Thời sự và bàn luận

Không đẩy khó cho dân

08:14, 26/06/2015 (GMT+7)

Theo tiến độ thực hiện Đề án số hóa truyền dẫn phát sóng thì kể từ ngày 1-7-2015 tại Đà Nẵng sẽ cắt sóng truyền hình tương tự mặt đất (analog) để chuyển sang số hóa truyền hình (digital).

Đây là mốc thời gian mà Ban chỉ đạo Trung ương về triển khai Đề án số hóa truyền dẫn phát sóng chỉ đạo thực hiện. Tuy nhiên, qua báo cáo của các đơn vị liên quan, UBND thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo lùi tiến độ thực hiện đến ngày 1-10-2015.  

Cơ sở để lãnh đạo Đà Nẵng lùi tiến độ là công tác chuẩn bị thực hiện Đề án số hóa truyền dẫn phát sóng đến thời điểm này chưa sẵn sàng về điều kiện thực hiện; không đẩy việc khó về phía người dân khi phải loay hoay mua đầu thu và chưa nhận được hỗ trợ đầu thu số lại bị cắt sóng xem truyền hình.

Hiện nay, đối tượng hỗ trợ trang bị đầu thu kỹ thuật số mà Trung ương cam kết hỗ trợ theo diện hộ nghèo thuộc chuẩn của TW đối với thành phố Đà Nẵng chưa được thực hiện. Vướng mắc tiếp theo là Trung tâm truyền dẫn phát sóng VTV - đối tác dịch vụ truyền dẫn phát sóng của Đài Phát thanh-Truyền hình Đà Nẵng (DRT) chưa triển khai lắp đặt thiết bị đối với 2 trạm phát sóng số trên địa bàn huyện Hòa Vang. Đây cũng là địa phương chịu tác động nhiều bởi chương trình số hóa truyền dẫn phát sóng.

Về phía thành phố Đà Nẵng cũng chưa xác định đủ và đúng đối tượng hỗ trợ nên việc cắt sóng truyền hình mặt đất (analog) từ ngày 1-7-2015 tại Đà Nẵng là vội vàng; ảnh hưởng đến nhu cầu xem truyền hình của người dân.

Nhiều sự kiện chính trị, xã hội đang cần được tuyên truyền thông qua các kênh truyền hình không đến được với người dân, hạn chế việc dân biết thông tin, dân bàn, dân thực hiện.

Sở Tài chính - cơ quan được thành phố giao nhiệm vụ cấp nguồn ngân sách để hỗ trợ người dân trang bị đầu thu kỹ thuật số, nhưng đến nay chưa có số liệu về đối tượng hỗ trợ, phương thức thực hiện…

Trong khi đó, Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã tham mưu, đề xuất giải pháp hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt cho người dân (hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách nghèo và hộ đồng bào dân tộc). Hộ được hỗ trợ có đơn đề nghị và có xác nhận của tổ dân phố, trưởng thôn và UBND xã, phường. Người hỗ trợ sẽ nhận tiền mặt và tự mua sắm đầu thu.

Với phương thức hỗ trợ này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng cho rằng không thể đẩy việc khó về phía người dân bởi chưa vận hành trạm phát sóng lại cắt sóng thì dân xem truyền hình nào...

Người nghèo thì càng không thể để người dân viết đơn đi xin, hỗ trợ hiện vật là đầu thu truyền hình thì  phải đem đến tận nhà và càng không thể giao tiền mặt để người dân loay hoay đi mua, phát sinh tình trạng mua không đúng giá, mua hàng nhái, hàng không đạt chuẩn và thậm chí không mua thì mục tiêu hỗ trợ không đến với người dân…

Do đó, lãnh đạo thành phố chỉ đạo, việc triển khai trực tiếp hỗ trợ đầu thu truyền hình kỹ thuật số cho người dân phải được giao cho Đài truyền thanh các quận, huyện, trạm truyền thanh xã, phường. Đây là đầu mối nhận thiết bị đầu thu thông qua đấu thầu cung cấp; đến từng hộ hỗ trợ lắp đặt, hướng dẫn kỹ thuật, thực hiện bảo hành sản phẩm; thanh quyết toán kinh phí. Khi giao đầu thu kỹ thuật số đến từng đối tượng hỗ trợ thì mời người dân ký xác nhận, mời xem truyền hình quảng bá của Đảng và Nhà nước.

Đà Nẵng là một trong những đơn vị đầu tiên của cả nước thực hiện thí điểm và hoàn thành số hóa truyền hình năm 2015. Khi triển khai hỗ trợ đầu thu số, Đà Nẵng có phương án thực hiện với mục tiêu vì dân, quan tâm đến người dân và cùng với nhà cung cấp thiết bị chịu trách nhiệm chất lượng sản phẩm đầu thu kỹ thuật số.

Khi thực hiện số hóa truyền hình, nếu người dân xem chương trình không chất lượng hơn trước, đầu thu hư hỏng trước hạn bảo hành thì xác định đơn vị chịu trách nhiệm giải quyết là đơn vị truyền dẫn phát sóng, UBND các quận, huyện và Đài Truyền thanh cơ sở. Đây thực sự là bài học và kinh nghiệm hay.

Triệu Tùng

.