Ngày càng nhiều người dân chọn đi xe buýt

.

ĐNO - Sáng 21-2, UBND thành phố phối hợp với Quỹ Toyota Mobility (TMF) tổ chức lễ tổng kết dự án “Cải thiện hành lang giao thông đô thị Đà Nẵng”. 

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng trao quà lưu niệm cho ông Shin Aoyama, Giám đốc điều hành, Tổng Thư ký Quỹ Toyota Mobility. Ảnh: KHANG NINH
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng trao quà lưu niệm cho ông Shin Aoyama, Giám đốc điều hành, Tổng Thư ký Quỹ Toyota Mobility. Ảnh: KHANG NINH

Dự án “Cải thiện hành lang giao thông đô thị Đà Nẵng” có tổng mức đầu tư hơn 2,86 triệu USD từ nguồn tài trợ của TMF, được thực hiện từ tháng 7-2015 đến tháng 9-2019 nhằm góp phần cải thiện hệ thống giao thông đô thị, thúc đẩy sự phát triển bền vững của Đà Nẵng.

Dự án gồm 2 hợp phần: Hợp phần 1 là phát triển tuyến xe buýt trung chuyển (tuyến bus TMF), kết nối các khu dân cư mới phía đông sông Hàn với các công trình tiện ích công cộng ở trung tâm thành phố.

Trong hợp phần này, TMF đã phối hợp với Đà Nẵng xây dựng hệ thống công nghệ quản lý vận hành và quản lý hành khách; nhân rộng hệ thống bảng điện tử LED-VMS thông tin các tuyến buýt theo thời gian thực tại các điểm chính nhằm cải thiện dịch vụ xe buýt nội đô; xây dựng mô hình nhà ga TMS với bãi đỗ xe dành cho người đi xe buýt được đánh giá cao, xem xét nhân rộng.

Hợp phần 2 là phát triển mô hình thí điểm quản lý bãi đỗ xe trên đường ứng dụng công nghệ trả phí qua điện thoại di động. Mô hình này được thí điểm trên đường Bạch Đằng, với các công nghệ tiên tiến trong việc quản lý đậu đỗ xe trên đường như: thu phí tính theo thời gian, quản lý thu phí bằng phần mềm tự động, thông tin liên tục cập nhật theo thời gian thực giúp lái xe dễ dàng tìm kiếm điểm đỗ xe trên lộ trình của mình.

Theo kết quả khảo sát của Ban Quản lý dự án “Cải thiện hành lang giao thông đô thị Đà Nẵng”, sau hơn 2 năm triển khai, người dân Đà Nẵng đã dần quen với dịch vụ xe buýt. Tổng lượng hành khách đi xe đạt hơn 190.300 người, hơn 90% hành khách đánh giá chất lượng dịch vụ của xe buýt là “rất tốt” hoặc “tốt”. Trong khi đó, mô hình quản lý bãi đỗ xe trên đường cũng đã đóng góp quan trọng trong bối cảnh chỗ đỗ xe còn hạn chế, giảm áp lực giao thông đô thị.

Tại lễ tổng kết, ông Shin Aoyama, Giám đốc điều hành, Tổng Thư ký TMF cho biết dự án “Cải thiện hành lang giao thông đô thị Đà Nẵng” là mô hình tiêu biểu trong việc giải quyết nhu cầu đi lại của Việt Nam. Dự án thể hiện 3 nguyên tắc hoạt động của TMF, gồm: bảo đảm để lại di sản bền vững cho thành phố; khuyến khích sử dụng công nghệ tiên tiến để giải quyết vấn đề và hợp tác với các đối tác có cùng hệ giá trị, có thể đóng góp sự sáng tạo.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng nhận định, dự án “Cải thiện hành lang giao thông đô thị Đà Nẵng” đã thành công trên 3 phương diện. Thứ nhất, Đà Nẵng đã lựa chọn mô hình thực hiện chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam: giao cho UBND cấp quận, huyện (quận Hải Châu) trực tiếp tiếp nhận 1 dự án chuyên ngành cao của nước ngoài. Sự thành công của dự án thể hiện quyết tâm lớn và năng lực tổ chức, thực thi của đội ngũ tiếp nhận.

Thứ hai là sự quyết tâm triển khai công nghệ mới để quản lý xe buýt. Nhờ vậy, Đà Nẵng đã thu được kinh nghiệm, nâng cao năng lực quản lý của đội ngũ và lựa chọn công nghệ tốt nhất để triển khai mở rộng các giải pháp đậu đỗ xe trên toàn địa bàn thành phố.

Thứ ba là thói quen di chuyển của người dân đã dần thay đổi. Hình ảnh buýt TMF lưu thông trên đường đã đem lại niềm tin cho người dân Đà Nẵng. Sự kiên trì thực hiện cũng đã giúp người dân thay đổi nhận thức, hành vi, tăng tỷ lệ sử dụng phương tiện công cộng.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng đề nghị, trong thời gian tới, cần có thêm các đánh giá và định hướng nhân rộng dự án “Cải thiện hành lang giao thông đô thị Đà Nẵng”; đặc biệt, chú ý nghiên cứu lĩnh vực ứng dụng công nghệ trong hỗ trợ di chuyển. 

KHANG NINH

;
;
.
.
.
.
.