Thời sự và bàn luận

Chuyện cuối tuần

Ở đâu hạnh phúc nhất?

07:47, 19/03/2016 (GMT+7)

- Thì ở Đan Mạch chứ đâu? Bạn không xem bảng danh sách “chỉ số” hạnh phúc của 157 quốc gia do Hệ thống giải pháp phát triển bền vững (SDSN) và Viện Trái đất tại Đại học Columbia, Mỹ vừa công bố nhân Ngày Quốc tế hạnh phúc (20-3) à? Đan Mạch năm ngoái đứng thứ ba, nhưng năm nay là nước dẫn đầu đó!

- Sao họ được hạnh phúc nhất vậy? Vì theo mình biết, Ngày Quốc tế hạnh phúc 20-3 lấy cảm hứng từ ý tưởng của Vương quốc Bhutan - đất nước nằm trên dãy Himalaya, giữa Ấn Độ và Trung Quốc, nơi có tới 60% diện tích lãnh thổ là những nơi hoang sơ chưa từng có người đặt chân đến. Ở đây được đánh giá là hạnh phúc nhất thế giới mà!

- Thế giới luôn luôn thay đổi, vị trí quán quân về hạnh phúc cũng phải thay đổi, bạn ơi! Bạn có biết vì sao ngày 20-3 được chọn là Ngày Quốc tế hạnh phúc không? Vì ngày 20-3 là ngày khá đặc biệt trong năm khi mặt trời nằm ngang đường xích đạo, làm ngày và đêm - tượng trưng cho hình ảnh ánh sáng và bóng tối, âm và dương - có độ dài bằng nhau. Chọn ngày 20-3 chính là chọn sự cân bằng, bình đẳng và hài hòa làm chìa khóa cốt yếu mang đến hạnh phúc cho thế giới.

-À, như vậy có nghĩa là sự cân bằng, chứ không phải là sự vượt trội nào đó về mặt này mặt kia sẽ làm người ta hạnh phúc hơn, đúng không?

- Bạn nghe GS Jeffrey Sachs - người đứng đầu SDSN, cố vấn đặc biệt cho Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon nhận xét về hạng 13 của nước Mỹ nè: “Danh sách này là một thông điệp cảnh tỉnh với nước Mỹ. Trong vòng 50 năm qua, nước Mỹ vốn giàu lại giàu thêm rất nhiều nhưng không hạnh phúc hơn”. Trong khi đó với Costa Rica (hạng 14), ông cho rằng đây là ví dụ điển hình về việc một quốc gia hoàn toàn có thể hạnh phúc và “khỏe mạnh” mà không nhất thiết phải là cường quốc kinh tế.

- Vậy cân bằng mới là hạnh phúc à? Làm thế nào để cân bằng được bạn nhỉ?

- Đó là tự cân bằng trong suy nghĩ của mỗi người về hạnh phúc. Chênh chao trong suy nghĩ của mình, sẽ tạo ra sự chênh chao trong đời sống. Ví dụ, để nói về tình trạng ly hôn hiện nay, các nhà nghiên cứu xã hội phải dùng từ “quả bom ly hôn”, nhất là ở các cặp vợ chồng trẻ.

Từ suy nghĩ “không hợp thì ly dị” đến hành động thực tế là đưa nhau ra tòa giải quyết các thủ tục ly hôn bỗng trở nên phổ biến đến mức khó tin. Nhiều cặp vợ chồng trẻ yêu nhau chớp nhoáng, cưới nhau vội vàng dẫn tới vỡ mộng để rồi ly hôn nhanh chóng.

Nhưng cũng có trường hợp, như bạn của mình, hai người yêu nhau đến 8 năm đằng đẵng, có thai 5 tháng mới tổ chức đám cưới; vậy mà, khi đứa con còn chưa đầy 1 tuổi thì đã đường ai nấy đi (?!). Đôi khi chẳng cần người thứ ba mà vợ/chồng cũng chán nhau, muốn “dọn sạch sẽ” người này, người kia ra khỏi cuộc sống của mình.

Nhưng ly hôn bao giờ cũng mang lại nỗi đau cho cả hai phía. Đó chính là hậu quả của việc không cân bằng được khái niệm hạnh phúc giữa hai người; không cân bằng được những chia sẻ trong cuộc sống… Vì thế, thông điệp của Ngày Quốc tế hạnh phúc năm nay vẫn là “Yêu thương và chia sẻ”.

Có yêu thương, nhưng cũng phải chia sẻ những yêu thương đó với mọi người chung quanh và cả chia sẻ với bản thân mình, thì mới bảo đảm được sự cân bằng, như trạng thái tự nhiên của ngày 20-3 vậy! Bạn đứng trên hai chân nhờ yêu thương và chia sẻ, mới không chênh chao, hụt hẫng như đứng một chân; vậy mới mong là bình yên và hạnh phúc.

Vì thế, nơi hạnh phúc nhất chính là nơi mình chia sẻ yêu thương và được yêu thương nhiều nhất, chứ không phải ở một mảnh đất cụ thể nào, bạn ơi!

Bình An – Minh Thư

.