Thời sự và bàn luận

Lá phiếu vì sự thịnh vượng

07:55, 03/03/2016 (GMT+7)

Chất lượng của đại biểu Quốc hội (QH) là một trong những vấn đề lớn được cử tri tập trung đề đạt với Đoàn đại biểu QH đơn vị Đà Nẵng tại buổi tiếp xúc cử tri tổ chức ngày 2-3; bởi tìm được người tâm huyết, nói thẳng, nói đúng và dám nói để bầu vào QH là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm cao cả này phụ thuộc vào sự chọn lựa của mỗi cử tri khi cầm lá phiếu trên tay trong ngày bầu cử 22-5 tới.

Lá phiếu bầu đúng người đủ tài, đủ đức và vì dân chắc chắn sẽ mang lại sự thịnh vượng cho người dân. Cử tri luôn ủng hộ quan điểm vào QH chính là để thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân chứ không phải để làm “nghị gật”, càng không phải chiếm ghế để tư lợi, vun vén cá nhân. Chất lượng hoạt động của QH, vai trò của đại biểu QH - những người đại diện cho cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước “của dân, do dân, vì dân” luôn được cử tri dõi theo.

Những chuyển động tích cực từ nghị trường QH sau một nhiệm kỳ là rất lớn và sẽ khó có thể đo đếm hết. Đó là xây dựng và thông qua nhiều dự án luật có chất lượng, thực hiện quyền giám sát tối cao, giải quyết những vướng mắc mang tính vĩ mô, đưa đất nước phát triển đúng hướng…

Nhưng cũng tại những kỳ họp QH, rất dễ nhận thấy sự thiếu đồng đều. Có đại biểu QH dành nhiều thời gian nghiên cứu sâu nội dung các vấn đề sẽ đưa ra thảo luận, có nhiều phát biểu sâu sắc, đề xuất những giải pháp để cải thiện những lĩnh vực còn yếu kém. Những phát biểu rất thuyết phục này tạo những hiệu ứng tích cực trong xã hội.

Ngược lại, có đại biểu trong suốt cả nhiệm kỳ không phát biểu tại các kỳ họp, tham gia hoạt động nghị trường thiếu sôi nổi, thực hiện nhiệm vụ trong các cuộc tiếp xúc cử tri tại địa phương còn mang nặng tính hình thức, chưa thực sự sát dân, gần dân.

Cử tri cũng không hài lòng khi các buổi họp tại một số kỳ họp QH, ghế trống còn để quá nhiều. Như thế, chất lượng kỳ họp chắc chắn sẽ không thể bảo đảm yêu cầu đề ra chứ chưa nói đến việc nâng cao hơn.

Câu chuyện về tư cách đại biểu QH vẫn còn là vấn đề nóng. Dù không mong muốn nhưng trong nhiệm kỳ QH khóa XIII, QH phải tiến hành bãi nhiệm tư cách đại biểu QH đối với bà Châu Thị Thu Nga do thực hiện các hành vi lừa đảo gây rúng động dư luận.

Ở các nhiệm kỳ trước đó, QH cũng bãi nhiệm tư cách đại biểu QH đối với đại biểu vi phạm pháp luật. Từ đó, yêu cầu đặt ra là chất lượng của từng đại biểu giới thiệu ứng cử và tự ứng cử phải có tâm, có tầm và gương mẫu về đạo đức, lối sống để bầu vào QH cần được xem xét kỹ, thấu đáo hơn nữa.

Tính dân chủ và công khai trong hệ thống chính trị và trong toàn xã hội ngày càng được phát huy đồng nghĩa với tiếng nói của người dân phải được các cơ quan công quyền các cấp ghi nhận và có giải pháp xử lý phù hợp, kịp thời.

Những vấn đề này thuộc về trách nhiệm giải quyết của chính quyền các cấp, các ngành, nhưng vai trò giám sát tối cao của đại biểu QH cũng phải thể hiện rõ ràng, hiệu quả để cử tri ngày càng tin tưởng hơn vào hiệu quả giám sát của QH. Chính mỗi đại biểu QH sẽ là người cụ thể hóa nhiệm vụ giám sát đó. Giám sát có tốt hay không phụ thuộc vào năng lực của đại biểu.

Với trình độ văn hóa và dân trí ngày càng được nâng cao, cùng với đó là dân chủ ngày càng mở rộng, chắc chắn cử tri sẽ sáng suốt dành những lá phiếu cho những ứng cử viên có phẩm chất năng lực, nhiệt huyết, toàn tâm, toàn ý vì trách nhiệm xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp hơn.

DIỆU MINH
 

.