Hành trang khởi nghiệp của sinh viên

.

Mang về những kinh nghiệm quý báu từ những thất bại là điều mà nhiều bạn trẻ tại thành phố có được khi quyết định dấn thân vào con đường khởi nghiệp.

Anh Phạm Đức Nam Trung, Giám đốc điều hành DNES chia sẻ với các sinh viên Đà Nẵng về hành trang khởi nghiệp. Ảnh: NVCC
Anh Phạm Đức Nam Trung, Giám đốc điều hành DNES chia sẻ với các sinh viên Đà Nẵng về hành trang khởi nghiệp. Ảnh: NVCC

Tại ngày hội “Thuyết trình ý tưởng Khởi nghiệp” (Demo Day) của Trung tâm Ươm tạo Khởi nghiệp Sông Hàn vừa được tổ chức vào cuối tháng 10, nhiều khán giả ấn tượng với Dương Thị Diễm My, cô sinh viên năm 3 ngành Tiếng Anh Du lịch của Trường Đại học Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng).

Dáng người nhỏ nhắn, My xuất hiện tự tin, tươi rói trước khán giả và các nhà đầu tư để giới thiệu về dự án Adei House - nhà hàng trải nghiệm ẩm thực Chăm-pa do chính cô làm chủ. Là người ấp ủ, nuôi dưỡng dự án từ những ngày đầu, My hiểu rõ “đứa con tinh thần” của mình hơn ai hết.

Nhờ vậy, bài thuyết trình của My rất lưu loát bởi các thông tin được đưa vào đầy đủ, sắp xếp logic; đồng thời cũng tràn đầy cảm hứng bởi chứa nhiều nhiệt huyết, đam mê của cô sinh viên trẻ. Adei House chưa phải là một dự án trưởng thành, việc kinh doanh vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm.

Khi nhà đầu tư thắc mắc liệu sau khi được “rót” vốn, cô có thể toàn tâm toàn ý phát triển dự án trong khi vẫn còn đang đi học hay không, My bảo, cô sẵn sàng bảo lưu việc học để dành thời gian cho dự án.

“Mình thật sự nghiêm túc với Adei House. Phát triển dự án này, đối với mình, cũng chính là học”, My nói. Chính sự nghiêm túc này đã khiến các nhà đầu tư “để ý” đến dự án khởi nghiệp của sinh viên.

Trên thực tế, không nhiều dự án khởi nghiệp của sinh viên tại Đà Nẵng thành công. Hàng chục dự án đoạt giải trong các cuộc thi sinh viên khởi nghiệp, trở thành điển hình của các câu lạc bộ trường học, được báo chí quan tâm... nhưng sau một thời gian thì “cất tủ”. Bởi lẽ, đa phần sinh viên thiếu 4 yếu tố quan trọng nhất của khởi nghiệp, đó là: thời gian, kiến thức, kinh nghiệm và nguồn lực (tài chính, nhân sự...).

Nguyễn Mai Ly (SN 1995) cũng là một người khởi nghiệp lúc đang còn ngồi trên ghế nhà trường. Khi học năm cuối ngành Quản trị kinh doanh tại Trường Đại học Kinh tế (ĐH Đà Nẵng), Ly đã làm trưởng dự án iKids - Trường học cho trẻ em do Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES) ươm tạo. iKids dừng lại sau hơn 1 năm hoạt động vì thiếu vốn và thiếu người, nhưng Ly chưa bao giờ hối hận về quyết định dấn thân vào con đường khởi nghiệp của mình.

Cô nói: “Lúc sinh viên hay mới ra trường là lúc bản thân có nhiều nhiệt huyệt nhất, có thể sẵn sàng sống với đam mê. Dĩ nhiên, chỉ mỗi đam mê thì chưa thể dẫn đến thành công, nhưng đó là một trải nghiệm rất tốt mà không phải ai cũng có. Hơn 1 năm làm khởi nghiệp đã giúp mình học hỏi, phát triển nhanh hơn nhiều bạn bè cùng lứa”.

Điểm chung giữa My và Ly cũng như nhiều sinh viên khởi nghiệp khác là sự nhiệt huyết. Đây có thể xem là hành trang quan trọng nhất của những người trẻ. Bởi vậy, cần biết cách tận dụng, khai thác nó để tạo ra những trải nghiệm quý báu.

Anh Phạm Đức Nam Trung, Giám đốc điều hành DNES chia sẻ, khởi nghiệp ở độ tuổi sinh viên hoặc vừa ra trường có lợi thế là nếu thất bại cũng không gây ra tổn thất lớn. Trái lại, những thất bại sớm này sẽ giúp những người trẻ tích lũy được nhiều kinh nghiệm để sau này có thể thành công khởi nghiệp.

“Muốn bắt lấy cơ hội thì phải dám thất bại. Muốn biết quyết định đúng hay sai thì phải biết lý do mình làm việc đó và muốn trở thành người may mắn thì phải nỗ lực lên trên khả năng của chính mình”, anh Trung nói.

KHANG NINH

;
.
.
.
.
.
.