Thời sự và bàn luận
Khi đô thị có trên 1 triệu dân
Đà Nẵng đã có dân số 1,029 triệu dân từ tháng 8-2015, theo nguồn tin từ ngành y tế. Con số này có những ý nghĩ gì về mặt xã hội học đô thị, về những vấn đề liên quan đến phát triển, xã hội và môi trường?
1.
A. Boskoff và các nhà xã hội học đô thị đều cho rằng, dân số luôn vừa là nguồn lực, vừa là áp lực đối với đô thị. Chất lượng dân số không cao, nạn thất nghiệp, tệ nạn xã hội, bệnh tật và các nhu cầu học tập sẽ trở thành những gánh nặng, tạo ra những áp lực không hề dễ chịu đối với quản lý đô thị. Bên cạnh đó, những vấn đề gia đình và hôn nhân, giáo dục trẻ em, tội phạm, đặc biệt là tội phạm trẻ em, người di cư… sẽ nảy sinh càng nhiều vấn đề phức tạp. Đô thị Việt Nam bên cạnh đó còn có những đặc trưng: nơi tụ họp của nhiều miền quê đến ở, những người làm đủ các nghề nghiệp quần tụ nên càng là gánh nặng đối với hạ tầng kỹ thuật, hệ thống phúc lợi…
Phân tích của ngành y tế Đà Nẵng cho thấy, với tỷ lệ số dân tăng 1% mà đến năm 2020, dân số thành phố đã lên đến 1,4 triệu người. Điều đó có nghĩa mức tăng dân số cơ học không hề nhỏ. Nếu so với con số 15-20% tăng cơ học do dân nhập cư ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, có lẽ Đà Nẵng không ít hơn.
Tại Hội thảo “Dân số, sức khỏe cộng đồng và phát triển ở Việt Nam sau 25 năm đổi mới” diễn ra tại Hà Nội vào tháng 10-2011, các tác giả Patrick Gubry và Lê Thị Hương còn đưa ra khái niệm “dân số trôi nổi - floating population”, đây là những người không đăng ký đến từ các vùng nông thôn kế cận đô thị, chưa có mặt trong các cuộc điều tra dân số, nhưng lại sử dụng cơ sở hạ tầng đô thị và hoạt động thường xuyên ở đô thị (như làm việc thời vụ, bán hàng rong, tạp vụ…).
Các tác giả ước lượng con số này chiếm khoảng 10% dân số. Chính những thành phần dân cư tiềm ẩn này làm phong phú (hay phức tạp) thêm về thực trạng nghèo đói đô thị và tạo ra độ chênh trong các điều tra kinh tế-xã hội đô thị.
Vì vậy, khi nói dân số 1,029 triệu trong năm 2015 hay 1,4 triệu trong 5 năm nữa, thì thực tế số dân cư trú, chia sẻ hạ tầng, tạo áp lực về môi trường, trật tự xã hội… của Đà Nẵng còn cao hơn.
2.
Đặc trưng của xã hội học đô thị là tính liên đới của cư dân. Hành vi ứng xử của mỗi cá thể tức thì tác động nhiều mặt đến người khác và cộng đồng. Đô thị Đà Nẵng cũng như các đô thị khác ở nước ta chủ yếu hình thành từ các ý chí hành chính hơn là lý do kinh tế như các đô thị phương Tây. Mỗi đô thị ở nước ta đều mang trên nó số lượng nông dân ở các xã nông nghiệp vùng ven.
Tốc độ đô thị hóa khiến họ nhanh chóng mất đi ruộng đất và thất nghiệp. Ít nhất có hơn 150.000 dân ở các vùng nông thôn thuộc huyện Hòa Vang và quận Cẩm Lệ mỗi ngày vào nội thị buôn bán, làm tạp vụ và chia sẻ những lợi ích về phúc lợi. Điều đó đặt ra những áp lực khác về kinh tế, xã hội, môi trường trong quản lý đô thị và năng lực quản lý đô thị.
Trong khi đó, chưa thấy các trường đại học của Đà Nẵng hay khu vực có những chương trình đào tạo, hay kế hoạch tuyển sinh về xã hội học đô thị, hay quản lý đô thị. Nghĩa là trong 10-20 năm tới, quản lý đô thị của chúng ta vẫn còn mò mẫm, dựa vào kinh nghiệm hơn là sự bài bản. Một đô thị đáng sống không chỉ dựa vào hệ thống hạ tầng, dịch vụ, phúc lợi xã hội theo quy hoạch mà Đà Nẵng có lẽ đang đi đúng hướng, nó còn đòi hỏi đội ngũ các nhà quản lý am tường và chuyên sâu những lĩnh vực nêu trên. Điều này phải bắt nguồn từ đào tạo và đào tạo lại.
3.
Quốc đảo Singapore, thực chất như một đô thị với dân số 5 triệu, mỗi ngày phải gồng gánh lượng du khách trên 2 triệu người, trong đó có 2 triệu người sử dụng hệ thống tàu điện ngầm MRT. Đó là chỉ nói riêng hệ thống vận chuyển công cộng hoạt động từ 8-23 giờ mỗi ngày và với tần suất 3-5 phút hiện nay ở Singapore. Để đón lượng du khách như vậy và cả hàng vạn chuyên gia công nghệ cao đến làm việc ở quốc đảo sư tử, áp lực không hề đơn giản. Số du khách, chuyên gia này chắc chắn tiếp tục trả tiền và đòi hỏi các dịch vụ liên quan cao hơn mức sống của người bản địa.
Thành phố Đà Nẵng lấy du lịch và dịch vụ làm các mũi nhọn phát triển. Hiện chúng ta chỉ đón vài ba ngàn du khách mỗi ngày. Vậy trong thập niên tới, nếu Đà Nẵng đón 100.000 du khách/ngày, liệu điều kiện cơ sở hạ tầng, dịch vụ có bảo đảm không nếu không quy hoạch, đầu tư ngay từ bây giờ.
Cho nên, khi nói dân số là 1 triệu hay 1,4 triệu, đứng về mặt xã hội học đô thị hay quản lý đô thị, cần có cái nhìn và cách tính toán trong thể động, kết hợp cùng đặc trưng đô thị mà chúng ta có. Đó là tính chất, nguồn gốc, tập quán ứng xử của các thành phần cư dân và khả năng “chịu đựng” các áp lực về mọi mặt mà một đô thị cần phải có, khi đón nhận lượng du khách ngày càng tăng.
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG