Thời sự và bàn luận

Tập trung phát triển văn hóa theo tinh thần Nghị quyết của Đảng

09:19, 25/11/2021 (GMT+7)

Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến rất có ý nghĩa. Đầu tiên, không phải ngẫu nhiên mà điểm cầu chính của Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này được tổ chức ở Hội trường Diên Hồng - tòa nhà của Quốc hội khánh thành từ năm 2014 để thay cho Hội trường Ba Đình trước đây. Nhiều người đã gọi Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 là Hội nghị Diên Hồng về văn hóa. Cách so sánh này nhằm nhấn mạnh yêu cầu tạo nên sự đồng thuận “trên dưới một lòng dọc ngang thông suốt” của nhân dân - nhất là của những người trực tiếp hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật - đối với các nội dung của hội nghị.

Cùng với quan điểm “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội” đề ra trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI), quan điểm “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” của Bác Hồ nêu trong diễn văn khai mạc Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất được nhấn rất mạnh tại hội nghị lần này nhằm khẳng định nhận thức nhất quán của Đảng ta về tầm quan trọng của văn hóa, văn học nghệ thuật trong phát triển.

Xuất phát từ quan điểm nhất quán ấy của Đảng và của Bác Hồ về vai trò của văn hóa, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã báo cáo tóm tắt về kết quả xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm tiến hành công cuộc Đổi mới đất nước, trong đó thẳng thắn nhìn nhận “mặc dù đạt được rất nhiều kết quả quan trọng nhưng qua 35 năm đổi mới, việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam còn không ít hạn chế, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu phát triển bền vững đất nước, cụ thể là việc phát triển và thực hiện đường lối, quan điểm, nghị quyết của Đảng về văn hóa có lúc, có nơi chưa đạt yêu cầu đề ra.

Việc thể chế hóa đường lối, quan điểm, nghị quyết của Đảng về xây dựng phát triển văn hóa, con người chưa theo kịp yêu cầu; môi trường văn hóa gia đình - nhà trường - xã hội có lúc, có nơi chưa lành mạnh, có mặt xuống cấp. Việc xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế tuy đã được các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể triển khai nhưng kết quả còn chưa tương xứng; nhận thức, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa văn hóa với kinh tế chưa được cấp ủy, chính quyền nhiều nơi quan tâm đúng mức”. Đây là đánh giá chung trên phạm vi cả nước nhưng chắc Đà Nẵng cũng không nằm ngoài bức tranh chung ấy.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nêu các định hướng, giải pháp chủ yếu nhằm phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Nhiều tham luận trong hội nghị đã tập trung hiến kế những giải pháp, cách làm cụ thể nhằm góp phần đưa các nội dung phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII trở thành hiện thực sinh động. Trong phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam còn đề cập yêu cầu tạo ra môi trường tốt nhất cho sáng tạo văn hóa, văn học nghệ thuật, cổ vũ sáng tạo, tôn trọng cả những khác biệt trong quá trình sáng tạo - miễn là sự khác biệt ấy không đi ngược lại lợi ích quốc gia dân tộc.

Để góp phần vào tiến trình chấn hưng và phát triển văn hóa theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, HĐND thành phố nên tổ chức một hoặc hai cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề về chấn hưng và phát triển văn hóa nhằm lắng nghe ý kiến của những cử tri là người hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật trực tiếp đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật. Đồng thời cũng là dịp để đại biểu dân cử đối thoại với những người lao động sáng tạo trên lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật. Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng sẽ phải chủ động phối hợp với Ban Văn hóa Xã hội HĐND thành phố chuẩn bị thật chu đáo để cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề này đạt kết quả như mong đợi.

Ngoài ra, Đà Nẵng cần hết sức coi trọng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực văn hóa nói chung và nhất là nguồn nhân lực quản lý văn hóa nói riêng, đúng theo quan điểm nêu trong báo cáo tóm tắt về kết quả xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước do Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trình bày: “Phát triển nguồn nhân lực ngành văn hóa, văn nghệ, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và cho các lĩnh vực then chốt, đặc thù” - và được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trong phát biểu chỉ đạo hội nghị.  

Nhiều năm qua, Đà Nẵng đã có nhiều nỗ lực trong việc “đào tạo khán giả” đối với nghệ thuật hát bội và nghệ thuật hô/hát bài chòi - là những di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ở Đà Nẵng - vào một số trường phổ thông. Vì vậy, thời gian tới nên nhân rộng việc làm rất đúng hướng này, nhất là trong điều kiện ngành giáo dục đào tạo đang tích cực triển khai nội dung giáo dục địa phương, nhằm đẩy mạnh tạo nguồn người nghe/người xem/người chơi/người bảo tồn hát bội và bài chòi - từ những hiểu biết về các di sản hát bội và bài chòi mà yêu quý và trân trọng giữ gìn các di sản này. Đương nhiên giải pháp đưa nghệ thuật hát bội và nghệ thuật bài chòi vào trường phổ thông không loại trừ mục tiêu tạo nguồn nghệ nhân/diễn viên diễn xướng về hát bội và bài chòi nhưng đó quyết không phải là mục tiêu chính.

BÙI VĂN TIẾNG

.