Thời sự và bàn luận
Quyết liệt xử lý chèo kéo du khách
Một trong ba hành vi mà thành phố tập trung giải quyết triệt để trong “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015” là chèo kéo, đeo bám khách du lịch.
Đây không phải lần đầu tiên Đà Nẵng nói “không” với hành vi này, nhưng năm nay sẽ tập trung thực hiện đến nơi đến chốn, không chỉ vì sự phát triển của ngành du lịch, mà vì một hình ảnh Đà Nẵng có văn hóa, văn minh đô thị, xây dựng một hình ảnh đẹp về Đà Nẵng theo hướng thân thiện, mến khách. Hy vọng, việc thực hiện sẽ mang lại hiệu quả vì thành phố đã cơ bản đồng thuận và triển khai việc này dần đi vào nền nếp.
Minh chứng là trong năm 2014, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), Sở Công thương và các ngành chức năng phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân với việc vận động 1.091 cơ sở kinh doanh dịch vụ ký cam kết không để xảy ra tình trạng xin ăn, bán hàng rong tại cơ sở mình; kiểm tra, nhắc nhở 889 trường hợp bán hàng rong không đúng nơi quy định.
Cũng trong năm 2014, UBND quận Sơn Trà xử phạt hành chính hơn 52 triệu đồng với các hành vi bán hàng rong, chèo kéo khách du lịch; Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) phối hợp chính quyền địa phương rà soát, phân loại các đối tượng đeo bám, chèo kéo khách để hướng dẫn, sắp xếp chuyển đổi ngành nghề cho phù hợp…
Tuy nhiên, trên thực tế, việc kiểm tra, chấn chỉnh hành vi này không thường xuyên, liên tục và làm rốt ráo với quyết tâm cao thì tái diễn và ngày càng biến tướng. Bản chất việc mời chào, hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ du khách, cung cấp thông tin về thành phố, chỉ dẫn cho khách các thông tin dịch vụ taxi, xích lô… là hành vi tốt, thể hiện sự thân thiện, hiếu khách.
Nhưng một số đối tượng có hành vi lôi kéo, nài nỉ khách mua hàng, dịch vụ, đeo bám theo khách, có thái độ thiếu văn minh như khách không mua thì tỏ thái độ, nói lời không đẹp với du khách hay nâng giá, bán không đúng theo giá niêm yết…, gây cảm giác khó chịu, không hài lòng đối với du khách.
Đó chính là sự biến tướng và trên thực tế rất khó kiểm soát nếu cơ quan chức năng, lực lượng thực thi nhiệm vụ không đeo bám một cách thường xuyên; chính quyền địa phương không xử lý, giải quyết rốt ráo và căn cơ.
Vì vậy, trong “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015”, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng thuận của toàn xã hội chính là cơ hội để ngành chức năng và các địa phương thực hiện đến nơi đến chốn giải quyết tình trạng chèo kéo, đeo bám khách du lịch trên địa bàn thành phố.
Một tín hiệu đáng mừng là đầu năm 2015, các ngành, địa phương lên kế hoạch phối hợp, nỗ lực trong triển khai các hoạt động xử lý, ngăn chặn các hành vi đeo bám, chèo kéo khách. Sở VH-TT&DL tổ chức quầy thông tin du lịch cung cấp thông tin du lịch cho khách bằng nhiều hình thức như in tập gấp, bản đồ du lịch, đội sứ giả du lịch, bố trí đội xe taxi, xích lô với giá niêm yết công khai để khách lựa chọn.
Bên cạnh đó, các đơn vị lữ hành cung cấp thông tin, dịch vụ tiện ích cho du khách biết lựa chọn trước và trong khi đến tham quan thành phố; cung cấp thông tin về lịch trình của khách… để chính quyền địa phương, đơn vị phối hợp chặt chẽ, thông suốt.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo ngành VH-TT&DL, biện pháp “mạnh tay” hơn nữa chính là cần tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử phạt nghiêm theo Nghị định 158/2013 của Chính phủ; trong đó Điều 48 quy định “chèo kéo, ép buộc khách du lịch mua hàng hóa, dịch vụ mức phạt từ 1-3 triệu đồng”; đối với các đối tượng tái diễn vi phạm nhiều lần thì có mức xử lý mạnh hơn nữa để bảo đảm trả lại môi trường văn hóa, văn minh cho ngành du lịch nói riêng và thành phố nói chung.
THU HÀ