Thời sự và bàn luận

Giải cứu nông sản chỉ là giải pháp tình thế

08:27, 11/06/2021 (GMT+7)

Nhiều vùng nông nghiệp trọng điểm trong cả nước đang bước vào vụ thu hoạch. Trong khi đó, dịch bệnh diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nhiều đến việc tiêu thụ sản phẩm. Nhiều mặt hàng tuyển chọn xuất khẩu giờ phải đem tiêu thụ ở thị trường nội địa với giá giảm nhiều lần. Nông sản hạn chế đầu ra, người nông dân thiệt đơn thiệt kép, chỉ mong vớt vát lại tiền giống và phân bón đầu tư.

Tuần qua, phải nhờ đến sự “giải cứu” của các cơ quan, hệ thống các siêu thị, HTX sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Túy Loan (huyện Hòa Vang) mới tiêu thụ hết gần 18 tấn bí xanh và 4,5 tấn ớt. Các tỉnh có vùng nguyên liệu lớn từ Bắc đến Nam đang vào vụ thu hoạch rộ phải nhờ đến các chương trình chung tay tiêu thụ nông sản. Người nông dân đỡ được phần nào.

Tuy nhiên, trông cậy vào tinh thần tương thân tương ái của người tiêu dùng không phải là giải pháp bền vững, lâu dài, bởi dịch bệnh chưa biết đến bao giờ mới chấm dứt, trong khi đến mùa, nông dân vẫn phải xuống giống cho vụ sau. 

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2018/NĐ-CP khuyến khích các hợp tác xã kết nối với các kênh thị trường khác nhau. HTX rau Túy Loan gần hai năm qua rau quả sản xuất ra cung cấp cho hệ thống siêu thị Vinmart với sản lượng 50kg/chủng loại/ngày, số còn lại cung cấp ra các chợ địa phương và một số cửa hàng tiện lợi. Còn các vùng có lượng nông sản lớn, Chính phủ cũng khuyến khích nông dân phân phối bằng cách liên kết với nhau, hoặc qua HTX để liên kết với doanh nghiệp chế biến, qua kênh phân phối như hệ thống siêu thị, hay xuất bán đi Trung Quốc cũng cần chuyển dần sang thương mại chính ngạch.

Hiện nay chỉ cần các kênh phân phối gặp vấn đề như xe chở nông sản khó qua lại giữa các vùng dịch, chợ gặp khó trong tiêu thụ là nông sản dễ dàng ứ đọng, rớt giá. Trong khi ở nhiều vùng, người tiêu dùng vẫn phải trả giá cao để mua các mặt hàng mà ở nơi khác đang bán rẻ như cho. Như ở Hà Nội, giá “giải cứu” mận Mộc Châu chỉ 10.000 đồng/kg; nhưng người tiêu dùng Thành phố Hồ Chí Minh phải trả gấp 10 lần giá đó mới ăn được đặc sản của Sơn La. Qua hệ thống siêu thị, sàn thương mại điện tử, nông sản bán đến tay người tiêu dùng có giá hơn và giữ được giá ổn định.

Chuyện làm thế nào để nông dân chủ động tìm kiếm thị trường, đa dạng kênh tiêu thụ như bán lẻ cho người tiêu dùng, bán cho trường học, bếp ăn doanh nghiệp... có lẽ là câu chuyện mà nhiều HTX chưa tính toán kỹ trong mùa dịch, chứ đừng nói gì đến người trồng trọt. Lãnh đạo ngành nông nghiệp huyện Hòa Vang cũng nghĩ đến giải pháp xây dựng một kho lạnh để trữ nông sản. Nhưng giải pháp này chưa thể khả thi do nhiều thứ “trói chân” như tiền đầu tư, chi phí vận hành cao và phải có nguồn vốn đối ứng nhất định.

Một phương án tiêu thụ là sử dụng công nghệ thông tin để bán nông sản trực tuyến vẫn chưa được nhiều nông dân áp dụng. Trong khi đó, các nhóm “giải cứu” nông sản đã dựa vào Facebook, hay các lần livestream (bán hàng trực tuyến) để thu hút khách hàng. Nếu nông sản được trồng theo tiêu chuẩn VietGap hoặc các tiêu chuẩn khắt khe hơn có thể đáp ứng xuất khẩu, có mã QR giúp truy xuất nguồn gốc rõ ràng, cộng theo phương thức bán hàng hiện đại, người tiêu dùng có thể được phục vụ tận nhà, sẽ mở lối ra cho nông sản trong tương lai.

Bên cạnh kho lạnh, việc gia tăng giá trị cho các mặt hàng nông sản vẫn chưa được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Như ở các vùng nguyên liệu cần đầu tư thêm nhà máy sấy củ quả, sản xuất nước ép. Nhà nước hỗ trợ để doanh nghiệp bao tiêu, chế biến sản phẩm nông nghiệp trong điều kiện thu hoạch rộ, giá giảm.

Trong thực tế, một quả xoài giá chỉ vài nghìn đồng, nhưng khi biến thành món mứt sấy đã tăng giá trị lên 5-6 lần. Hay thanh long ruột đỏ được nhãn hàng bánh ABC chế biến bánh mì, khoai tím nay được làm thành miến có giá trị cao hơn nhiều.

Ước tính hơn 90% nông sản thô hiện được tiêu thụ dưới dạng sản phẩm tươi nên độ rủi ro khi thị trường dội hàng rất cao. Hướng tới bảo quản, chế biến nông sản là một giải pháp căn cơ mà các doanh nghiệp, các HTX cần nghĩ đến nhiều hơn, giúp nông dân giảm thiệt hại khi vào mùa.

Những ngày vừa qua, ngoài việc công nhân được bổ sung là đối tượng ưu tiên được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19, lái xe tải cũng được đề nghị cần tiêm vắc-xin vì chính họ bảo đảm cho hàng hóa lưu thông, tránh ứ đọng, tránh làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa trong nước cũng như xuất khẩu. Họ chính là cầu nối để các địa phương vừa thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa thúc đẩy phát triển nền kinh tế.

Mặt khác, cần chủ động có kịch bản đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp ngay từ đầu vụ cho các tỉnh khi vào vụ thu hoạch nhưng lại có nguy cơ dịch diễn biến phức tạp, tránh phải “giải cứu” nông sản trong khi nhu cầu thị trường chưa bão hòa.

Nhìn từ sự ùn ứ nông sản ở các địa phương để thấy bài toán đầu ra cho nông sản cần đến sự quy hoạch vùng sản xuất gắn với thị trường; khả năng tiêu thụ đến đâu cũng cần được dự báo, tránh việc nông dân sản xuất quá nhiều cùng một mặt hàng dẫn đến dư thừa. Và trên hết, các doanh nghiệp có thể tham gia vào chuỗi cung ứng, chế biến, mở rộng thị trường xuất khẩu. Qua đó, người nông dân mới có thể an tâm sản xuất và đầu tư cho nghề nông một cách bài bản, đúng hướng.        

HOÀNG NHUNG

.