Thời sự và bàn luận
Khởi nghiệp, dưỡng nghiệp?
Tồn tại lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam hiện nay nằm ở cả hai khâu: Khởi nghiệp và dưỡng nghiệp. Đây là lý do chính dẫn đến số lượng lẫn chất lượng hoạt động doanh nghiệp của nước ta còn rất yếu, thậm chí ở dưới mức trung bình so với các nước. Số liệu giai đoạn 2013 - 2015 cho thấy, nếu so sánh tỷ lệ số người dân/doanh nghiệp thì ta thuộc diện rất thấp (Việt Nam 204/ Philippines 118/ Đức 49/ Hoa Kỳ 48/ Singapore 32/ Nhật bản 27…).
Cũng theo Tổng cục Thống kê, chỉ số nhận thức về cơ hội và năng lực kinh doanh tại Việt Nam cũng còn hạn chế, tỷ lệ người trưởng thành nhận thấy có cơ hội để bắt đầu một việc kinh doanh mới chỉ đạt 36,8%, thấp hơn nhiều so với mức bình quân 60,8% của các nước đang trong giai đoạn phát triển tương tự như Việt Nam.
Doanh nghiệp Việt Nam đang ở dạng thức “3 không”: Không nhiều về số lượng/ Không mạnh về chất lượng/ Không có doanh nghiệp tầm cỡ đầu đàn đủ tầm đủ sức cạnh tranh ngang ngửa trên đấu trường hội nhập. Những năm vừa qua, do tác động của khủng hoảng kinh tế trong nước và quốc tế, hàng loạt doanh nghiệp lâm vào cảnh phá sản, giải thể, dừng hoạt động, thời gian gần đây khả năng phục hồi có biểu hiện khá hơn nhưng vẫn chưa thể khẳng định là bền vững.
Việc thành lập một doanh nghiệp quả là dễ hơn vạn lần so với công sức và chi phí đầu tư cần bỏ ra để duy trì vận hành hoạt động của nó sao cho thực sự ổn định và hiệu quả. Làn sóng khởi nghiệp trước hết sẽ giúp kiến tạo, bổ sung thêm những nhân tố mới trên thương trường, cho dù đôi khi “chỉ đến rồi đi”, bởi lẽ theo số liệu thống kê lịch sử tỷ lệ khởi nghiệp thành công chỉ dừng lại ở mức 10-15% số doanh nghiệp chấp nhận khởi sự.
Vấn đề đặt ra là không nên xem khởi nghiệp như một phong trào nhất thời, thậm chí là cao trào, với những cách nói hay ho, giống như cụm từ “tái cơ cấu nền kinh tế” chúng ta đã từng nói mãi vài ba năm nay nhưng những chuyển động cho thực sự ra trò thì vẫn chưa thể khẳng định được.
Mặt khác, khởi nghiệp chỉ là một trong số rất nhiều bước đi để xây dựng nên một doanh nghiệp có vị thế hoàn chỉnh, bắt đầu từ quy mô vừa/ nhỏ/ siêu nhỏ từng bước tiến lên chính quy, hiện đại, theo kịp với tầm nhìn thời đại.
Thực tế này đòi hỏi phải cấp bách ban hành một bộ khung chính sách đúng đắn, đồng bộ để phát huy tinh thần khởi nghiệp đi đôi với dưỡng nghiệp trong toàn xã hội. Hay nói khác đi, nhiệm vụ trọng tâm hiện nay không chỉ là cần xây dựng một “hệ sinh thái khởi nghiệp” như cách đặt vấn đề lâu nay của các nhà làm chính sách mà quan trọng hơn phải gắn kết với nền văn hóa dưỡng nghiệp tiên tiến, khoa học.
Khi đề cập đến văn hóa dưỡng nghiệp chính là nói đến “linh hồn”, những giá trị thuần túy mang tính chiều sâu trong hoạt động quản trị doanh nghiệp/ hoặc cao hơn là tầm quản trị quốc gia. Bản chất của văn hóa dưỡng nghiệp luôn lấy nội lực làm trung tâm, thường xuyên biết tự tu sửa mình để không ngừng hoàn thiện tiến lên chinh phục đẳng cấp trình độ ngày càng cao, sự trợ giúp từ bên ngoài chỉ là tác nhân phụ chứ không mang tính quyết định đối với sự tồn tại và thành công của doanh nghiệp/ hoặc quốc gia.
Cùng trong một môi trường kinh tế, nhưng có thể doanh nhân/ quốc gia này thành công, doanh nhân/ quốc gia khác lại thất bại, đó là chuyện thường tình thể hiện qua năng lực tầm nhìn và cách vận dụng văn hóa dưỡng nghiệp khác nhau.
Nếu một doanh nhân hoạt động ở nước Mỹ thì họ luôn có nhiều dư địa để hoạt động sáng tạo nhưng đi liền nguy cơ phá sản rất cao bởi vì tính chất cạnh tranh khốc liệt và sự can thiệp của chính phủ vào thị trường luôn ở mức “ít nhất có thể”.
Trong khi đó ở Việt Nam thì ngược lại, doanh nghiệp nhiều khi phải mất thời gian đối đầu với hàng rào thủ tục hành chính nhiêu khê bủa vây, buộc phải vận dụng tối đa kỹ năng xoay xở để tồn tại, chấp nhận bỏ qua việc hoạch định chiến lược phát triển lâu dài.
Đối chiếu Luật Đầu tư mới được Quốc hội Việt Nam ban hành năm 2014, trong Danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện bao gồm 267 ngành nghề, chiếm đến 42% tổng số ngành nghề trong toàn bộ nền kinh tế. Khó có thể lý giải rằng đây là con số hợp lý, bởi nó thể hiện sự xâm nhập quá dày của “rào cản hành chính” trong công ăn việc làm của doanh nghiệp.
Và trên thực tế những quy định như thế này liệu có đi vào thực tiễn cuộc sống và giúp ích gì cho việc nâng cao chất lượng hành chính công cũng như hỗ trợ doanh nghiệp cất cánh?
Tâm Dân