Kinh tế

Truyền thông trong du lịch: Đến lúc thay đổi

08:10, 10/12/2015 (GMT+7)

Truyền thông, quảng bá điểm đến đóng vai trò to lớn trong quá trình phát triển du lịch của bất cứ điểm đến, địa phương hay quốc gia nào. Lâu nay, Đà Nẵng vẫn làm truyền thông để giới thiệu điểm đến cho du khách nhưng hiệu quả chưa cao. Đã đến lúc cần thay đổi cách làm truyền thông để Đà Nẵng thực sự thu hút khách.

Phát huy hiệu quả của truyền thông, góp phần quảng bá rộng rãi hình ảnh của  điểm đến.
Phát huy hiệu quả của truyền thông, góp phần quảng bá rộng rãi hình ảnh của điểm đến.

Sức mạnh của công nghệ

Cách đây hơn một năm, Tổng cục Du lịch Thái Lan đăng tải một đoạn video mang tên “Tôi ghét Thái Lan” (I hate Thailand) trên mạng Internet. Ngay lập tức, đoạn video này đã gây tò mò và thu hút 3.472.557 lượt người xem khi kể về một du khách lần đầu đến Thái Lan và bị mất túi đồ (do một chú khỉ lấy trộm).

Du khách này cảm thấy bực bội, nhưng chính lúc này anh được người dân địa phương nhiệt tình giúp đỡ nơi ăn, chỗ ở và cả tìm kiếm giúp chiếc túi. Chính tình cảm, sự chân thành của người dân Thái đã khiến vị du khách này cảm động và quyết định gắn bó với nơi này tận 2 năm.

Trước đó, trên Internet cũng từng xuất hiện một video với nội dung “Đừng bao giờ đến Thái Lan” (Never go to Thailand) do một cá nhân đăng tải cũng nhận được nhiều sự quan tâm. Video này như một lời nhắc nhở với du khách rằng: “Đừng bao giờ đến Thái Lan, nếu đến bạn sẽ yêu đất nước này”.

Thay vì chọn những cách truyền thông truyền thống như những tờ rơi giới thiệu hình ảnh, điểm đến những cảnh đẹp chung chung thì Thái Lan đã dựng lên những câu chuyện có thật, gắn với những điểm đến khiến người xem cảm thấy rất hài lòng và cuốn hút vào điểm đến.

Trước khi biết đến những điểm đến tại Đà Nẵng bằng các tờ rơi, tờ gấp giới thiệu tại sân bay, khách sạn, nhiều du khách trong và ngoài nước đã tìm hiểu về các điểm đến trên mạng Internet.

Chính sự tiện ích của các dịch vụ trên Internet, hầu hết các đơn vị kinh doanh từ lữ hành đến cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố đều xây dựng những kênh thông tin riêng, đó là những trang thông tin điện tử (website) để quảng bá thông tin, hình ảnh của doanh nghiệp, giúp khách hàng tiếp cận thông tin một cách nhanh nhất.

Tuy nhiên, đó chỉ là trực quan về hình ảnh, sức lan tỏa chưa cao. Tới khi video “Time of Danang” của Nguyễn Văn Anh ghi lại những khoảnh khắc đặc biệt của Đà Nẵng được đăng tải trên Youtube thu hút 157.043 lượt người xem, hay video “Danang River tour” của Vitours Media giới thiệu về các tour, tuyến du lịch đường sông, một lần nữa cho thấy Đà Nẵng là điểm đến mà rất nhiều người ao ước đặt chân đến. Thế mới biết, truyền thông có sức mạnh lan tỏa rất lớn và khả năng quảng bá rất rộng.

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng Nguyễn Xuân Bình cho hay, thời gian qua, Trung tâm đã có nhiều hoạt động về chiều sâu, chất lượng của ấn phẩm, xúc tiến quảng bá trực tuyến thông qua cổng thông tin điện tử du lịch trực tuyến, các mạng xã hội như Facebook, Twitter, Youtube, Instagram giới thiệu về điểm đến Đà Nẵng.

Bên cạnh đó, đơn vị xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch từ triển khai biểu tượng, khẩu hiệu (logo, slogan) đến xây dựng các bộ ấn phẩm chung và các ấn phẩm du lịch chuyên đề cho từng thị trường trọng điểm; vận hành website mới và các công cụ truyền thông trực tuyến... xây dựng các ấn phẩm, thực hiện video, các đĩa phim, phóng sự về du lịch.

Phải thay đổi tư duy

Năm 2014, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng (VH-TT&DL) cho ra mắt Cổng thông tin du lịch mới tại địa chỉ tourism.danang.vn. Trung bình mỗi tháng Cổng thông tin có khoảng 16.020 lượt truy cập.

Sở đang tiếp tục nâng cao giao diện cổng và tích hợp các tính năng mới để tiện cho người sử dụng. Đặc biệt Fanpage Visit Danang là fanpage duy nhất của thành phố cung cấp thông tin chính thức về du lịch Đà Nẵng được hơn 4.200 lượt người thích.

Theo thống kê của ông Florian Sengstschmid, chuyên gia dự án EU, Đà Nẵng là thành phố đầu tiên của Việt Nam có tài khoản Instagram về du lịch với 3.501 lượt người theo dõi, trong đó độ tương tác khoảng 150 - 200 lượt thích (like)/bài đăng, được nhiều độc giả đánh giá cao với chất lượng hình ảnh thiết kế đẹp, bắt mắt.

Ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Đà Nẵng cho biết, sở đã thực hiện video mang tên “Đà Nẵng – điểm đến lý tưởng cho du khách trong và ngoài nước” (Danang – an attractive destination for visitors from both home and abroad). Video được các đơn vị kinh doanh du lịch trong và ngoài nước đánh giá cao về chất lượng cũng như nội dung truyền tải thông tin.

Trong năm 2016, Sở VH-TT&DL dự kiến sẽ tổ chức cuộc thi video clip về du lịch Đà Nẵng, nhằm tìm kiếm nguồn hình ảnh chất lượng để phục vụ quảng bá, xúc tiến du lịch trước thềm những sự kiện lớn như Đại hội thể thao biển châu Á ABG5 hay APEC 2017.

“Đây không chỉ là cơ hội cho những tay máy trẻ thử sức mà còn là cơ hội để các đơn vị kinh doanh du lịch quảng bá những hoạt động của mình thông qua việc tham dự cuộc thi. Sở cùng các doanh nghiệp chung tay thực hiện một số dự án cũng như truyền thông cho các sự kiện của thành phố để cùng hướng đến một mục tiêu chung là đưa thành phố Đà Nẵng ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn trong mắt du khách”, ông Trần Chí Cường nhấn mạnh.

Bài và ảnh: Thu Hà

.