc, hướng tây, còn hướng đẹp, đất ở ngã ba, ngã tư thì để lại; tính công khai, minh bạch trong bố trí đất TĐC ở đâu?

Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố lên tiếng không chấp nhận những câu trả lời quanh co về trách nhiệm này: “Hãy dũng cảm nhận trách nhiệm, thấy sai mà biết nhận khuyết điểm để sửa, dân mới tin”. Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ khẳng định: Trách nhiệm trước hết là lãnh đạo thành phố. Nhưng trách nhiệm chính, trực tiếp nhất vẫn là các cơ quan tham mưu cho UBND thành phố. Vai trò tham mưu ở đâu, phải thực hiện phê bình một cách nghiêm túc, lãnh đạo phải nhận trách nhiệm!

Cử tri theo dõi hội nghị trực tiếp qua Đài Phát thanh-Truyền hình thành phố (DRT) không khỏi ngạc nhiên và đặt câu hỏi: Các đơn vị này có biết toàn Đảng bộ thành phố đang thực hiện Chỉ thị 29-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy; trong đó cán bộ, công chức, đảng viên phải thực hiện các tiêu chí “5 xây” (trách nhiệm, chuyên nghiệp, trung thực, kỷ cương, gương mẫu) và “3 chống” (quan liêu, tiêu cực, bệnh hình thức)? Nếu căn cứ vào Chỉ thị 29-CT/TU, thì cách trả lời như vậy của các cơ quan chức năng là thiếu trách nhiệm, thiếu trung thực.

Tại hội nghị này, đại biểu HĐND thành phố yêu cầu quy trách nhiệm phải có địa chỉ tổ chức, cá nhân cụ thể; kết quả xử lý trách nhiệm như thế nào cũng phải báo cáo cho cử tri biết chậm nhất là tại kỳ họp thứ 11 của HĐND thành phố vào cuối năm nay. Như vậy mới mong giữ được niềm tin của nhân dân, mới tiếp tục phát huy phương châm hành động ở Đà Nẵng “Đảng nói - dân tin, Mặt trận và đoàn thể vận động - dân theo, chính quyền làm - dân ủng hộ”.

ĐOÀN SƠN

.