Thời sự và bàn luận

Không tin cũng phải tin

13:01, 02/04/2016 (GMT+7)

Hôm qua, Ngày Cá tháng Tư (1-4), có một chuyện không muốn tin nhưng cũng phải tin, bởi nó đã trở thành chuyện… cơm bữa! Đó là cơ quan chức năng Đà Nẵng, qua kiểm tra 9 mẫu, phát hiện 7 mẫu măng tươi màu vàng có tồn dư chất Auramine O (còn gọi chất vàng ô).

Cái chất mà người ta chỉ dùng cho vật, mà là vật vô tri vô giác như nhuộm vải, giấy, gỗ, làm màu sơn quét tường... lại được đem dùng cho người. Thế nên, dù tin là có chuyện dùng chất vàng ô, nhưng lại đắng lòng không muốn tin là nó có thể dùng để… sát hại chính những người thân của mình một cách từ từ… và tốn kém (vì phải tốn tiền ăn và tiền chữa bệnh).

Giống như là chuyện ngẫu nhiên, ngay khi lực lượng chức năng ở Đà Nẵng công bố thông tin này, thì ở Hà Nội, trên diễn đàn Quốc hội bàn về tình hình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, đại biểu Quốc hội Lê Thị Nga cũng thống thiết kêu gọi cần phải có chế tài mạnh mẽ hơn để dẹp bỏ những vấn nạn về vệ sinh thực phẩm, bảo đảm cuộc sống an toàn hơn cho người dân.

Với tư cách Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, bà Lê Thị Nga đề nghị Chính phủ cần có phiên họp chuyên đề về vấn đề này; Quốc hội giám sát tối cao việc chấp hành pháp luật an toàn vệ sinh thực phẩm ngay trong kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, đồng thời chuẩn bị áp dụng xử lý hình sự và hành chính ở mức cao nhất đối với các hành vi vi phạm được pháp luật quy định…

Chuyện từ trong bữa ăn hằng ngày, không chỉ được nêu trên báo chí, trên diễn đàn Quốc hội mà hầu như trong rất nhiều cuộc họp của các cơ quan quản lý Nhà nước, nhưng tình hình vi phạm không những không giảm mà còn tăng với mức độ ngày càng nhiều và tinh vi, nguy hiểm hơn.

Không chỉ nhuộm phẩm màu cho bắt mắt, mà cả sử dụng hóa chất để làm trắng… nhằm lừa người tiêu dùng; không chỉ dùng chất cấm để làm tăng lượng nạc trong thịt heo, còn nhẫn tâm bơm nước vào bò, heo để nâng ký; không chỉ dùng thịt heo kém chất lượng, còn pha tiết và hóa chất để biến thịt heo đó thành thịt bò; không chỉ phun thuốc bảo vệ thực vật không theo quy trình, tiêu chuẩn, mà còn bắt sâu bỏ vào rau đã phun thuốc để tạo “sự yên tâm” cho người tiêu dùng…

Sự lừa dối ngày càng trắng trợn và dường như đang trở thành một trào lưu; đến nỗi nhà sản xuất, người bán hàng sử dụng chất cấm không muốn (hoặc không thèm) nghĩ đến chuyện hằng ngày, chính người thân, gia đình mình có thể sử dụng thực phẩm mà họ đã nhẫn tâm tẩm ướp chất độc hại đó.

Vì thế, đã đến lúc không nên dừng lại ở mức độ tuyên truyền, vận động “đánh thức lương tâm”, mà cần sử dụng cán cân công lý một cách nghiêm khắc để xử lý những trường hợp vi phạm. Không thể kêu gọi “người tiêu dùng thông thái”, khi mà hành vi, thủ đoạn lừa dối người tiêu dùng ngày càng tinh vi, trắng trợn và “phủ sóng” lên đời sống xã hội.

Để làm được điều đó, trước hết, các cơ quan chức năng phải vào cuộc một cách mạnh mẽ hơn, không dung túng cho loại tội phạm thuộc dạng “đặc biệt nguy hiểm” này; để từ đó lấy lại một chút niềm tin cho người tiêu dùng, để bữa ăn của mỗi người ngon miệng hơn, dù là ăn lá rau, củ sắn, sợi măng…

Nói như một lãnh đạo Chính phủ khi đề cập đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, rằng lâu nay chúng ta nói đủ rồi, đã đến lúc bắt tay vào làm thôi.

Có như vậy, mới hy vọng ngày Cá tháng Tư năm sau, hay vài năm sau nữa thôi, có ai lỡ công bố rằng phát hiện chất cấm, chất phụ gia… trong thực phẩm, chúng ta có quyền cười mà rằng: Chuyện Ngày Cá tháng Tư!

Minh Thư

.