Giải pháp quản lý hiệu quả bán đảo Sơn Trà

.

Bán đảo Sơn Trà được mệnh danh là “hòn ngọc xanh” của Đà Nẵng, là một trong những điểm đến thu hút khách du lịch với thảm động vật, thực vật phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, việc đi lại, tham quan của người dân địa phương và du khách trên bán đảo Sơn Trà vẫn còn nhiều bất cập, rủi ro. Vì vậy, cần quản lý hiệu quả bán đảo Sơn Trà.

Bán đảo Sơn Trà có nhiều dốc, nhiều điểm khó đi, vì thế người dân địa phương và du khách cần cẩn trọng khi tham quan tại đây. Ảnh: THU HÀ
Cần sớm có phương án để quản lý khách cũng như phương tiện lên bán đảo Sơn Trà. TRONG ẢNH: Điểm dừng chân để lên đỉnh Bàn Cở. Ảnh: THU HÀ

Theo thống kê sơ bộ của Ban quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển Du lịch Đà Nẵng (gọi tắt là Ban quản lý), từ đầu năm 2019 đến nay đã xảy ra 15 vụ tai nạn nghiêm trọng khiến 5 người chết; chưa kể các vụ đi lạc trong rừng không tìm được đường ra phải nhờ cứu hộ... Dù đã có khuyến cáo, bảng hiệu nhắc nhở nhưng nhiều du khách thích khám phá vẫn tự chạy xe máy lên bán đảo Sơn Trà hoặc mạo hiểm đi bộ trong rừng khi không thông thuộc địa hình. Trong khi đó, lượng khách tham quan tại bán đảo Sơn Trà ngày càng tăng cao, từ 160.000 lượt khách năm 2010 lên 2,49 triệu lượt năm 2018.

Bên cạnh các rủi ro tiềm ẩn về tai nạn giao thông, còn có nguy cơ khách lên bán đảo Sơn Trà sơ suất hoặc không có ý thức, dùng lửa gây cháy rừng. Ông Trần Viết Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng nhận định, việc du khách đi lại tự do, nấu nướng, ở lại qua đêm trên bán đảo Sơn Trà cũng dễ gây ảnh hưởng đến công tác phòng cháy chữa cháy rừng. Thời gian qua, có vài vụ cháy ở những khu cỏ, bụi rậm… đều do con người tác động, song đã chữa cháy kịp thời nên không gây ảnh hưởng lớn. Bên cạnh đó, người dân và du khách vẫn lên xuống tự do, các cơ quan chức năng gặp khó trong việc phát hiện, ngăn chặn các hành vi phá hoại, xả rác bừa bãi… ảnh hưởng đến hệ sinh thái tại bán đảo Sơn Trà.

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho rằng, cần phải xem bán đảo Sơn Trà thực sự là một điểm đến, mà đã là điểm đến thì phải có quy hoạch đầu tư, hình thành hệ thống quản lý cụ thể. “Có thể dùng hình thức bán vé tham quan bán đảo Sơn Trà thay vì đi tự phát như hiện nay, trong đó phân loại ra vé thông thường thì đi khu nào, vé đặc biệt đi khu nào, vé mạo hiểm đi ở đâu. Riêng với vé mạo hiểm thì phải có các điều kiện kèm theo như phải có người dẫn đường, hướng dẫn viên…”, ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, giải pháp trước mắt là cấm du khách lui tới những điểm tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, rủi ro; đến khi thật sự an toàn mới đưa vào khai thác du lịch. Về lâu dài, cần một giải pháp tổng thể trong việc quản lý bán đảo Sơn Trà… Đồng quan điểm này, bà Trương Thị Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết: “Trước tình trạng khách tự phát lên bán đảo Sơn Trà bằng xe cá nhân tiềm ẩn nhiều rủi ro, ngành du lịch thành phố cũng đang nghiên cứu các giải pháp cụ thể”. Trước mắt, Sở Du lịch sẽ tính đến phương án bố trí nhân viên trật tự du lịch trực giờ hành chính tại các điểm có cảnh báo nguy hiểm để nhắc nhở khách; sau đó, tiếp tục nghiên cứu tìm các giải pháp phù hợp, nhưng vẫn ưu tiên bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái, môi trường sống của đàn voọc chà vá.

Cần sớm có phương án để quản lý khách cũng như phương tiện lên bán đảo Sơn Trà.  TRONG ẢNH: Điểm dừng chân để lên đỉnh Bàn Cở. Ảnh: THU HÀ
Bán đảo Sơn Trà có nhiều dốc, nhiều điểm khó đi, vì thế người dân địa phương và du khách cần cẩn trọng khi tham quan tại đây. Ảnh: THU HÀ

Trong khi đó, theo ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Đà Nẵng, trước mắt, cần tuyên truyền trực quan để cảnh báo mọi người khi tham gia giao thông ở khu vực nguy hiểm. Về lâu dài, có lẽ nên cấm lên núi bằng phương tiện giao thông riêng, thay vào đó là tổ chức vận chuyển chuyên nghiệp nhằm bảo đảm an toàn cho người có nhu cầu lên núi. Đương nhiên không nên sử dụng phương tiện cáp treo như ở Bà Nà.

Ông Phan Minh Hải, Phó Trưởng ban quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, cho biết, Ban quản lý cũng đã xây dựng phương án quản lý khách du lịch tham quan tại bán đảo Sơn Trà với mục đích kiểm soát được lượng khách lên xuống bán đảo Sơn Trà để hạn chế các tác động xấu đến hệ sinh thái tự nhiên, cơ sở hạ tầng, tiện ích công cộng; bảo đảm an toàn cho người dân và du khách tham quan tại đây.

Cuối tháng 6 vừa qua, UBND thành phố ban hành Quyết định 2778/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng trên địa bàn Đà Nẵng trong việc quản lý một số hoạt động (bảo vệ và phát triển rừng; du lịch; quản lý đất đai, bảo vệ môi trường; trật tự xây dựng....) tại bán đảo Sơn Trà. Tuy nhiên, hiện Sơn Trà đang được nhiều đơn vị cùng quản lý, do đó có sự chồng chéo. Vì thế, trong Quy chế phối hợp nên có một số điện thoại đường dây nóng của đội cứu hộ để du khách gọi khi cần thiết.

Dự thảo phương án “Quản lý khách tham quan tại bán đảo Sơn Trà” gồm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2020-2021) thực hiện lắp đặt chốt kiểm soát, kết hợp tuyên truyền về phương án; kết hợp triển khai công tác tuyên truyền cho người dân và du khách về lộ trình thực hiện của phương án quản lý khách; tổng hợp dữ liệu các đơn vị và cá nhân, xây dựng hệ thống thẻ từ phù hợp (dành cho cán bộ, nhân viên các đơn vị hoạt động tại bán đảo Sơn Trà, các hộ dân có hoạt động sản xuất trồng rừng nằm trong khu vực sau gác chắn. Giai đoạn 2 (từ 2021 đến 2022) sẽ cấm xe máy trên 4 tuyến du lịch, trong đó để người dân và du khách thích nghi với việc sử dụng xe trung chuyển lên bán đảo Sơn Trà, khách tham quan được phép sử dụng ô-tô dưới 16 chỗ ngồi để di chuyển tại 2 tuyến Yết Kiêu - Đỉnh bàn cờ - Bãi Bắc và tuyến Bãi Bắc - Cây đa si sản. Giai đoạn 3 (từ năm 2022) trở đi, sử dụng hoàn toàn xe trung chuyển trên 4 tuyến du lịch. Bổ sung thêm ứng dụng di động du lịch Sơn Trà và thu phí tham quan bằng hệ thống thẻ từ để hỗ trợ cho công tác quản lý khách.

Vụ tai nạn khi giải cứu du khách  tại bán đảo Sơn Trà Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo làm rõ

Trước sự việc nhóm du khách đi lạc ở bán đảo Sơn Trà trong đêm 27-8, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ giao cho Sở Du lịch chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương liên quan báo cáo Chủ tịch UBND thành phố diễn tiến vụ việc 4 du khách đi lạc và quá trình tìm kiếm, cứu nạn của người dân cũng như các lực lượng chức năng; việc hỗ trợ, thăm viếng gia đình anh Trần Long Khải (người bị nạn) của địa phương và các cơ quan, tổ chức đoàn thể; đồng thời làm rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan để xảy ra vụ việc.

Chủ tịch UBND thành phố cũng giao Sở Du lịch đề xuất, tham mưu UBND thành phố về các biện pháp quản lý, bảo đảm an toàn cho du khách khi đi dã ngoại và tham quan bán đảo Sơn Trà.

Ngày 29-8, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng gửi thư bày tỏ lòng tiếc thương và biết ơn đối với hành động dũng cảm của anh Trần Long Khải, người dũng cảm tìm cách cứu du khách bị lạc, tử vong đêm 27-8 vừa qua.

DÂN HÙNG - N.PHÚ

THU HÀ – KHANG NINH
 

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.