Thời sự và bàn luận
Quan tâm đến đối tượng yếm thế
UBND thành phố Đà Nẵng vừa tổ chức hội nghị chuyên đề về công tác đền bù, giải tỏa và tái định cư (TĐC) gắn với đánh giá hơn 10 năm thực hiện Luật Đất đai 2003 và triển khai Luật Đất đai 2013.
Trong những năm qua, công tác đền bù, giải tỏa và TĐC được thành phố xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Sự phát triển vượt bậc của đô thị Đà Nẵng và những thành tựu trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh cũng xuất phát từ việc làm tốt công tác đền bù, giải tỏa, TĐC.
Cái được lớn nhất và đáng tự hào nhất là quá trình thực hiện chủ trương, chính sách của địa phương cũng như triển khai Luật Đất đai 2003 ở Đà Nẵng, chính là được lòng dân và được sự đồng thuận. Từ đây, Đà Nẵng trở thành điểm sáng về quy hoạch, chỉnh trang đô thị theo hướng hiện đại.
Thành quả về thực hiện chính sách đền bù, giải tỏa, TĐC ở Đà Nẵng trong hơn 10 năm qua thực sự ấn tượng khi giải phóng mặt bằng 74.526ha, đền bù và bố trí TĐC cho gần 120.000 hộ dân. Thế nhưng, Đà Nẵng chỉ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với 201 trường hợp.
Sau xử lý hành chính, hộ giải tỏa được tuyên truyền về chủ trương chính sách, người dân lại ủng hộ chủ trương, chấp hành giải phóng mặt bằng, ổn định nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ tại các dự án TĐC. Đà Nẵng hạn chế thấp nhất tình trạng khiếu kiện tập thể hay khiếu kiện vượt cấp. Những trường hợp này xuất phát từ động cơ xấu gây mất đoàn kết và nguyên do nằm ngoài mục đích đòi hỏi quyền lợi từ chính sách đền bù, TĐC.
Kinh nghiệm từ những thành quả trong việc thực hiện công tác đền bù, giải tỏa, TĐC ở Đà Nẵng, đó là hằng năm, trên cơ sở Luật Đất đai, Đà Nẵng xây dựng chính sách với nguyên tắc đúng luật gắn liền với tình hình thực tiễn của địa phương và tổ chức thực hiện đồng bộ, bảo đảm tính công khai, minh bạch của chủ trương, chính sách.
Đà Nẵng coi trọng công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách qua việc công khai các phương án đền bù, hỗ trợ, bố trí đất TĐC. Các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương và đặc biệt là lãnh đạo thành phố biết trọng dân, lắng nghe tiếng nói của dân và kịp thời giải quyết các kiến nghị, đề xuất của người dân.
Thành quả của công tác đền bù, giải tỏa, TĐC ở Đà Nẵng là kết quả của sự phối hợp, hỗ trợ công tác giữa các cấp chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị gắn với nhiệm vụ xây dựng vững mạnh các tổ chức cơ sở Đảng, chính quyền và đoàn thể.
Thành phố Đà Nẵng liên tục thay đổi về chủ trương, chính sách để phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, công tác đền bù, giải tỏa, TĐC ở thành phố cũng bộc lộ những bất cập, bởi vẫn còn đó kẽ hở để một số đối tượng lợi dụng, trục lợi cá nhân, ảnh hưởng đến chủ trương, chính sách chung của thành phố. Việc này diễn ra ngay trong cả người thực hiện nhiệm vụ và cả ở hộ giải tỏa.
Với việc thành phố Đà Nẵng lần đầu tiên tổ chức “Hội nghị chuyên đề về công tác đền bù, giải tỏa, TĐC” ở thời điểm này được coi là khá trễ, nhưng rất có ích. Nói trễ là những thay đổi về chính sách theo hướng có lợi cho người dân đến chậm khi thời gian qua đã có hàng trăm dự án đã triển khai và hiện nay số dự án mới cần triển khai ít, nên tác động của chính sách không nhiều lên đại bộ phận nhân dân thành phố.
Tuy vậy, việc tổng kết những thành quả, những bài học kinh nghiệm từ 10 năm qua vẫn tác động mạnh lên sự phát triển của thành phố bởi nhu cầu đầu tư phát triển đô thị Đà Nẵng vẫn tiếp diễn, công tác chỉnh trang và hoàn thiện hạ tầng đô thị cũng đặt ra yêu cầu mới, cao hơn. Do đó, hội nghị về công tác đền bù, giải tỏa và TĐC của chính quyền thành phố cũng sẽ mở ra một chặng đường mới cho sự phát triển kinh tế-xã hội thành phố.
Trong thời gian đến, tổ chức, cá nhân chịu tác động về chính sách đền bù, giải tỏa, TĐC có những đòi hỏi tốt hơn trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình trong sử dụng đất qua thực hiện Luật Đất đai 2013.
Chính quyền thành phố sẽ có những đổi mới trong xây dựng chính sách về đền bù, giải tỏa và TĐC; thực hiện phân cấp, phân quyền, tạo sự thông suốt trong quản lý, điều hành. Theo đó, thành phố nhất quán với chủ trương thực hiện chính sách đền bù, giải tỏa, TĐC được thực hiện đồng bộ để giao đất sạch cho chủ dự án hoặc chủ đầu tư, thành lập hội đồng giải phóng mặt bằng cho từng dự án.
Đối với dự án có quy mô giải tỏa lớn do Chủ tịch UBND thành phố làm Chủ tịch hội đồng, các dự án quy mô vừa và nhỏ do Phó Chủ tịch UBND thành phố và Chủ tịch UBND quận, huyện làm Chủ tịch hội đồng. Việc tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng này hình thành tính chuyên môn hóa, giải quyết kịp thời chính sách đền bù, giải tỏa, TĐC có tính nhất quán đối với các dự án trên toàn địa bàn thành phố.
Thành phố cũng chủ động lập kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất hằng năm; đo đạc, lập bản đồ địa chính để quản lý làm cơ sở trong lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quyền sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân.
Khi thực hiện đền bù, giải tỏa, TĐC ở những dự án mới, chủ trương của thành phố là quan tâm ưu đãi về chính sách đối với những đối tượng “yếm thế” trong xã hội. Theo đó, khi hộ nghèo có đất giải tỏa thì hỗ trợ để họ thoát nghèo, hộ nông dân mất đất sản xuất phải hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề từ sản xuất nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Trong triển khai dự án mới, thành phố không chấp thuận việc nhà đầu tư tự thỏa thuận đền bù cho người thu hồi đất, tránh tình trạng xáo trộn chính sách đền bù, giải tỏa, TĐC chung hằng năm. Một nội dung mới là thực hiện triệt để việc rà soát quy hoạch, công bố quy hoạch, hủy bỏ các đồ án quy hoạch kém khả thi đã quy hoạch những năm qua để đảm bảo quyền lợi cho người sử dụng đất.
Triệu Nam Phương