Thời sự và bàn luận
"Tọa độ đột phá vùng"
Tại hội thảo “Xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm dịch vụ - du lịch quốc tế” được UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức ngày 25-10, có nhiều ý kiến đánh giá, phân tích và giới thiệu kinh nghiệm của nhiều chuyên gia du lịch, nhà nghiên cứu đầu ngành ở Việt Nam và nước ngoài đóng góp tại hội thảo. Là người quan sát, theo dõi hoạt động du lịch nhiều năm, tôi trao đổi thêm vài khía cạnh vì sao Đà Nẵng chưa phát triển du lịch như tiềm năng nó vốn có…
Trước hết, theo ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, “các tỉnh miền Trung… chưa tạo được quan hệ liên kết vùng hợp lý, chưa thật sự cùng dựa trên một tầm nhìn chiến lược (toàn cầu và thời đại) và một hệ quan điểm phát triển thống nhất (hiện đại-đẳng cấp) nên chưa tạo được sức hấp dẫn nhờ quy mô và sức mạnh đồng thuận, cũng chưa tạo ra sự lan tỏa mạnh trong phát triển dịch vụ nên cả vùng - trong đó có Đà Nẵng với tư cách là “tọa độ đột phá vùng” - còn gặp khó khăn trong việc thu hút đầu tư…”.
Đây có lẽ là nhận định khá sâu sắc cần được thảo luận. Liên kết vùng là khái niệm đặt ra từ hơn chục năm nay của miền Trung và rất được quan tâm trong ngành du lịch nhưng vẫn không làm được. Không làm được vì không cùng một tầm nhìn, không đồng thuận. Không liên kết được về khía cạnh hành chính, địa lý và cả không liên kết được từ các ngành, cơ sở kinh doanh có liên quan.
Kinh nghiệm của Thái Lan cho ta bài học quý báu: Chính các doanh nghiệp, từ hàng không, vận tải, nhà hàng ăn, khách sạn, các cửa hàng bán hàng lưu niệm, đặc sản… của họ là một chuỗi liên kết theo từng đoàn du khách và từng chiến dịch quảng bá. Rất nhiều đoàn khảo sát của du lịch miền Trung tổ chức các famtrip, roadshow ở Thái Lan, nhưng có lẽ chưa đi sâu nghiên cứu cách làm này của họ.
Ý kiến của kiến trúc sư Robert Day, chuyên gia tư vấn quy hoạch du lịch, Giám đốc về quy hoạch Tập đoàn WATG (Hoa Kỳ) phân tích: “Dù đảo Bali chưa có quy hoạch tổng thể chung thực sự nhưng bản thân nó đã tự chia thành nhiều vùng riêng biệt, có thể đáp ứng tất cả các thị trường khác nhau…
Cần quy hoạch không gian tiềm năng để Đà Nẵng trở thành điểm đến du lịch của toàn vùng. Các hoạt động du lịch theo tuyến đóng vai trò rất quan trọng trong việc truyền bá hình ảnh và dịch vụ du lịch. Đà Nẵng may mắn nằm ở trung tâm của tuyến du lịch di sản từ Huế đến Mỹ Sơn nhưng để nâng cao chất lượng và mở rộng các điểm đến du lịch trong vùng thì cần phát triển trọn gói các hoạt động tuyến này”.
Cốt lõi của ý kiến này chính là: Không thể có một quy hoạch nào mang lại hiệu quả nếu không xuất phát từ nhu cầu của thị trường. Trong ý kiến này cho thấy, du khách sẽ đi các di sản thế giới để tham quan, nhưng nghỉ ngơi, giải trí phải trở về Đà Nẵng. Vì vậy các nhà quản lý và đầu tư vào du lịch, lữ hành ở đây cần có định hướng về quy hoạch, thu hút đầu tư vào các dịch vụ giải trí tương ứng và lại phải liên kết để chia sẻ các giá trị.
Ở các thành phố lớn, khi đến ở bất cứ các khách sạn, nhà nghỉ nào, ta cũng dễ dàng tìm hiểu thông tin về các điểm đến, các tiện nghi và nơi giải trí. Tất cả đều được giới thiệu miễn phí tại quầy lễ tân. Nhân viên khách sạn cũng sẵn sàng và vui vẻ giới thiệu cho bạn các địa chỉ thuê mướn xe du lịch. Vì sao vậy: “Liên kết luôn là lẽ sống còn của ngành du lịch.
Bạn đến Dallas không chỉ vì khách sạn Studio 6 của chúng tôi mà vì tất cả”, anh chàng lễ tân của khách sạn Studio 6 trên đường North Central Expy, thành phố Dallas, bang Texas (Mỹ) trả lời với tôi như vậy sau khi giới thiệu một chị người Việt lái xe đưa chúng tôi đi thăm nơi Tổng thống Kennedy bị ám sát.
Cuối cùng là khía cạnh “tuyên truyền miệng” trong du lịch. Bất ngờ là ý kiến tại hội thảo của chuyên gia nghiên cứu lịch sử Chăm, Nathan Lauer lại trùng với tư vấn của Giáo sư John Quelch, đại học Harvard, khi ông nói chuyện này ở Quảng Nam cách đây không lâu.
Du khách nói chung, khi được bạn bè đi trước giới thiệu cho một điểm đến, bạn sẽ tin tưởng và quyết tâm hơn là đọc các thông tin từ quảng cáo. Vậy nên, chi phí (nếu có) để làm khách vui lòng khi đến và tạo ra sự liên lạc thường xuyên với họ sau đó cũng là cách “quảng cáo” mà nhiều khách sạn, khu du lịch đã làm và mang lại hiệu quả…
Nói luôn dễ hơn làm! Các hội thảo sẽ kết thúc với nhiều ý kiến khiến ta thán phục. Nhưng bắt tay vào làm cho được trong điều kiện cụ thể thì không bao giờ là chuyện dễ dàng. Tuy nhiên, vì quyền lợi và sự phát triển, Đà Nẵng cần có những bước đi chủ động hơn trong xu thế bắt buộc: Tạo ra một liên kết đa chiều với tư cách “tọa độ đột phá vùng” mà ông Trần Đình Thiên đã đề xuất.
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG