Thời sự và bàn luận

Kết tinh trí tuệ toàn dân

07:53, 08/09/2015 (GMT+7)

Việc tổ chức lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Đà Nẵng khóa XX nhiệm kỳ 2010-2015 trình Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015-2020 là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, thể hiện dân chủ trong đời sống chính trị của thành phố, nhằm tập hợp trí tuệ, phát huy tinh thần dân chủ, tâm huyết, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia quyết định những vấn đề quan trọng của thành phố.

Đảng bộ thành phố mong muốn nhận được ý kiến đóng góp của mọi tầng lớp nhân dân để Dự thảo Báo cáo chính trị thực sự là kết tinh ý chí, trí tuệ của toàn Đảng bộ và nhân dân thành phố. Qua đó, tạo sự thống nhất về tư tưởng và hành động trong toàn Đảng bộ và nhân dân, giúp Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố sáng suốt khi nhận diện thời cơ và thách thức, cũng như đề ra mục tiêu, phương hướng, những quyết sách đúng đắn, phù hợp với tiềm năng, lợi thế từ thực tiễn địa phương, xây dựng và phát triển Đà Nẵng trong giai đoạn tới. Qua tiếp thu ý kiến, Đảng bộ thành phố có thêm cơ hội lắng nghe nguyện vọng, mong ước của người dân thành phố về sự phát triển Đà Nẵng trong tương lai.

Công bố dự thảo văn kiện quan trọng của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố thể hiện sự gắn kết máu thịt giữa Đảng với dân, người dân tham gia góp ý xây dựng Đảng. Điều này khẳng định Đảng bộ thành phố luôn kế thừa và vận dụng sáng tạo bài học “dân là gốc”, đúc kết thành chủ trương lớn “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” và bài học được Đảng bộ thành phố đúc kết: “Đảng nói-dân tin; Mặt trận vận động-dân theo; chính quyền làm-dân ủng hộ”. Những nội dung mà người dân tập trung góp ý gồm:

Đánh giá tổng quát kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XX Đảng bộ thành phố, nhiệm kỳ 2010-2015; phương hướng nhiệm kỳ 2015-2020, cơ hội và thách thức tác động đến phát triển kinh tế-xã hội thành phố; 3 hướng đột phá kinh tế-xã hội; mục tiêu tổng quát; các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế, xã hội, môi trường; các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh và cải cách tư pháp, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị nêu trong dự thảo. Khi người dân được tham gia góp ý, hiến kế thực hiện chủ trương, chính sách thì họ sẽ ý thức rõ hơn công việc của Đảng, của thành phố cũng là công việc của chính mình.

Nhiệm kỳ 2010-2015, phát huy bài học đoàn kết, đồng thuận, sáng tạo và quyết tâm cao, Đảng bộ và nhân dân thành phố tạo được những dấu ấn mới, những bước phát triển rất quan trọng và tự hào. Đà Nẵng phát triển lên một tầm vóc mới, hiện đại, năng động hơn với những bước đi tiên phong, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. 5 hướng đột phá về phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết XX của Đảng bộ thành phố đạt những kết quả ban dầu; trong đó rõ nhất là phát triển dịch vụ du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Cùng với đó, kết quả mang ý nghĩa lịch sử sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW và Kết luận số 75-KL/TW của Bộ Chính trị tiếp thêm niềm tin, sức mạnh, làm tiền đề và tạo đòn bẩy để thành phố phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, bền vững hơn.

Từ những đột phá mới, chất lượng cuộc sống của người dân thành phố không ngừng được nâng cao, thu nhập bình quân người dân năm sau cao hơn năm trước, đến năm 2015 ước đạt 62,5 triệu đồng/người, tương đương 2.908 USD. Kết cấu hạ tầng ngày càng đồng bộ, an sinh xã hội luôn được chăm lo chu đáo.

Văn hóa bước đầu đã phát triển hài hòa với kinh tế. Công tác quốc phòng luôn được giữ vững, tình hình an ninh trật tự được bảo đảm; công tác xây dựng Đảng có bước phát triển mới, khối đại đoàn kết toàn dân tộc luôn được củng cố, sức mạnh đồng thuận của lòng dân luôn được nuôi dưỡng và phát huy. Tuy vậy, bên cạnh những thành quả quan trọng đạt được, thành phố nghiêm túc nhìn nhận và đánh giá những vấn đề còn hạn chế, yếu kém cần khắc phục như trong dự thảo báo cáo chính trị đã nêu.

Với cách kết cấu xây dựng văn kiện thể hiện tính khoa học, vừa đánh giá kết quả thực hiện nhiệm kỳ 2010-2015, vừa nêu rõ nhiệm vụ, mục tiêu trọng tâm trong nhiệm kỳ 2015-2020 theo từng vấn đề lớn sẽ giúp người dân nắm bắt vấn đề có hệ thống hơn, dễ hiểu hơn.

Như thế, người dân có thể góp ý sâu sắc hơn. Yêu cầu đặt ra là việc triển khai lấy ý kiến góp ý của các tầng lớp nhân dân được tiến hành một cách chặt chẽ, khoa học, vừa phát huy được trí tuệ của các tầng lớp nhân dân, vừa phòng ngừa các thế lực xấu lợi dụng để xuyên tạc, chống phá. Mỗi người dân thành phố cần phát huy trách nhiệm của công dân Đà Nẵng, làm sao để mỗi vấn đề, mỗi ý kiến được nêu ra phải xuất phát từ những suy nghĩ thật sâu sắc từ đáy lòng mình, trên tinh thần chung là tất cả vì một Đà Nẵng phát triển văn minh, hiện đại và an bình.  

DIỆU MINH

.