Sự đồng thuận chấp hành của người dân là yếu tố quyết định

.

Tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố vẫn diễn biến phức tạp. Số ca mắc trong cộng đồng, ca liên quan chuỗi lây nhiễm cũ vẫn liên tục được ghi nhận. Các địa phương, đặc biệt là quận Sơn Trà đặt vào tình trạng khẩn cấp, triển khai hàng loạt biện pháp cần thiết để kiểm soát tình hình.

Thực hiện Nghị quyết 08/NQ-TU của Ban Thường vụ Thành ủy, UBND thành phố ban hành Chỉ thị số 05/CT-UBND triển khai các biện pháp cấp bách về phòng, chống dịch, trong đó giãn cách toàn xã hội là biện pháp cấp thiết lúc này. Theo đó, gia đình cách ly với gia đình; tổ dân phố cách ly với tổ dân phố; thôn cách ly với thôn; xã, phường cách ly với xã, phường; quận, huyện cách ly với quận, huyện.

Ngay sau khi ban hành Chỉ thị 05/CT-UBND, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh kêu gọi: “Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi gia đình là một pháo đài” chung tay, chung sức cùng thành phố phòng, chống dịch. Thành phố đã chỉ đạo chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm cấp thiết cung ứng ra thị trường; đề nghị người dân bình tĩnh, yên tâm, không ra ngoài, tập trung đông người để mua sắm, tích trữ hàng hóa, lương thực, thực phẩm; ý thức và trách nhiệm của mỗi người dân trong lúc này vô cùng quan trọng, góp phần cùng các đơn vị chức năng kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, UBND thành phố, các quận, huyện khẩn trương vào cuộc triển khai, thiết lập hàng trăm chốt kiểm soát tại các tuyến đường, khu dân cư. Tuy nhiên, chỉ sau 2 ngày thực hiện Chỉ thị 05/CT-UBND, có nhiều vấn đề phát sinh, trong đó các địa phương khó khăn, lúng túng trong việc kiểm tra mục đích việc đi lại của người dân. Theo phản ánh của các địa phương, nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng các chính sách để việc đi lại vì mục đích riêng. Một số điểm chốt chặn còn xảy ra tình trạng ùn tắc.

Một lãnh đạo quận Hải Châu cho biết, trên địa bàn phường hiện có khoảng 7.000 doanh nghiệp lớn nhỏ, nếu mỗi doanh nghiệp ký giấy đi đường cho khoảng 10 người thì số người được phép đi lại là 70.000 người, chưa kể người dân và các đối tượng được phép khác. Những ngày đầu thực hiện Chỉ thị 05/CT-UBND, lực lượng công an, quân đội, tình nguyện viên ướt đẫm mồ hôi gồng mình dưới cái nắng nóng gần 400C để kiểm soát từng người, phương tiện qua chốt. Trong quá trình làm nhiệm vụ, không ít trường hợp bị phát hiện sử dụng giấy đi đường không hợp lệ để phục vụ mục đích cá nhân. Không ít tổ chức, doanh nghiệp không được phép hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội nhưng vẫn ký giấy đi đường cho nhân viên. Các lực lượng chức năng tại các chốt kiểm soát dù làm việc trách nhiệm vẫn khó kiểm tra, phát hiện, xử lý hết những trường hợp đi lại sai quy định.

Dịch bệnh hẳn nhiên làm đảo lộn cuộc sống của nhiều người. Nhưng trong tình thế số ca mắc Covid-19 trên địa bàn thành phố tăng lên, bên cạnh sự nỗ lực hết mình của các cấp chính quyền, lực lượng công an, quân đội được huy động, tăng cường tại các khu vực phong tỏa để ổn định an ninh trật tự; bố trí tại các chốt kiểm soát để hướng dẫn người lưu thông trên đường; đội ngũ nhân viên y tế căng mình làm việc bất kể ngày đêm từ điều trị, xét nghiệm, điều tra dịch tễ, truy vết, đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng…thì vai trò, ý thức, trách nhiệm và sự đồng lòng, quyết tâm của người dân là điều quan trọng, cần thiết hơn cả.

Tại các cuộc họp về công tác phòng, chống Covid-19, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng khẳng định, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận chấp hành của người dân là yếu tố quyết định cho sự thành công của đợt chống dịch lần này. Nếu chúng ta không làm kịp thời, quyết liệt, khẩn trương sẽ phải trả cái giá rất đắt, không có cơ hội khắc phục trở lại. Sự đồng thuận, sát cánh của người dân trong thời gian này chính là nắm rõ, chấp hành nghiêm túc các quy định của thành phố, đặc biệt là Chỉ thị 05/CT-UBND. Việc nắm rõ các quy định, thông tin giúp người dân hiểu đúng về mục đích, diễn biến, hiệu quả trong phòng, chống dịch. Và trong thời điểm quan trọng này, bình tĩnh cũng là một cách chống dịch hiệu quả!

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.