Khởi nghiệp với nhà hàng chay

.

Khát vọng làm giàu để góp phần cho đất nước phồn vinh, nhiều bạn trẻ đã khởi nghiệp bằng tất cả đam mê của mình. Trong đó, Trương Thị Tú Anh - cô gái sinh năm 1990 dám từ bỏ công việc làm đại diện hãng cho một hãng hàng không 5 sao để dồn hết tâm huyết để mở nhà hàng chay Ans (169F Trưng Nữ Vương, quận Hải Châu) với mong muốn đưa ẩm thực chay trở nên gần gũi với mọi người hơn, thoát ra khỏi quan niệm rằng ẩm thực chay chỉ gói gọn riêng về tôn giáo.

Chị Trương Thị Tú Anh cùng các nhân viên c
Chị Trương Thị Tú Anh cùng các nhân viên c

Sau khi tốt nghiệp THPT, năm 2009, Tú Anh theo học chuyên ngành Kinh tế ngoại giao quốc tế, Khoa Quốc tế, Trường Đại học Công nghệ Guangdong (Trung Quốc). 6 năm du học kết thúc, năm 2014, Tú Anh trở về quê hương Đà Nẵng, làm đại diện cho hãng hàng không Cathay Pacific của Hồng Kông (Trung Quốc). Và công việc này cũng chính là nguồn động lực để Tú Anh tự tin hiện thực hóa đam mê với ẩm thực chay ngay từ thuở bé.

Làm đại diện hãng, ngoài những lúc đi công tác nước ngoài, Tú Anh còn được hỗ trợ 90% giá vé máy bay đến các nước châu Âu nên cô gái 9X thường tranh thủ đi du lịch. Tiếp xúc được nhiều nền văn hóa khác nhau, nhận thấy ăn chay được người dân ở những nước cô đặt chân đến ưa chuộng vì tốt cho sức khỏe, thân thiện với môi trường. Ghé đến nước nào, Tú Anh cũng thử những món chay của nước đó rồi tự nghiên cứu công thức, cho ra một công thức chuẩn của riêng chị. Điều này lý giải vì sao, thực đơn của Ans lại phong phú với sự kết hợp hài hòa, sáng tạo giữa món ăn chay Á-Âu.

Ans được khai trương vào ngày 8-3-2017 tại 97 Hoàng Văn Thụ. Ans ở đây là viết tắt cho an nhiên, an lành, an bình, an lạc..., mong muốn về những ý nghĩa tuyệt vời của cuộc đời. Nhưng bao nhiêu niềm hào hứng của cô chủ trẻ lại được đáp lại bằng liên tiếp những khó khăn. Tú Anh chia sẻ: “Thời điểm ấy, ăn chay vì sức khỏe là một khái niệm không mấy gần gũi với mọi người.

Tôi gặp nhiều trở ngại trong quá trình làm quen cũng như tạo thói quen mới trong văn hóa ẩm thực cho thực khách. Việc tiếp cận khách hàng trở nên rất cam go. Chinh phục khách sau bước tiếp cận đầu tiên và thuyết phục khách quay lại là một bài toán gay gắt ở thời điểm đó”. Lúc ấy, mỗi ngày Ans đón khoảng 20 lượt khách/ngày, riêng ngày mồng một, ngày rằm thì khá hơn với khoảng 200 lượt khách. Suốt 6 tháng đầu, Ans gần như lấy công làm lời.

 

Hoạt động được 6 tháng, Tú Anh quyết định chuyển Ans về nhà bố mẹ chị tại 169F Trưng Nữ Vương. Chị quyết định nghỉ việc ở hãng hàng không để toàn tâm toàn sức phát triển Ans mặc cho gia đình ra sức cấm cản. “Gia đình đã phản đối kịch liệt và ra sức ngăn cấm, khuyên răn vì muốn tôi duy trì một công việc ổn định trong một môi trường tốt. Bố mẹ không muốn tôi đánh đổi và mạo hiểm với bản thân như thế”, Tú Anh bộc bạch.

Khó khăn là vậy song với Tú Anh, chị cũng có rất nhiều những thuận lợi đó là sự đam mê, tính kiên trì của bản thân và của những nhân viên của Ans. Tú Anh bảo: “Tôi đã bỏ việc để theo đuổi đam mê thì không dễ dàng từ bỏ. Ngoài ra, tôi còn có những bạn nhân viên luôn đồng hành cùng tôi, tôi phải có trách nhiệm với họ”. Tú Anh đầu tư hơn vào món ăn, chăm chút từ nguyên liệu đến cách chế biến với mong muốn thực khách sẽ cảm nhận được sự đặc biệt, sự khác biệt của ẩm thực chay Ans.

 

Song song đó, nhà hàng tạo một không gian đẹp, thoải mái nhất cho thực khách. Khách đến là nhớ hoài. Toàn bộ từ bàn ghế cho đến những vật dụng trang trí như chùm đèn, gương treo tường… đều được chị đặt hàng từ nước ngoài hoặc được chị đem về từ những chuyến du lịch. Mọi ngóc ngách của Ans đều được chính tay Tú Anh chăm chút, trang trí. Hiện mỗi ngày, Ans đón khoảng 200 lượt khách. Vào ngày mồng một, ngày rằm hằng tháng thì khách ghé đến Ans có khi đến 2.000 lượt. Tú Anh “bật mí” rằng, “Bí quyết và sự khác biệt trong món ăn của Ans đến từ tình yêu. Tình yêu rất lớn giành cho rau củ và ẩm thực chay. Một gia vị quan trọng nhất tạo nên cái ngon của món ăn”.

Tú Anh có lời khuyên cho những bạn trẻ muốn khởi nghiệp rằng, “Khi khởi nghiệp bất cứ ngành nghề nào, thành công là một quá trình dài và nhiều cung bậc chứ ko phải là đích đến. Các bạn phải kiên trì và nhẫn nại, đừng quên rằng mọi thứ trên đời này đều cần thời gian. Điều cuối cùng là siêng năng, hãy làm việc thật chăm chỉ cho ước mơ của bạn. Và việc hôm nay tuyệt đối không để hôm sau. Trong quá trình làm chắc chắn sẽ có sai sót, chỗ chưa tốt, đó là lúc bạn nên học cách sửa đổi và khắc phục. Mỗi điều sai sẽ là một kinh nghiệm quý”.

MAI HIỀN

;
;
.
.
.
.
.