Sản xuất vụ đông xuân: Tái cơ cấu giống lúa để chống hạn

.

Trong những ngày qua, tranh thủ thời tiết thuận lợi, nông dân huyện Hòa Vang và các quận Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu, Cẩm Lệ ra đồng làm đất và xuống giống lúa vụ đông xuân. Để đối phó với tình hình hạn hán, thiếu nước, các địa phương đã đẩy mạnh tái cơ cấu giống lúa với hơn 70% giống trung và ngắn ngày; đồng thời, các đơn vị chức năng tích cực bảo đảm nước cho sản xuất, chống hạn hán và thiếu nước ngay từ đầu vụ đông xuân.

Nông dân xã Hòa Châu (huyện Hòa Vang) làm đất, chuẩn bị gieo sạ giống lúa trung và ngắn ngày để chủ động ứng phó hạn hán, thiếu nước.
Nông dân xã Hòa Châu (huyện Hòa Vang) làm đất, chuẩn bị gieo sạ giống lúa trung và ngắn ngày để chủ động ứng phó hạn hán, thiếu nước.

Trong vụ đông xuân năm nay, nông dân toàn thành phố gieo sạ khoảng 2.680ha lúa, trong đó, chủ yếu là huyện Hòa Vang với khoảng 2.500ha. Ở một số địa phương thuận lợi nguồn nước cho sản xuất lúa như: Hòa Tiến, Hòa Khương, Hòa Phong, Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang), nhiều nông dân đã gieo sạ các giống lúa dài ngày. Trên cánh đồng thôn La Bông, xã Hòa Tiến, nhiều nông dân đã hoàn thành gieo sạ lúa vụ đông xuân. Nông dân Hồ Văn Thiết (ở thôn La Bông, xã Hòa Tiến) cho hay: “Vụ đông xuân này gia đình tôi gieo sạ giống lúa 13/2 trên 2 mẫu ruộng (2.000m2). Gieo giống lúa dài ngày có thuận lợi là cho năng suất cao hơn giống lúa trung, ngắn ngày. Khu vực ruộng gần kênh dẫn nước từ đập dâng An Trạch về nên khá chủ động nguồn nước tưới”.

Cùng trên địa bàn xã Hòa Tiến, ở các khu vực xa nguồn nước, các hợp tác xã và nông dân đã chủ động chuyển đổi sang sử dụng lúa trung và ngắn ngày. “Vụ đông xuân năm nay, Hợp tác xã Nông nghiệp 1 Hòa Tiến triển khai gieo sạ 240ha lúa với 70% diện tích trồng lúa giống trung và ngắn ngày, chỉ có 30% diện tích trồng lúa giống dài ngày. Do mùa mưa năm 2019 không có lũ nên có rất nhiều chuột trên các cánh đồng. Vì vậy, hợp tác xã đã vận động nông dân ra đồng diệt chuột trước khi gieo sạ.

Bên cạnh sự hỗ trợ của UBND huyện Hòa Vang (hỗ trợ 2.000 đồng/đuôi chuột), hợp tác xã đã hỗ trợ thêm bẫy, thuốc diệt chuột…”, ông Nguyễn Thảo, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp 1 Hòa Tiến cho hay. Còn theo thông tin từ UBND xã Hòa Tiến, vụ đông xuân năm nay, toàn xã gieo sạ 463ha lúa, trong đó hơn 70% diện tích trồng các giống lúa trung và ngắn ngày như: OM4900, HT1… Xã Hòa Tiến đã thu đổi hơn 4 tấn lúa giống dài ngày sang giống lúa trung và ngắn ngày cho nông dân và hỗ trợ 140kg thuốc diệt chuột, 800 bẫy bán nguyệt diệt chuột.

Tại xã Hòa Nhơn, để ứng phó với tình hình hạn hán, thiếu nước, nông dân trên địa bàn xã gieo sạ 194ha lúa giống trung và ngắn ngày với các giống lúa như: HT1, Thiên ưu 8, OM4900, chiếm 73,1% tổng diện tích lúa vụ đông xuân. Đặc biệt, xã Hòa Nhơn đã thu đổi đến 17,4 tấn lúa giống dài ngày sang giống lúa trung và ngắn ngày. Cạnh đó, triển khai nạo vét, khơi thông 6,5km mương thủy lợi, hỗ trợ 3,7 tấn thuốc sinh học diệt chuột và nhiều bẫy chuột cho nông dân.

Tại xã Hòa Phước, do xa nguồn nước nên nông dân trên địa bàn xã đã quyết định gieo sạ giống lúa trung và ngắn ngày trên toàn bộ diện tích. Tương tự, tại xã Hòa Châu, gieo sạ gần như toàn bộ giống lúa trung và ngắn ngày (J02, ĐT100, Đài thơm 8, Thiên ưu 8, HT1, OM4900…) với tổng khối lượng lúa giống dài ngày được đăng ký đổi sang giống lúa trung và ngắn ngày đến 14,6 tấn. “Năm nay, gia đình tôi gieo sạ 5 sào lúa giống OM4900 và Đài thơm 8 để ứng phó với trời hạn. Đáng lẽ là vụ đông xuân thì không lo lắng về nước nhưng do mùa mưa năm nay không có lũ nên không thể không lo hạn hán, thiếu nước“, bà Ngô Thị Nghị (thôn Phong Nam, xã Hòa Châu) cho hay.

Theo ông Lê Văn Sâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Đà Nẵng, hiện đơn vị đã cấp nước phục vụ đổ ải, gieo sạ hơn 40% diện tích sản xuất lúa vụ đông xuân, bảo đảm gieo sạ giống lúa dài ngày và làm đất gieo sạ các giống lúa khác và từ nay đến ngày 31-12-2019, cấp đủ nước để đổ ải, gieo sạ các giống lúa trung và ngắn ngày. Dù mùa mưa bão năm 2019 không có lũ lớn nhưng nhờ tích nước sớm nên đến nay, cả 19 hồ chứa trên địa bàn thành phố đều đã tích được đầy nước. “Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ, tổng lượng mưa từ tháng 1-2020 đến tháng 3-2020 và các tháng tiếp theo có xu hướng thấp hơn lượng mưa trung bình nhiều năm.

Do đó, công ty đã chỉ đạo đắp đập bổi tại các trục tiêu, tận dụng nguồn nước đó cấp cho các đồng ruộng, không để lãng phí nước; đồng thời, hạn chế mở nước từ các hồ chứa để tưới, nhằm chủ động ứng phó với hạn hán, thiếu nước trong vụ hè thu. Ngoài ra, công ty đang xây dựng kế hoạch cấp nước cho sản xuất năm 2020 để trình thành phố phê duyệt và xây dựng kế hoạch chống hạn”, ông Lê Văn Sâm nói.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để bảo đảm chống hạn hán, thiếu nước và hạn chế tình trạng chuột phá hại lúa, các đơn vị chức năng đã tăng cường hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, lịch thời vụ, cơ cấu giống lúa, diệt chuột và các loại sâu bệnh hại lúa… Sở cũng chỉ đạo Chi cục Thủy lợi phối hợp với Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi, địa phương cân đối nguồn nước, điều tiết nguồn nước tưới phù hợp cung cấp đủ nước cho các địa phương triển khai sản xuất bảo đảm theo kế hoạch.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thường xuyên theo dõi tình hình sinh trưởng phát triển cây trồng, sinh vật hại để kịp thời có thông báo hướng dẫn chăm sóc, phòng trừ sinh vật hại để các địa phương chủ động phòng trừ kịp thời và hiệu quả. Trung tâm Khuyến ngư-nông-lâm, phối hợp với các đơn vị liên quan, các địa phương tiếp tục theo dõi, đánh giá các giống lúa mới; triển khai các giải pháp kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ: giảm lượng giống gieo sạ, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, tưới tiết kiệm.... để nông dân tham khảo áp dụng.

Các quận, huyện chỉ đạo các địa phương gieo sạ giống lúa trung ngắn ngày nhằm rút ngắn thời gian, thu hoạch sớm để tiết kiệm nước; triển khai bố trí lịch gieo sạ, cơ cấu giống phù hợp cho từng vùng, từng địa phương, tránh tình trạng bố trí giống dài ngày lẫn lộn với giống trung ngắn ngày trong một cánh đồng làm ảnh hưởng đến lịch cấp nước gây thất thoát, lãng phí nước hoặc sử dụng nước thiếu hiệu quả; chỉ đạo các địa phương thực hiện khoanh vùng diện tích chủ động nước tưới bố trí gieo sạ tập trung, đồng loạt từng khu, từng vùng theo lịch thời vụ quy định trong khoảng thời gian ngắn nhất nhằm điều tiết, quản lý nước hợp lý, tiết kiệm; tiếp tục thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả và thiếu nước…

Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.