Kinh tế

Hướng đến mô hình thư viện điện tử

08:29, 15/06/2016 (GMT+7)

Là một trong những thư viện lớn ở miền Trung, những năm qua, Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng (Thư viện Đà Nẵng) tích cực ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào công tác thư viện và phục vụ bạn đọc, góp phần nâng cao năng suất công việc, giảm sức lao động của người làm công tác thư viện, nâng cao hiệu quả tra cứu và tìm đọc tài liệu của người đọc.

Nhờ ứng dụng CNTT, những người làm thư viện cũng như bạn đọc dễ dàng thực hiện các giao dịch cho và mượn sách.
Nhờ ứng dụng CNTT, những người làm thư viện cũng như bạn đọc dễ dàng thực hiện các giao dịch cho và mượn sách.

Nhiều tiện ích

Đến Thư viện Đà Nẵng vào những ngày đầu hè, theo quan sát của chúng tôi, hầu hết các phòng đọc đều kín chỗ ngồi. Thống kê của thư viện cho hay, ngày bình thường, số lượt bạn đọc tìm đến Thư viện Đà Nẵng vào khoảng 750 lượt thì những ngày hè tăng thêm 20-30%. Dù lượt người đến thư viện tăng nhưng công tác phục vụ bạn đọc vẫn diễn ra nhịp nhàng, khoa học bởi tất cả mọi công việc đều ứng dụng CNTT. “Trước đây người đọc liên hệ với thủ thư để được hướng dẫn tra tìm tài liệu bằng hệ thống phích mục lục nên tốn thời gian tìm kiếm.

Đến khi tra được tài liệu thì chưa chắc mượn được vì nhiều lý do như sách đó không còn trên giá, sách đó đã cho bạn đọc khác mượn… Điều này sẽ làm cho người đọc chán nản và thất vọng khi tìm kiếm tài liệu bằng phương pháp thủ công”, chị Mai Đình Phố Châu, Phó phòng Công tác bạn đọc chia sẻ. Theo chị Châu, từ khi Thư viện Đà Nẵng đưa CNTT vào phục vụ cho hoạt động thư viện, công tác tra tìm tài liệu của bạn đọc nhanh hơn và chính xác hơn, giúp cho người đọc biết được chính xác thông tin cuốn sách, biết sách đó đang ở trong tình trạng rỗi hay bận... Với hệ thống máy trạm phục vụ nhu cầu bạn đọc, người đọc có thể dễ dàng tra cứu mọi thông tin về những tài liệu mình cần tìm mà không tốn nhiều thời gian như trước.

Theo thống kê tại Phòng Đọc tổng hợp và Phòng Mượn tự chọn của Thư viện, có hơn 80% người đọc sử dụng hệ thống tìm tin ở các máy trạm này. Cũng thông qua giao diện tìm kiếm này, Thư viện Đà Nẵng công khai lên Internet với đường dẫn http://thuviendanang.vn nhằm tạo điều kiện cho người đọc có thể tìm tin tại nhà và tra cứu được thông tin mượn, trả sách cũng như gia hạn sách mượn của mình.

Hiện có đến 99% công việc ở Thư viện Đà Nẵng được thực hiện bằng máy tính. Thư viện cũng đã đưa vào sử dụng phòng đọc đa phương tiện với 25 máy tính và phòng chiếu 3D, triển khai các phần mềm quản lý thư viện Ilib 6.5 và thư viện số Dlib.

Phần mềm Ilib 6.5 được trang bị đã giúp cho bạn đọc thuận tiện hơn trong công tác gia hạn sách, đăng ký cấp thẻ qua mạng, số lượt bạn đọc khai thác tài nguyên số thông qua website tăng đáng kể. “Với cơ sở vật chất được đầu tư ngày càng hiện đại của Thư viện Đà Nẵng góp phần đẩy nhanh tốc độ dịch chuyển mô hình thư viện truyền thống sang mô hình thư viện điện tử. Điều này sẽ giúp cán bộ thư viện có thể làm việc ở mọi lúc mọi nơi thông qua phần mềm nghiệp vụ chạy trên nền trang tin điện tử, giúp nâng cao năng suất và chất lượng công việc”, bà Vũ Thị Ân, Phó Giám đốc Thư viện Đà Nẵng cho hay. Theo bà Ân, việc triển khai thư viện điện tử còn đem đến những lợi ích thiết thực cho mọi đối tượng bạn đọc.

Bạn đọc không cần phải đến thư viện vẫn có thể tra cứu truy vấn tài liệu của thư viện, tài liệu từ nguồn liên kết trong và ngoài nước, đọc trực tuyến hoặc tải tài liệu điện tử về sử dụng. Bên cạnh đó, Thư viện Đà Nẵng xây dựng và đưa vào hoạt động Trang Thông tin điện tử tổng hợp, tích hợp thư viện số trên tên miền thuviendanang.vn và thuviendanang.gov.vn, tích hợp phần mềm sachdientu.thuviendanang.vn để bạn đọc đọc sách trực tuyến. Đây có thể xem là một bước đột phá rất quan trọng, tạo điều kiện cho công tác tìm kiếm của bạn đọc ngày càng tốt hơn.  

Đẩy nhanh công tác số hóa tài liệu

Theo thống kê, hiện Thư viện Đà Nẵng có khoảng 5.000 đầu sách, trong đó có nhiều tài liệu quý hiếm về Quảng Nam và Đà Nẵng cần được số hóa để bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Hiện Thư viện Đà Nẵng gặp nhiều khó khăn trong công tác số hóa tài liệu như phân loại tài liệu, thiếu các quy phạm thống nhất cho công tác số hóa tài liệu, nguồn kinh phí dành cho hoạt động này cũng còn hạn hẹp.

Theo “Đề án phát triển thư viện công cộng giai đoạn 2012-2015, định hướng đến 2020”, thành phố giao cho Thư viện Đà Nẵng trong năm 2015 cần phải số hóa 30% số lượng tài liệu quý hiếm và tài liệu địa chí của địa phương. Thế nhưng cho đến nay, Thư viện Đà Nẵng chỉ mới số hóa được 10% số lượng tài liệu hiện có. “Theo đề án này, đến năm 2020, Thư viện phải số hóa hết 100% nguồn tài liệu quý hiếm và tài liệu địa chí. Muốn làm được điều đó, cần phải có các phương tiện chuyên dụng chụp tài liệu, thế nhưng hiện nay thư viện vẫn chưa được đầu tư các trang thiết bị này. Thư viện đang chờ thành phố phê duyệt kinh phí để mua phương tiện, đẩy nhanh tốc độ số hóa tài liệu trong thời gian tới”, bà Ân nói.

Bài và ảnh: HOÀNG HÂN

.