Thời sự và bàn luận
"Chúng ta làm vì đại cuộc!"
Đó là lời tuyên chiến với những hiểm họa trong cuộc đấu tranh phòng, chống ma túy mà Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trần Thọ đã phát động trong cuộc họp với các ban, ngành liên quan về công tác phòng chống ma túy, do Thành ủy tổ chức ngày 20-8 vừa qua.
Trong đó, Bí thư Thành ủy đề cập thực trạng nhức nhối về hiểm họa và hệ lụy mà ma túy đã và đang gây ra cho xã hội, đồng thời nêu những vướng mắc đối với các cấp chính quyền và ngành chức năng khi thực thi nhiệm vụ tập trung người nghiện để tổ chức cai nghiện. Đó là số lượng người nghiện ở ngoài xã hội tăng, nhưng số người cai nghiện lại giảm đáng kể do vướng những quy định của pháp luật; những vướng mắc, thiếu đồng bộ trong các quy định về xử lý đối tượng và công tác quản lý sau cai…
Hiểm họa ma túy không còn là bóng ma mà đã xuất hiện bằng hình hài cụ thể, xâm nhập mọi ngõ ngách trong đời sống xã hội, gây biết bao cảnh đớn đau trong nhiều gia đình và xã hội. Tại Đà Nẵng, chỉ tính riêng trong 11 tháng qua, cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý 1.293 trường hợp sử dụng ma túy.
Trong đó, đưa đi cai nghiện tập trung bắt buộc 76 đối tượng; giáo dục tại xã, phường 176 đối tượng; phạt tiền và giao gia đình bảo lãnh 858 đối tượng; xử lý hình sự 149 đối tượng phạm tội về ma túy; lập hồ sơ cai nghiện tập trung theo Nghị định 221/CP 11 đối tượng… Tuy nhiên, điều đáng nói là trong số đối sử dụng ma túy nói trên có đến 21,6% tái nghiện, số bị phát hiện mới là 61,6%. Trong đó, số người nghiện không có việc làm hoặc việc làm không ổn định chiếm đến 96,5%...
Trước thực trạng nói trên, cấp ủy Đảng và chính quyền Đà Nẵng đã đi trước một bước trong vấn đề xử lý người nghiện ma túy trong cộng đồng. Đó là Đà Nẵng xây dựng “Quy chế tạm thời về phối hợp lập hồ sơ tổ chức cai nghiện ma túy”.
Trong đó, giảm thời gian cai nghiện tại gia đình và cộng đồng xuống còn từ 3-6 tháng (thay vì 6-12 tháng theo quy định của Trung ương). Trong khi Bộ Y tế chưa ban hành hướng dẫn về quy trình xác định người nghiện ma túy tổng hợp, thì thành phố sẽ xác định người nghiện thông qua các xét nghiệm có kết quả dương tính và hồ sơ về việc sử dụng ma túy của đối tượng đã lưu ở các cơ quan chức năng.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng sẽ đưa các đối tượng nghiện ma túy không có nơi cư trú vào một cơ sở y tế tập trung do các cơ quan, đoàn thể như: Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh tổ chức hỗ trợ, giáo dục, điều trị để cắt cơn và sau khi bổ sung đầy đủ hồ sơ sẽ đưa vào Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề 05-06 để cai nghiện. Cuối cùng là thành phố chủ trương rút ngắn quy trình xét duyệt hồ sơ người nghiện xuống còn từ 7-10 ngày (so với quy định của Trung ương là 72 ngày).
Tất cả điều đó và với những chính sách, quy định cụ thể, chi tiết được đề cập trong các văn bản hướng dẫn thực hiện cho các ban, ngành liên quan, cùng với sự quan tâm hơn nữa đến đời sống của người lao động trong việc tạo việc làm, ổn định kinh tế và củng cố môi trường an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội… đã nói lên quyết tâm của Đảng bộ và chính quyền thành phố trong việc ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn ma túy, tiến tới xây dựng môi trường đáng sống.
Hy vọng một lần nữa Đà Nẵng lại đi đầu trong cả nước trong xây dựng một thành phố đáng sống.
CHUNG ANH