Tại kỳ họp thứ 16 của HĐND thành phố vừa qua có đại biểu đề nghị HĐND thành phố ra nghị quyết chuyên đề về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý đất đai, xây dựng, đầu tư đối với các dự án, đồng thời có một số nguyên tắc để bảo vệ cán bộ trong quá trình tham mưu khi có những sai sót do khách quan. Đề nghị của đại biểu gây sự chú ý của dư luận và đặt ra vấn đề cần có cơ chế bảo vệ những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám tham mưu, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Cần khẳng định, nếu không có những cách làm năng động, sáng tạo, không thể có một Đà Nẵng phát triển nhanh với diện mạo đô thị văn minh, hiện đại như hôm nay. Các chương trình thành phố “5 không, 3 có”, “4 an” và nhiều mô hình an sinh xã hội dành cho các đối tượng: người nghèo, người chấp hành xong án phạt tù, người đã hoàn thành cai nghiện ma túy, phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh, người yếu thế... cũng là những điểm sáng được các địa phương bạn đánh giá cao khi đến tìm hiểu, học tập kinh nghiệm.
Thế nhưng, sự vận dụng có lúc nằm trong ranh giới giữa cái đúng và cái chưa đúng rất mong manh. Thực tế cho thấy trong sự vận dụng để đẩy nhanh sự phát triển của thành phố hơn 20 năm qua đã có những trường hợp cán bộ lãnh đạo, quản lý vướng sai phạm bị xử lý kỷ luật, do những nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau. Và hậu quả của nó vẫn còn tác động đến tư tưởng cán bộ, công chức của thành phố hôm nay.
Việc cụ thể hóa Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa mở ra cơ hội lớn cho thành phố nhưng cũng đặt ra những thách thức đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức thành phố phải vượt lên chính mình, thoát khỏi tâm lý co mình, sợ sai để tiếp tục phát huy, có những ý tưởng đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám tham mưu, dám làm, dám đột phá đưa thành phố phát triển đến đích mà nghị quyết này đặt ra. Đó là yêu cầu bức thiết, là xu thế tất yếu, là mệnh lệnh từ trái tim của những cán bộ, công chức trong tâm thức vẫn còn đau đáu, tràn trề nhiệt huyết với sự phát triển của thành phố, đồng thời cũng là kỳ vọng, niềm mong mỏi của người dân thành phố.
Vì lợi ích chung, vì mục tiêu phát triển thành phố, những cán bộ, công chức năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám tham mưu, dám làm cần phải được bảo vệ. Từ thực tiễn phát triển của thành phố cũng như của đất nước đặt ra nhu cầu cần phải có cơ chế động viên bảo vệ cán bộ dám hành động, đột phá.
Cơ chế bảo vệ cán bộ thực sự rất cần thiết khi Đà Nẵng thực hiện tổ chức chính quyền đô thị từ tháng 7-2021 với việc phải phân cấp, giao quyền mạnh mẽ cho cơ sở. UBND cấp quận, cấp phường khi không tổ chức HĐND cùng cấp sẽ làm việc theo chế độ thủ trưởng gắn với yêu cầu thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. Quyền tự chủ, tự quyết của chủ tịch UBND quận, phường sẽ rất khác so với chế độ làm việc tập thể như hiện nay.
Dĩ nhiên cơ chế đó cũng phải là một trong những công cụ hiệu quả kiểm soát được quyền lực, phân định được rạch ròi đâu là ý tưởng sáng tạo, đột phá vì nhân dân, vì sự phát triển của thành phố; đồng thời phát hiện sớm và vạch rõ những toan tính, ý đồ cá nhân; nhân danh dám làm, dám đột phá để làm liều, làm ẩu, thực hiện ý đồ trục lợi cá nhân, lợi ích nhóm. Cơ chế đó cũng phải xác định rõ những trường hợp cụ thể nào để xảy ra rủi ro, sai sót được bảo vệ và những trường hợp không được bảo vệ trong triển khai đổi mới, đột phá, sáng tạo.
Cơ chế đó phải đề cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, các cơ quan liên quan trong khuyến khích và bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám làm, dám đột phá, nhất là bảo vệ được cán bộ khi có rủi ro, sai sót; đồng thời, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tính chủ động của cán bộ trong giải quyết những vấn đề khó khăn, phức tạp, tồn đọng bằng các giải pháp sáng tạo, đột phá.
Một khi cơ chế đó được thể chế hóa thành quy định pháp luật, sẽ tạo động lực lớn huy động được nguồn lực trí tuệ sáng tạo vô tận, tâm huyết; tính quyết đoán dám nghĩ, dám tham mưu, dám làm trong đội ngũ cán bộ, công chức nỗ lực phấn đấu cống hiến hết mình vì sự phát triển thịnh vượng của Đà Nẵng và hạnh phúc nhân dân.
CHU VĂN