Kinh tế

Cẩn trọng với gas giả, gas nhái

08:14, 14/06/2016 (GMT+7)

Hiện nay, trên thị trường xuất hiện nhiều loại bình gas nhái thương hiệu của các hãng uy tín, không bảo đảm an toàn cho người sử dụng. Những đặc điểm thường thấy ở loại gas nhái là giá rẻ hơn gas chính hãng 20.000-30.000 đồng/bình; tờ rơi quảng cáo không có địa chỉ, hoặc chỉ có số điện thoại di động; màu sắc, kiểu dáng bình gas không rõ nét…

Nếu có nghi ngờ, khách hàng yêu cầu nhân viên giao gas phải cân trọng lượng bình.
Nếu có nghi ngờ, khách hàng yêu cầu nhân viên giao gas phải cân trọng lượng bình.

Đủ kiểu gian lận

Thông tin từ Chi hội Gas miền Trung, hiện có khoảng 30% vỏ bình gas lưu thông trên thị trường được hoán cải từ vỏ bình trôi nổi, sau đó được các đối tượng sản xuất, mua bán làm mới lại để đánh lừa người sử dụng. Sản xuất một vỏ bình chi phí khoảng 500.000 đồng, trong khi đó vỏ bình giả chỉ mất hơn một nửa. Chính vì đem lại lợi nhuận cao nên các đối tượng sản xuất, buôn bán gas giả vẫn bất chấp quy định của pháp luật.

Chi cục Quản lý thị trường Đà Nẵng cho hay, trong thời gian qua đã phát hiện một số cơ sở, doanh nghiệp “ma” trên địa bàn có hành vi “cắt tai, mài vỏ” và chiết nạp lậu gas như Công ty TNHH TMDV Anh Bửu, Công ty TNHH MTV Phùng Bình Minh từng thu gom, chiếm dụng vỏ bình gas trái phép của các thương hiệu gas nổi tiếng như Petrolimex Gas.

Cụ thể, có 2 kiểu để làm gas nhái nhãn mác không đảm bảo chất lượng, đó là: các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh gas hợp pháp nhưng chỉ sản xuất một lượng nhỏ vỏ bình gas, rồi thu gom vỏ của các hãng gas khác về “cải biến” thành nhãn hiệu của mình; hoặc các vỏ bình cũ được đập quai xách, thay mới mã số, mài mòn tên hãng gas in nổi trên vỏ để quét lại thành tên công ty khác. Điều này đã gây thiệt hại không nhỏ đến tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Ông Nguyễn Ngọc Mân, Phó Giám đốc Công ty CP Gas Petrolimex tại Đà Nẵng nhìn nhận: “Trong hơn 3 năm qua, doanh nghiệp đã rất vất vả chống lại các hãng gas khác đang nhái màu xanh hòa bình của gas Petrolimex. Người tiêu dùng thường nhận diện thương hiệu gas qua màu sắc vỏ bình. Lợi dụng điều này, các hãng gas sơn màu vỏ bình giống hoặc gần giống với vỏ bình gas Petrolimex để đánh lừa khách hàng. Việc gian lận này còn có sự tiếp tay của các đại lý kinh doanh, nhân viên chở gas hám lợi, cung cấp thông tin sai sự thật cho khách hàng như hãng mới thay đổi màu bình, biểu tượng hoặc giảm giá để tri ân khách hàng… Thực chất, đây là gas nhái màu, chiết nạp gas sản xuất trong nước, thiếu trọng lượng nên giá rẻ”.

Để tránh nguy cơ mất an toàn khi sử dụng các sản phẩm gas, các hãng gas uy tín khuyến cáo người dân khi mua các sản phẩm gas cần biết rõ địa chỉ các đại lý, cửa hàng cụ thể; không nên đặt mua qua số điện thoại từ những tờ rơi, quảng cáo. Khi nhận gas, khách hàng nên kiểm tra kỹ nhận diện thương hiệu, trọng lượng, niêm phong và tem chống hàng giả để mua đúng bình gas chính hãng, phải chọn những bình gas mới, còn nguyên niêm phong cổ bình. Thông thường, với một bình gas giả, chữ nổi phía trên vỏ bình gas của nhà sản xuất sẽ được mài mòn, thậm chí tẩy xóa... thay vào đó là tên của thương hiệu khác.

Siết chặt quản lý

Theo Sở Công thương thành phố, trước đây, do những quy định kinh doanh khí hóa lỏng còn thiếu chặt chẽ, các đơn vị kinh doanh gas tìm cách chiếm dụng vỏ bình của các thương hiệu gas bán chạy trên thị trường. Vỏ bình sau đó được hoán cải, thay đổi màu sắc hoặc biểu tượng thương hiệu mới, na ná với màu sắc và biểu tượng của hãng gas nổi tiếng để đánh lừa người tiêu dùng. Mặt khác, trước đây, một cơ sở kinh doanh gas phải có 8 giấy phép con như: Giấy chứng nhận (GCN) kinh doanh, GCN điều kiện phòng cháy chữa cháy, GCN an ninh trật tự, GCN môi trường, GCN đủ điều kiện kinh doanh khí hóa lỏng… Điều này gây rào cản khi đăng ký kinh doanh, nhưng lại dễ dàng cho bất kỳ một cơ sở nào cũng có thể trở thành cơ sở kinh doanh gas, được ký hợp đồng với 9 đầu mối thương hiệu dẫn đến việc kinh doanh, chiết nạp bát nháo.

Nghị định 19/2016/NĐ-CP và Thông tư 03/2016/TT-BCT về kinh doanh khí có hạ chuẩn quy định, nhưng thương nhân đầu mối bắt buộc phải đáp ứng đủ quy chuẩn như: Nhà xuất nhập khẩu phải có bể chứa tối thiểu 3.000m3, có cầu cảng, có tối thiểu 3.930.000 lít chai chứa, có trạm nạp vào chai, có cửa hàng và 40 đại lý; nhà sản xuất chế biến phải có cơ sở sản xuất chế biến khí và có phòng thử nghiệm chất lượng; thương nhân phân phối phải có bể chứa tối thiểu 300m3 bể chứa, 2.620.000 lít chai chứa, có trạm nạp vào chai, có cửa hàng và 20 đại lý. Theo đó, thị trường gas phân hóa rõ nét đâu là thương nhân đầu mối, đâu là tổng đại lý, là cửa hàng kinh doanh gas, chặn đứng tình trạng các đơn vị kinh doanh và phân phối gas lộn xộn, bát nháo lâu nay.

Nhằm bảo vệ thương hiệu và quyền lợi của người tiêu dùng, các hãng gas lớn tăng kiểm soát chặt chẽ quy trình chiết nạp gas, sử dụng hệ thống tổng đài để khách hàng tra cứu giá gas và cửa hàng gas uy tín, hướng dẫn người tiêu dùng nhận biết gas thật, gas giả. Từ đầu năm 2016, Petrolimex đã đưa ra loại tem chống giả tích hợp 3 công nghệ hiện đại, được dán lên trên để người tiêu dùng có thể kiểm tra trực tiếp sản phẩm.

Tương tự, Shell Gas cũng triển khai tem chống hàng giả được sản xuất với công nghệ in tiên tiến, phát hành và quản lý bởi Viện Khoa học hình sự – Bộ Công an. Ngoài phần in nhận dạng bằng mắt thường, tem có đặc điểm chống giả là logo Shell hình vỏ sò chỉ phát quang dưới ánh đèn tia cực tím. Bằng cách này người tiêu dùng có thể xác định đó là bình gas chính hãng của Shell hay là gas lậu.

Bài và ảnh: Duyên Anh

.