Thời sự và bàn luận

Văn bản phải phù hợp thực tiễn

07:53, 04/11/2014 (GMT+7)

“Một người đau bụng bắt cả làng uống thuốc”. Đó là cách ví của đại diện cơ quan nước ngoài nói tại hội thảo của Bộ Tư pháp vừa tổ chức tại Đà Nẵng khi đề cập thực trạng công tác ban hành văn bản đang gây rườm rà về thủ tục hành chính (TTHC). Mục đích của hội thảo là lấy ý kiến góp ý dự thảo kế hoạch của Chính phủ về đơn giản hóa TTHC với mục tiêu cắt giảm 25% chi phí tuân thủ hành chính trong năm 2015.

Theo ý kiến này, thực tế hiện nay công tác ban hành văn bản để quản lý các lĩnh vực trong xã hội cứ phát hiện một vài hoặc một số doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở của văn bản pháp luật là cơ quan quản lý lại điều chỉnh quy định làm số đông doanh nghiệp bị ảnh hưởng, vạ lây. Nhiều rào cản ẩn sâu trong các văn bản, TTHC của các bộ, ngành, cấp chính quyền đang làm khó cho người dân, doanh nghiệp.

Được biết, năm 2013, Việt Nam ban hành 905 luật, nghị định, thông tư (gấp đôi số lượng văn bản quy phạm pháp luật ban hành vào năm 2008); trong đó, một số lượng không nhỏ văn bản mới ban hành không nhất quán hoặc chồng chéo với các văn bản trước đó.

Nhiều ý kiến đồng tình với nhận định nói trên và đặt dấu hỏi về chất lượng văn bản được ban hành. Nhiều văn bản đã ban hành hay đang soạn thảo không phù hợp với thực tiễn cuộc sống, gây ra bức xúc, khó khăn, thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp.

Hiến pháp 2013 khẳng định quyền tự do kinh doanh của người dân và nhiều đạo luật quan trọng khác cũng được xây dựng, ban hành theo hướng này. Tuy nhiên, nhiều văn bản dưới luật như nghị định, thông tư… lại không tuân thủ đúng tinh thần này. Có những văn bản vừa ban hành đã “chết yểu” vì không phù hợp và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cuộc sống. Ví dụ: Thông tư 20/2014/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ về hạn chế nhập máy móc thiết bị cũ ban hành ngày 15-7-2014, dự kiến có hiệu lực từ ngày 1-9-2014 nhưng do bị cộng đồng doanh nghiệp phản ứng nên phải ngưng thi hành trước một ngày khi có hiệu lực.

Không ít văn bản hiểu sao cũng được, áp dụng sao cũng được, văn bản trên trời, thực tiễn dưới đất... Điều đáng lo ngại là trong bối cảnh Chính phủ cam kết và đẩy mạnh cải cách TTHC, bảo đảm quyền tự do kinh doanh thì vẫn tiếp tục có những văn bản pháp luật “đẻ thêm” nhiều TTHC phiền hà, tạo gánh nặng cho người dân, doanh nghiệp.

Thực trạng này làm cho chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam chưa có cải thiện và giẫm chân tại vị thứ 68/144 nước từ năm 2007-2014. Trong đó, chỉ số gánh nặng tuân thủ quy định pháp luật của Việt Nam xếp hạng thấp nhất (101) trong ASEAN.

Năm 2015, Chính phủ đặt mục tiêu phải đơn giản hóa 18 nhóm quy định TTHC có liên quan thiết thực đến đời sống sinh hoạt nhân dân, hoạt động của doanh nghiệp nhằm cắt giảm 25% chi phí tuân thủ TTHC. Thực hiện thành công mục tiêu này, giá trị tiết kiệm thời gian, tiền bạc cho người dân, doanh nghiệp sẽ là con số hàng ngàn tỷ đồng. Đương nhiên chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam sẽ có cải thiện.

Đơn giản hóa TTHC với việc bãi bỏ, sửa đổi, điều chỉnh hợp lý hóa các quy định về TTHC phải đi đôi với công tác nâng cao chất lượng ban hành văn bản. Để có được chính sách tốt, thủ tục đơn giản, cơ quan Nhà nước phải từ bỏ tư duy “thà bắt lầm hơn bỏ sót” sang đánh giá hiệu quả tác động của văn bản, lường trước và có phương án phòng ngừa những rủi ro có thể xảy ra là một số ít đối tượng chịu tác động của văn bản sẽ tìm cách lách luật, lách quy định.

Quản lý hiệu quả nhưng thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp cần trở thành mục tiêu chung, tiếng nói chung giữa người dân, doanh nghiệp với cơ quan Nhà nước khi xây dựng, ban hành văn bản.

HOÀNG ANH

.