Những con số không được lãng quên

.

Chiến tranh lùi xa gần nửa thế kỷ. Đất nước đã và đang chuyển mình mạnh mẽ. Tất cả chúng ta, thế hệ được sống trong tháng ngày đất nước thanh bình, hạnh phúc, càng không thể quên đi những năm tháng chiến tranh ác liệt. Trong những năm tháng đó, đất nước phải đánh đổi bằng xương máu của các anh hùng, liệt sĩ, sự hy sinh thầm lặng của những người mẹ, người vợ, người em, người con trong hàng triệu gia đình Việt Nam. Cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đã thể hiện sâu sắc chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lay động trái tim của mỗi người con đất Việt.

Thông tin từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết, đến nay cả nước có trên 8,8 triệu người có công với cách mạng, tức chiếm tương đương với gần 10% dân số cả nước - một con số có thể phác họa khá đầy đủ mức độ ác liệt của chiến tranh. Trong số này có gần 1,2 triệu liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trên khắp mọi miền của Tổ quốc, trên 117.300 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gần 800.000 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; hơn 110.000 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; trên 1.300 anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến. Và cũng có trên 312.000 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Hiện cả nước có hơn 3.000 nghĩa trang liệt sĩ và hơn 10.000 công trình tri ân, ghi công các anh hùng, liệt sĩ.

Thế nhưng, hiện nay cả nước vẫn còn hơn 200.000 hài cốt liệt sĩ chưa được tìm thấy, thi thể của các anh còn nằm lại đâu đó trên những chiến trường ác liệt khắp mọi miền đất nước và cả trên nước bạn Lào, Campuchia. Và cũng có đến gần 300.000 hài cốt liệt sĩ dù được quy tập về các nghĩa trang liệt sĩ nhưng vẫn chưa thể xác định được danh tính, quê hương, đơn vị...

Địa phương có nhiều liệt sĩ nhất là tỉnh Quảng Nam với hơn 65.000 liệt sĩ, huyện có nhiều liệt sĩ nhất của cả nước là huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam với 19.800 liệt sĩ. Cũng chính mảnh đất Quảng Nam là địa phương có nhiều Bà mẹ Việt Nam anh hùng nhất cả nước với 11.658 Mẹ. Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ (Quảng Nam) có chồng, 9 con, 1 rể và 2 cháu ngoại là liệt sĩ. Đây là những con số mà không ngôn từ nào có thể chuyển tải hết về sự hy sinh, mất mát, nỗi đau thương và sức chịu đựng phi thường của một con người...

Ngay như thành phố Đà Nẵng, địa phương có dân số không quá đông, diện tích nhỏ nhưng trên mảnh đất trung dũng, kiên cường có đến 17.765 liệt sĩ, hơn 11.000 thương binh, bệnh binh và 3.367 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, hơn 20.000 người có công với cách mạng đang được hưởng trợ cấp thường xuyên.

Sự tàn khốc của chiến tranh không dừng lại ở sự hy sinh xương máu của hàng vạn chiến sĩ trực tiếp cầm súng chống giặc, mà còn gây thương tích, đau thương cho hơn 4 triệu người dân với những di chứng kéo dài suốt cả cuộc đời. Còn nhiều lắm những con số như vậy. Đó là 800.000 thương binh, hơn 300.000 người bị di chứng của chất độc da cam, 111.000 người bị địch bắt tù đày, tra tấn ở những nhà tù được ví là “địa ngục trần gian” như nhà tù Sơn La, Côn Đảo, Phú Quốc... Nhiều lắm sự hy sinh mất mát như thế.

Tháng 7 lại về - tháng của hành động tri ân, đáp nghĩa, ghi nhớ công ơn các anh hùng, liệt sĩ. Khắp nơi trên mọi miền Tổ quốc, tất cả con tim của người con đất Việt đều hướng về anh linh, vong hồn của các anh hùng, liệt sĩ để nhắc nhở rằng, không được quên quá khứ hào hùng của dân tộc, không được quên những mất mát, hy sinh của hàng triệu anh hùng, liệt sĩ, không được quên sự hy sinh thầm lặng, sắc son của hậu phương dành cho tiền tuyến...

Đó là hành trang - năng lượng tích cực của chúng ta để vững vàng tiếp bước cha ông, không chỉ trong công cuộc giữ vững độc lập, chủ quyền, bảo vệ Tổ quốc mà còn trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Đó là sự tri ân trọn vẹn của thế hệ hôm nay để đền đáp công ơn và sự hy sinh của các thế hệ đi trước vì sự trường tồn của đất nước Việt Nam.

THANH VÂN

;
;
.
.
.
.
.