Kinh tế

Thị trường bánh Trung thu: Vừa ăn vừa lo

15:16, 26/09/2015 (GMT+7)

ĐNĐT - Lợi dụng mùa trung thu, các loại bánh không rõ nguồn gốc, kém chất lượng lại có dịp bày bán công khai trên mạng Internet và các chợ lớn nhỏ. Liệu những chiếc bánh giá rẻ có đem lại sự yên tâm cho người sử dụng?

Người bán mập mờ về nơi sản xuất, người mua bánh Trung thu chịu thiệt
Người bán mập mờ về chất lượng, nơi sản xuất, người mua bánh Trung thu vừa ăn vừa lo

Rẻ cỡ nào cũng có

Sáng ngày 26-9 (tức ngày 14-8 âm lịch), chúng tôi có mặt tại chợ Cồn để mua sắm. Phía đường nội bộ bên hông chợ từ cổng Hùng Vương đi vào ngập tràn những quầy hàng bán bánh Trung thu. Người bán chào mời nhiệt tình các loại bánh nướng, bánh dẻo được đóng gói trong các hộp nhựa đơn giản, không nhãn mác.Trong số đó, không ít người bán hàng rong trưng ra đủ loại bánh con heo, con cá hình vuông, hình tròn đủ màu sắc.

Mới cầm thử chiếc bánh, người bán hàng ghé vào tai tôi nói nhỏ: “Con thấy chưa, mấy hãng bánh lớn làm bẩn còn bị đưa lên ti vi, bữa ni ai dám ăn. Bánh ni rẻ tiền rứa chớ đảm bảo chất lượng lắm đó, yên tâm đi…”. Khi hỏi loại bánh này làm ở đâu thì bà nói ở Đà Nẵng, nhưng địa chỉ cụ thể thì người bán ngó lơ chỗ khác.

Trên bao bì không có bất cứ thông tin về nơi sản xuất, hay thành phần công bố mà chỉ có duy nhất chữ “đậu xanh 1 trứng”. Thậm chí hàng loạt mẫu bánh nằm trên mâm chẳng hề có bao bì che đậy. Có lẽ chẳng ở đâu có thể rẻ hơn những chiếc bánh Trung thu chỉ 10.000-20.000 ngàn đồng/chiếc, nếu mua nhiều chỉ có 5.000-7.000 đồng/chiếc.

Rời chợ Cồn, chúng tôi ghé vào chợ Hòa Khánh, các quầy hàng bánh kẹo vẫn đầy ắp bánh Trung thu. Hỏi mua bánh của những thương hiệu lớn như Kinh Đô, Đồng Khánh, chị bán hàng tên Trâm đưa cho vô số mẫu bánh. Chủ yếu của các cơ sở tư nhân có tên Thanh Tâm, Cẩm Tú địa chỉ tận Gia Lai, Lâm Đồng và miền Tây. Chị nói: “Bánh chợ giá mười mấy, hai chục ngàn nên dễ bán, còn mấy loại thương hiệu lớn đắt nên tiêu thụ chậm, không dám nhập về”.

Theo tìm hiểu, những chiếc bánh chợ như thế này chỉ bằng 1/4 so với bánh thương hiệu, khách trả giá khoảng 13.000-20.000 đồng là mua được một chiếc. Vì giá “mềm” nên khách hàng mua nhiều chủ yếu là công nhân khu công nghiệp và sinh viên.

Đáng chú ý, tại một số gian hàng bánh Trung thu lớn tại đường Hải Phòng, Điện Biên Phủ đã có sự nhập nhằng giữa nhãn bánh Đồng Khánh - một tên tuổi đã có từ 60 năm được nhiều cơ sở sản xuất khác bày bán ăn theo kiểu như: Kim An Đồng Khánh, Minh Phát Đồng Khánh, Tài Phương Đồng Khánh… Trên bao bì, tên cơ sở thì nhỏ xíu, chữ Đồng Khánh thì in to gây ra sự hiểu lầm đối với người tiêu dùng.

Giá cả vì thế cũng thất thường theo thời tiết. Buổi sáng chúng tôi ghé một quầy ở ngã ba đường Điện Biên Phủ - Hải Phòng thấy biển giảm giá 50%, hỏi một chiếc bánh nướng nhân thập cẩm gà quay jambon thì chị nhân viên cho biết 45.000 đồng/cái (mua 4 chiếc giá 160.000 đồng). Đến khoảng 10 giờ trưa ghé lại, chiếc bánh y như vậy chỉ còn 35.000 đồng/chiếc, trong khi giá niêm yết những ngày trước là 55.000- 60.000 đồng/chiếc. Thắc mắc vì sao giá liên tục đi xuống như vậy, người bán cười xòa: “Mai hết Trung thu rồi, bán rẻ để về sớm”. Thì ra đây là loại bánh do cơ sơ sản xuất ở Ấp 7, xã Lê Minh Xuân, TP. HCM chứ không phải bánh của thương hiệu Đồng Khánh chính hãng.  

Cẩn trọng bánh không rõ nguồn gốc

Mấy ngày nay, trên các trạng mạng xã hội hay facebook cá nhân, nhiều địa chỉ rao bán bánh Trung thu giá rẻ với lời quảng cáo bảo đảm chất lượng. Tuy nhiên, thực tế khách hàng rất khó xác định nguồn gốc của những chiếc bánh trôi nổi như thế này.

Chiều thứ 6 vừa qua, các học sinh của một trường tiểu học trên địa bàn quận Liên Chiểu được nhà trường tổ chức “phá mâm cỗ Trung thu”. Sau khi ăn ở lớp, các cháu còn cầm về những chiếc bánh dẻo màu trắng đựng trong gói ni-lon được dán rất sơ sài. Theo phản ánh của một số phụ huynh, dù chưa dùng tay xé ra, bao bì đã bị hở nên không khí lọt vào khiến nhân đậu xanh trong chiếc bánh chảy nhựa.

Đáng lo ngại, trên bao bì chiếc bánh không in nhà sản xuất mà chỉ có góc nhỏ in chữ tiếng Tàu không ai hiểu được. Lo lắng sản phẩm bánh Trung thu nhập lậu từ Trung Quốc nên nhiều phụ huynh không cho trẻ ăn. Rõ ràng, không ai dám chắc chắn rằng những chiếc bánh được tặng cho trẻ em đã đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm?!

Cứ mỗi mùa Trung thu, các cơ quan chức năng của Đà Nẵng và Trung ương thành lập đoàn kiểm tra các cơ sở sản xuất và kinh doanh bánh Trung thu. Năm nay, các đoàn cũng đi kiểm tra sớm và kết luận 14 cơ sở đảm bảo an toàn. Duy chỉ có 2 cơ sở chưa đảm bảo và yêu cầu Sở Công thương thành phố tiến hành phúc tra.

Thế nhưng, trên thị trường, hàng chục loại bánh trôi nổi vẫn được tung ra, người tiêu dùng vì thu nhập thấp đã chấp nhận mua mà không được kiểm chứng chất lượng. Liệu cơ quan chức năng đã cảm thấy hài lòng về kết quả kiểm tra của mình. Đó là chưa kể, khi ngày rằm tháng Tám kết thúc, các nhãn bánh bán đổ bán tháo để dọn dẹp quầy kệ, còn người dân lỡ phải ăn bánh quá hạn nếu bị làm sao thì tự cắn răng mà chịu?(!).

Bài và ảnh: Duyên Anh

.