Thời sự và bàn luận

Ưu đãi chất xám

07:38, 07/07/2010 (GMT+7)

Ngày 18-6-2010, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Văn Minh đã ký Quyết định số 17/2010/QĐ-UBND về việc ưu đãi cho các GS, PGS, TS, Bác sĩ chuyên khoa cấp 2, Dược sĩ chuyên khoa cấp 2 cũng như cử nhân có bằng giỏi…, nếu tình nguyện về công tác tại Đà Nẵng ít nhất 7 năm sẽ được hưởng rất nhiều ưu đãi về lương bổng, các khoản hỗ trợ thay đổi môi trường sống, nhà cửa chung cư hoặc được mua đất với giá được giảm từ 10-30%...

Trước hết, phải nhận thấy rằng với mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa mạnh mẽ địa phương có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất và chất lượng nhất miền Trung-Tây Nguyên, thì việc ưu đãi người tài, người có chuyên môn cao (gọi chung là chất xám) đến với miền đất đã lành, chim đã đậu là một bước đi đồng bộ của hệ quả tất nhiên từ tầm nhìn đúng, cần thiết. Để Đà Nẵng phát triển toàn diện và bền vững cần rất nhiều yếu tố - trong đó vấn đề nhân lực có chất lượng là yếu tố ưu tiên hàng đầu.

Cần nhấn mạnh rằng Đà Nẵng (cùng với Quảng Nam) là địa phương đầu tiên tiếp xúc - phát triển với văn hóa, kinh tế Nhật Bản cũng như là địa phương tiên phong khi đứng đầu sóng ngọn gió để chịu những sức ép từ người Pháp và người Mỹ. Đó là những lợi thế không hề nhỏ của sức mạnh địa-văn hóa, địa-kinh tế. Chính vì vậy, cách nhìn về sự cần thiết ưu đãi tốt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa đối với chất xám là một đòi hỏi cấp bách và đúng hướng khi sự hợp tác quốc tế ngày càng đa chiều, ngày càng đòi hỏi chất lượng cao.

Tất nhiên, phải lưu ý rằng bên cạnh sự ưu đãi cũng rất nên có các điều kiện và chế tài đủ, chính xác. Quy định rằng nếu người đến làm việc ở Đà Nẵng chưa đúng thời gian quy định (7 năm) đã chuyển đi hoặc 2 năm liền bị đánh giá là chất lượng công việc không đạt yêu cầu phải bồi thường và trả lại các khoản ưu đãi thật ra mới chỉ là một phần của giải pháp. Chẳng hạn, cần có cách tuyển dụng và tiếp nhận theo nguyên tắc năng lực thực tế bởi một sự thật hiển nhiên ở nước ta hiện nay là có không ít người mang danh PGS, TS, Th.S nhưng trình độ không đúng như bằng cấp đã định danh.


Ví dụ, là PGS, TS nhưng sau 2 năm không có công trình nghiên cứu nào đáng kể để đóng góp cho địa phương, đất nước thì mặc nhiên phải coi là kém chất lượng. Hoặc, có những bằng cấp đó nhưng lý lịch khoa học của những người học hàm, học vị cao không chứng tỏ trong thực tiễn (trước khi về với Đà Nẵng) thì cũng không thể coi là chất xám cần thu hút, ưu đãi.

Một thực tế nữa cũng cần cân nhắc là đại đa số người có bằng cấp đều đã lớn tuổi, nếu không muốn nói là nhiều người trong số họ đang tìm đến sự “yên phận”, cầm chừng. Trong khi đó, lớp trẻ ngày nay có rất nhiều tài năng cần được phát huy. Nên chăng, có một chính sách ưu tiên cao hơn với những người trẻ tuổi tài cao thực sự? Muốn đánh giá chính xác chất lượng bằng cấp, thì phải có một Ban thẩm định (hoặc trợ lý chuyên trách cho Chủ tịch thành phố) để kiểm tra chéo từ các thông tin đa nguồn cũng như xem xét kỹ sự thật về các tài năng. Đây là vấn đề không hề nhỏ khi trong cuộc sống, xã hội hiện nay, việc tốn tiền, tốn công, tốn cả hy vọng và chờ đợi...; rồi, tiền mất, tật mang là chuyện không hiếm một chút nào...

Những nhân tài đặc biệt cần có chế độ đãi ngộ riêng-có thể, thậm chí, cao gấp đôi, gấp ba người bình thường. Nên có những tiêu chí cụ thể vì nếu chỉ nói là lãnh đạo sẽ xem xét thì e rằng chưa đủ sức để thuyết phục.

Hai năm liền, Đà Nẵng là nơi có chỉ số cạnh tranh lành mạnh đứng đầu cả nước. Đà Nẵng là một trong rất ít thành phố có đủ rừng và biển, có một trong những bãi biển đẹp nhất thế giới, có các di sản thế giới ở hai địa phương láng giềng, có các mối quan hệ truyền thống với những nền kinh tế mạnh nhất thế giới là Nhật - Pháp và Hoa Kỳ… Tất cả những yếu tố đó đã và đang là Đất Lành thực sự. Không phải lo nhiều lắm về chuyện những chất xám thực sự tìm đến sẽ bị mai một, thất thoát. Cái đáng quan tâm nhất là phải thu hút được những thực tài, những chất xám đủ sức để tạo nên sự đột phá mạnh mẽ tương xứng với cách đi, tầm nhìn, đòi hỏi của một thành phố năng động, sáng tạo...

Hà Văn Thịnh

.