Thời sự và bàn luận

Ngôn ngữ không lời

09:03, 12/03/2016 (GMT+7)

Anh hướng dẫn viên du lịch kể rằng trong một ngày gặp 2 tình huống tương tự, nhưng một cái khiến anh “bế tắc”, cái khác lại khiến anh “nở hoa”. Chuyện là anh dẫn khách về quê mình (không phải Đà Nẵng-PV) với ngấm ngầm mong muốn những ấn tượng tốt đẹp đầu tiên về đất nước Việt Nam của khách xuất phát từ quê hương.

Và đúng là về miền quê, khách tỏ ra ấn tượng thiệt, vì cuộc sống quá bình yên và lạ lùng so với đất nước họ. Được mấy phút dạo đầu suôn sẻ, khách thấy cô bán muối hay hay nên dừng lại chụp hình cô này. Cô nở nụ cười hòa nhã để khách chụp, xong xuôi cô… đòi 5 đô-la cho công “làm người mẫu”. Anh hướng dẫn viên tá hỏa giúi tờ 1 đô-la cho cô để êm chuyện.

Không ngờ, cô vung tay múa chân chửi cho anh một trận. Dù lời thốt ra bằng ngôn ngữ địa phương, ngay người trong nước nghe còn hơi khó, nhưng nhìn bộ dạng của cô, những vị khách nước ngoài chẳng biết chút mô tê tiếng Việt cũng đủ hiểu và “đứng hình”, lập tức lên xe đổi lịch đi sang tỉnh khác.

“Tỉnh khác” mà họ chọn đến là Đà Nẵng. Lần này có chút “kinh nghiệm”, những người khách nước ngoài chủ động gửi tiền cho một bà cụ bán cá khi họ chụp hình bà. Tưởng bà vui vẻ nhét túi liền, không ngờ bà nói: “Muốn chụp chi cứ chụp không tốn chi mô”. Lần này, khách cũng “đứng hình”, dù không hiểu lời bà nói, song qua thái độ của bà, mọi người hiểu bà tiếp xúc với họ bằng thái độ cởi mở chân thành chứ không phải “làm mẫu”. Anh hướng dẫn viên đúc kết: Thành phố đáng sống có khác!

Chưa kịp hết mừng chuyện anh này kể, lại nghe cái vụ nhân viên khách sạn tại Đà Nẵng “lùm xùm” với nữ du khách nước ngoài, lại diễn ra vào đúng Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 vừa qua! Khách tố bị nhân viên khách sạn làm dữ với lời lẽ không hay khi khách có nhu cầu trả lại phòng sớm và muốn đòi lại tiền phòng vì không hài lòng với tiếng ồn ở bên cạnh khách sạn. Cơ quan chức năng vào cuộc, kết cục chưa đủ cơ sở kết luận vì mới chỉ là thông tin tố cáo một chiều.

Không rõ bên nào đúng, bên nào sai, nhưng từ mấy cái chuyện này càng thấy đừng tưởng người nước ngoài không biết tiếng Việt rồi mình muốn nói gì thì nói cho đã, mặc kệ họ hiểu sao thì hiểu. Việc bất đồng ngôn ngữ lâu nay bị hiểu theo nghĩa rất hẹp khi chỉ gói gọn trong phạm vi “bất đồng từ ngữ”. Ánh mắt, giọng điệu, cử chỉ… cũng là những dạng ngôn ngữ.

Bởi vậy mới có “ngôn ngữ hình thể”, “ngôn ngữ biểu cảm”. Thế nên, đâu chỉ cần biết tiếng Anh mới có thể giao tiếp với người nước ngoài; ngược lại đâu phải cứ thả ga nói tiếng Việt là “qua mặt” được người ngoại quốc. Đôi mắt, mức độ nhỏ to của lời nói hoặc chuyển động thân thể, tay chân cũng là những phương tiện đối thoại không lời giúp chuyển tải sự hiểu biết của người Việt Nam đến bạn bè quốc tế.

Đặc biệt, khi Đà Nẵng mong muốn trở thành địa điểm thu hút nhiều khách nước ngoài đến học tập, đầu tư, tham quan, du lịch thì người dân, nhất là người làm trong ngành du lịch, càng cần quan tâm nhiều hơn đến những cách thể hiện bằng “ngôn ngữ không lời”.

Giả dụ vì bất đồng từ ngữ mà nhân viên khách sạn và vị khách kia chưa thực sự hiểu ý của nhau, nhưng biểu cảm, thái độ của phía khách sạn nhẹ nhàng, lịch thiệp, có thể những khúc mắc đã phần nào được giải quyết trong ôn hòa.

Khi được hỏi cảm nhận thế nào về người Việt Nam nói chung, người Đà Nẵng nói riêng, hầu hết khách nước ngoài đều trả lời: “rất thân thiện”. Sự thân thiện được cảm nhận qua ánh mắt, nụ cười dành cho họ, chứ không phải từ câu nói tiếng Anh rất chuyên nghiệp: “Chào mừng bạn đến Đà Nẵng, Việt Nam”. Và hẳn nhiên, nếu ở đâu đó không có sự thân thiện, chẳng cần biết tiếng Việt, người nước ngoài vẫn có thể cảm nhận được mồn một.

Vậy nên, có một thứ ngôn ngữ cần học nữa, là ngôn ngữ của biểu cảm thân thiện!

Toàn Vân

.