Thời sự và bàn luận
Kiểm soát quyền lực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công
Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 189-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Việc ban hành quy định này nhằm bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất, toàn diện, trực tiếp, tuyệt đối của Đảng. Đồng thời, bảo đảm việc chấp hành nghiêm chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Quy định đặt ra yêu cầu quyền lực Nhà nước trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công phải được kiểm soát chặt chẽ, thống nhất; bảo đảm quyền lực được sử dụng đúng đắn, hiệu quả. Mọi hành vi lạm dụng, lợi dụng quyền lực để tham nhũng, tiêu cực phải được ngăn chặn, phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời.
Quy định nhấn mạnh trách nhiệm từng cấp, từng đơn vị, trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm của cá nhân cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, kể cả người đã nghỉ hưu trong quản lý và sử dụng tài chính, tài sản công. Cơ chế phân định trách nhiệm rõ ràng đây không chỉ là công cụ bảo vệ tài chính, tài sản công mà còn giúp nâng cao tính chuyên nghiệp và kỷ luật trong quản lý, đảm bảo rằng tài chính, tài sản công được sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả.
Một điểm nổi bật khác của quy định này đưa ra các biện pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ, không chỉ ở cấp độ cao mà còn xuống từng cấp cơ sở. Cơ chế kiểm tra, giám sát được áp dụng để phát hiện sớm các dấu hiệu sai phạm và có biện pháp phòng ngừa từ gốc, ngăn chặn, loại bỏ các hành vi lạm quyền sử dụng quyền lực để thực hiện các hành vi trái với chủ trương, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
Quy định số 189-QĐ/TW yêu cầu kết hợp chặt chẽ, hiệu quả các cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực Nhà nước của Đảng, Nhà nước và nhân dân; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch trong từng cơ quan Nhà nước. Theo đó, khuyến khích sự tham gia của Mặt trận và các tổ chức thành viên, báo chí, nhân dân và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác vào công tác giám sát, phòng, chống tham nhũng và tiêu cực trong công tác này. Việc khuyến khích xã hội tham gia giám sát cũng là một cách thức để nâng cao ý thức và trách nhiệm của người dân trong công việc bảo vệ tài sản công.
Quy định đưa ra những biện pháp xử lý nghiêm khắc các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo vi phạm các nội dung nêu tại quy định này thì phải kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan để xử lý theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức; cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên (kể cả những người đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu) và người có thẩm quyền trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công vi phạm các nội dung quy định thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của mình và trách nhiệm với cương vị là người đứng đầu để cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo vi phạm các hành vi nêu tại quy định này thì bị xử lý theo quy định hiện hành của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Quy định là công cụ quan trọng trong việc kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng và quản lý tài chính, tài sản công hiệu quả. Những nguyên tắc và biện pháp mà quy định này đưa ra không chỉ giúp tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm trong quản lý công mà còn khuyến khích sự tham gia của toàn xã hội vào công tác giám sát, phòng ngừa. Việc ban hành quy định này là điều cần thiết để cải thiện hiệu quả quản lý tài chính, tài sản công, góp phần xây dựng một hệ thống quản lý Nhà nước minh bạch, chuyên nghiệp và có trách nhiệm cao.
ĐOÀN SƠN