Kinh tế
Điểm sáng xây dựng nông thôn mới
Không giàu tiềm năng như ở đồng bằng, trung du, thế nhưng xã miền núi Hòa Phú đã vượt lên trở thành điểm sáng nổi bật ở Hòa Vang trong công cuộc xây dựng nông thôn mới với việc hoàn thành 19/19 tiêu chí từ cuối năm 2014 và tiếp tục nâng cao chất lượng phát triển.
Nông dân Hòa Phú thoát nghèo, giàu lên nhờ trồng thanh long ruột đỏ. |
Chỉ khoảng 200ha đất canh tác trong số hơn 9.000ha đất tự nhiên, dân số trên 4.300 người, trong đó 10% là đồng bào Cơtu, trước khi bước vào thực hiện chương trình nông thôn mới, cơ sở hạ tầng nông thôn ở Hòa Phú khá nghèo nàn, còn 364 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 32,8%. Hồi đó, ít ai nghĩ, chỉ 5 năm sau, xã miền núi này đã có sự đổi thay ngoạn mục trên tất cả các lĩnh vực, để cùng 3 xã khác ở đồng bằng, trung du về đích sớm trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Với tổng vốn đầu tư 139,8 tỷ đồng, cùng sự đồng thuận, nỗ lực quyết tâm cao của mọi tầng lớp nhân dân, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị tại địa phương, xã Hòa Phú đã biến ước mơ thành hiện thực khi làm đổi thay cơ bản không chỉ hạ tầng nông thôn mà cả sản xuất và đời sống. Đến nay, toàn bộ mạng lưới giao thông trên địa bàn bao gồm: 8,4km đường liên xã, 12km đường liên thôn, 23,6km kiệt xóm, 3,6km giao thông nội đồng đã thảm nhựa và bê-tông hóa.
Các trường học, trạm xá, chợ, công trình văn hóa đều xây dựng khang trang, bề thế. 100% hộ dân có nhà ở đáp ứng tiêu chuẩn Bộ Xây dựng, sử dụng điện lưới quốc gia từ hệ thống xây dựng kiên cố. Cuối năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo 3,04%. Hiện nay, toàn xã chỉ còn 22 hộ thuộc diện nghèo, chiếm 1,4%. Thu nhập bình quân 25,55 triệu đồng/người/năm.
Có thể thấy rất rõ, 2 yếu tố cơ bản đã góp phần làm nên một Hòa Phú phát triển mạnh mẽ thời gian qua.
Một là, Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể địa phương đã phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của toàn dân cho sự nghiệp phát triển. Chỉ trong vòng 5 năm, việc huy động 18,4 tỷ đồng từ đóng góp của nhân dân cho chương trình xây dựng nông thôn mới, quả là một kỳ tích. Hầu như bất cứ người dân Hòa Phú nào cũng nhận thức sâu sắc rằng: đầu tư của trên chỉ có thể làm đổi thay cơ sở hạ tầng nông thôn, chính họ mới là chủ thể của quá trình đổi mới làm giàu.
Cũng từ đó, ai nấy đều tích cực, tự nguyện đóng góp sức người, sức của làm đổi thay diện mạo, đời sống ở mỗi làng quê. Sức dân ở Hòa Phú còn được thể hiện rõ nét thông qua việc đầu tư đổi mới, nâng cấp cơ ngơi nhà cửa, công trình vệ sinh... Cùng với hàng loạt công trình dân sinh thi nhau ra đời, hàng trăm nhà ở dân cư kiên cố, trong đó không ít nhà xây tầng cứ thế mọc lên, làm đổi thay nhanh chóng diện mạo thôn xóm.
Hai là, phong trào thi đua lao động sản xuất làm giàu trong tầng lớp nông dân ở Hòa Phú sôi động hơn bao giờ hết. Nếu như cách đây hơn chục năm nói đến các thôn Phú Túc, Hòa Hải, Hòa Xuân, Hòa Phát thuộc xã này, người ta nghĩ ngay đó là vùng xa xôi cách trở, nghèo đói và thất học.
Thế mà nay, không chỉ hạ tầng hoàn thiện mà sản xuất phát triển, thu nhập đời sống người dân được nâng lên rõ rệt. Người dân đã khai thác tối đa tiềm năng đất đai, mạnh dạn mở ra nhiều hướng làm ăn rất khả thi. Vùng thấp trũng gần khe suối thì bà con trồng lúa, đất nà ven sông trồng đậu mè, bắp, chuối, mía; đất đồi núi bao la phủ kín keo lá tràm. Đây cũng là địa phương có số trang trại, gia trại do chính người dân địa phương làm chủ nhiều nhất.
Cách đây hơn chục năm thôn Hòa Hải rất nghèo. Thu nhập đời sống chủ yếu dựa vào việc lên núi chặt củi hoặc làm thuê cho các chủ rừng trồng dưới xuôi lên. Năm bảy năm trở lại đây, bà con thôn này mở ra hoạt động ươm cây giống lâm nghiệp, để rồi đến nay 2/3 số hộ đang ăn nên làm ra từ cây giống. Điển hình cho bước chuyển đổi này là hộ ông Trần Văn Lai. Nhiều năm nay, nông hộ này ươm trồng, xuất bán 1,3-1,5 triệu cây giống, thu về 500-600 triệu đồng/năm.
Mô hình kinh tế thu 12-13 tỷ đồng năm cũng là của một hộ nông dân của xã Hòa Phú. Từ nghèo khó, ông Lê Minh ở thôn Đông Lâm đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư thuê ao hồ thả cả nước ngọt. Nay không chỉ thả nuôi ở 2.000m2 lồng bè, 200ha hồ đập, mà ông còn lập trang trại nuôi bò thịt thời kỳ cao điểm hơn 100 con, thu nhập hằng năm 12-13 tỷ đồng. Không chịu bó tay trước khó khăn, bà con Cơtu ở thôn Phú Túc cũng kiên trì khôi phục nghề chế biến rượu cần của cha ông. Nay mỗi tháng làng nghề mới nổi này xuất bán 150-200 ché rượu các loại...
Bí thư Đảng ủy xã Hòa Phú Nguyễn Văn Vân: “Sự đồng thuận cao trong mọi tầng lớp nhân dân, sức dân được khơi dậy và phát huy tối đa, cùng với đó trong phát triển kinh tế-xã hội có lộ trình và bước đi hợp lý đã tạo nên bước đột phá trong xây dựng nông thôn mới với thành tựu lạc quan như hiện nay ở Hòa Phú”. |
Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU