Thời sự và bàn luận

Giáo dục tự hào hàng Việt từ trường học

07:43, 31/10/2014 (GMT+7)

Để cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (gọi tắt là cuộc vận động - CVĐ) trở thành ý thức thường trực, nét văn hóa tiêu dùng, cần phải đưa nội dung giáo dục ý thức tự hào hàng Việt vào trường học.

Đó là đề xuất của Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết, Phó Ban Thường trực Ban chỉ đạo CVĐ tại hội thảo 5 năm thực hiện CVĐ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng ngày 29-10. Đây là ý kiến đáng quan tâm để CVĐ thực sự đi vào đời sống một cách hiệu quả, thiết thực và bền vững hơn trong thời gian tới.

Cùng với sự chung tay vào cuộc của Mặt trận, các đoàn thể, ban, ngành của thành phố, 5 năm qua, CVĐ lan tỏa rộng khắp trong đời sống kinh tế-xã hội. CVĐ khơi dậy trong các nhà sản xuất ý chí tự lực cánh sinh, tinh thần trách nhiệm trong việc không ngừng đầu tư nâng cao chất lượng, cải tiến và đa dạng mẫu mã sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ với giá cả cạnh tranh, thỏa mãn nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng.

Hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhà sản xuất, thành phố đã có nhiều giải pháp thiết thực: Cải cách thủ tục hành chính trong cấp phép kinh doanh; ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về vốn, hỗ trợ lãi suất vay vốn, đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu; tổ chức xúc tiến thương mại quảng bá sản phẩm; hỗ trợ tìm hiểu cơ hội đầu tư, hợp tác thương mại, thị trường tiêu thụ; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hoạt động triển lãm sản phẩm, phiên chợ hàng Việt...

Đồng thời, các ngành chức năng của thành phố tăng cường công tác quản lý Nhà nước, kiểm soát, phòng chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng... Công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức đã làm thay đổi nhận thức, hành vi của người dân tin và dùng hàng Việt. Tiêu thụ hàng Việt tại các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ trên địa bàn thành phố năm 2009 từ mức 50% nay đã tăng lên hơn 80% là một minh chứng sinh động về hiệu quả của CVĐ.

CVĐ đã khơi dậy ý thức tự tôn, tinh thần dân tộc trong các nhà sản xuất, kinh doanh hàng Việt trong nước và trên địa bàn thành phố với quyết tâm xây dựng thương hiệu hàng Việt trở thành thương hiệu uy tín trong và ngoài nước. CVĐ đã hình thành văn hóa tiêu dùng, khích lệ tinh thần mỗi người dân thành phố, dùng hàng Việt là yêu nước, là đề cao tinh thần dân tộc, hàng Việt là niềm tự hào của người Việt.

Nhiều bài học kinh nghiệm sau 5 năm thực hiện CVĐ cần tiếp tục phát huy trong thời gian đến. Đó là sự quan tâm sâu sát của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể và Ban chỉ đạo CVĐ của thành phố. Công tác tuyên truyền có vai trò khích lệ tinh thần dân tộc trong các nhà sản xuất, hình thành văn hóa tiêu dùng hàng Việt trong người dân; song công tác này cần tiếp tục đổi mới hơn nữa. Đưa giáo dục niềm tự hào hàng Việt vào trường học là một ý kiến đáng lưu tâm.

Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, học sinh phải được giáo dục để hình thành văn hóa về sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt, tinh thần tự hào về hàng Việt. Thầy, cô giáo, phụ huynh phải là tấm gương cho con trẻ về văn hóa tiêu dùng hàng Việt. Để khi trưởng thành, dùng hàng Việt phải trở thành mối quan tâm đầu tiên của người Việt trong mỗi hành vi quyết định tiêu dùng hàng hóa, sử dụng dịch vụ nội địa.

ĐOÀN SƠN

.