Thời sự và bàn luận
Xây dựng hệ thống chính trị thật sự tinh gọn
Trong bài viết “Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả” mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, sau 40 năm đổi mới đang đem đến cơ hội lịch sử đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đồng thời đặt ra “yêu cầu cấp bách thực hiện quyết liệt cuộc cách mạng nhằm xây dựng hệ thống chính trị thật sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới”.
Theo Tổng Bí thư, Từ Đại hội VII đến nay, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, kết luận để lãnh đạo thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn tổ chức bộ máy hoạt động hiệu lực hiệu quả. Gần đây nhất là Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, qua 7 năm thực hiện đạt được một số kết quả quan trọng, bước đầu tạo chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, việc sắp xếp tổ chức bộ máy vẫn còn những hạn chế. Sự chậm chạp, thiếu quyết liệt trong thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị gây ra nhiều hệ luỵ nghiêm trọng. Bộ máy cồng kềnh gây lãng phí và kìm hãm sự phát triển, là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều chủ trương, chính sách của Đảng chậm đi vào thực tiễn cuộc sống hoặc một số chủ trương không được triển khai hoặc triển khai hình thức trên thực tế.
Sự chồng chéo, phân định không rõ chức năng, nhiệm vụ dẫn đến không rõ trách nhiệm, “lấn sân”, cản trở, thậm chí “vô hiệu hóa” lẫn nhau, làm giảm tính chủ động, sáng tạo, dẫn đến năng suất lao động, hiệu suất công tác thấp, đùn đẩy trách nhiệm, tiêu cực, cản trở phát triển, phát sinh phiền nhiễu, giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Tầng nấc trung gian dẫn đến mất thời gian qua “nhiều cửa” thủ tục hành chính, gây cản trở, thậm chí tạo điểm nghẽn, làm lỡ cơ hội phát triển. Chi phí vận hành hệ thống tổ chức bộ máy lớn, làm giảm nguồn lực cho đầu tư phát triển, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Tổng Bí thư nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tổng kết 7 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị Trung ương khóa XII để rút ra những bài học kinh nghiệm, từ đó đề xuất các mô hình tổ chức mới. Đặc biệt, Tổng Bí thư nêu rõ cần phải có giải pháp hạn chế tổ chức trung gian, khắc phục triệt để chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, chia cắt về địa bàn, lĩnh vực song phải bám sát Hiến pháp, Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các nguyên tắc của Đảng, các nghị quyết của Trung ương... khi thực hiện mô hình mới. Đồng thời, bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên thông, một cơ quan thực hiện nhiều việc, một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính.
Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh giải pháp hoàn thiện thể chế theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng” để nhanh chóng đưa chủ trương của Đảng đi vào thực tiễn cuộc sống. Đây là giải pháp đảm bảo sự phát triển bền vững gắn với tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.
Trung ương, Chính phủ, Quốc hội tăng cường hoàn thiện thể chế, giữ vai trò kiến tạo và tăng cường kiểm tra, giám sát và cải cách tối đa thủ tục hành chính. Đề xuất này khuyến khích sự tự chủ và trách nhiệm của chính quyền địa phương, cải cách tối đa thủ tục hành chính và giảm chi phí cũng là một nội dung quan trọng, giúp tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư.
Tổng Bí thư yêu cầu đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ theo hướng thực chất, vì việc tìm người, trên cơ sở sản phẩm cụ thể đo đếm được, không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong đánh giá cán bộ. Điều này nhằm mục đích lựa chọn người phù hợp với công việc, loại bỏ tình trạng tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm dựa trên mối quan hệ hoặc có tiêu cực thay vì chọn người có năng lực thực sự. Đây là giải pháp rất quan trọng để xây dựng một đội ngũ cán bộ có phẩm chất và năng lực cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.
Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm đã vạch ra những giải pháp cụ thể, toàn diện, thể hiện tâm huyết đối với đất nước, cũng là lời kêu gọi hành động khẩn trương đối với toàn Đảng và hệ thống chính trị thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy để đạt được mục tiêu khi đất nước đón đầu cơ hội, bước vào kỷ nguyên vươn mình phát triển.
HOÀNG ANH