Trước thực tế Covid-19 ngày càng phức tạp, các đơn vị lữ hành, dịch vụ du lịch cùng ngành Du lịch thành phố đã nhanh chóng vào cuộc, đồng hành với chính quyền địa phương nhằm bảo đảm an toàn cho người dân và du khách.
Thời gian tới sẽ có thêm các tình nguyện viên là hướng dẫn viên du lịch có mặt ở các chốt chặn hỗ trợ cho các tổ công tác trong hoạt động phiên dịch. Ảnh: XUÂN SƠN |
Trước đây, mỗi đêm, các tàu du lịch trên sông Hàn luôn tấp nập khách du lịch vào ra. Đến nay, khi tình hình dịch bệnh phức tạp, một số tàu du lịch đã tạm dừng hoạt động phục vụ khách. Anh Lê Văn Phú, chủ du thuyền Phú Quý bày tỏ: “Thu nhập chính của doanh nghiệp phụ thuộc vào hoạt động kinh doanh, đưa đón khách. Tuy nhiên, đến nay, khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, chúng tôi khó nắm rõ được lịch trình đi lại của khách nên tạm dừng hoạt động đưa đón khách tham quan, tranh thủ nâng cấp cơ sở vật chất”.
Anh Phú phân tích, khi dừng hoạt động một thời gian, doanh nghiệp sẽ bị thiệt hại về kinh tế nhưng nếu không dừng, chẳng may có người nhiễm SARS-CoV-2 đến đây thì những trường hợp liên quan lại phải cách ly, khử khuẩn… Như vậy, thành phố lại phải tốn kém thêm rất nhiều trong công tác rà soát, kiểm tra, điều trị. Hiện nay, qua tìm hiểu được biết, đã có 7 tàu du lịch khác cũng tạm dừng hoạt động đưa đón khách.
Cũng chủ động trong việc phòng, chống Covid-19, ngay khi mới đầu mùa dịch, đơn vị quản lý chợ đêm Sơn Trà đã phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện nhiều biện pháp. Ông Đỗ Ngọc Thi Ca, Giám đốc Công ty CP DHTC Đa Nang (đơn vị quản lý chợ đêm Sơn Trà) cho hay, ngay khi có dịch, công ty đã có nhiều biện pháp tuyên truyền và phát khẩu trang miễn phí đến tiểu thương, người dân và du khách; đồng thời cập nhật thông tin liên tục để các tiểu thương được nắm rõ. Ban Quản lý chợ cũng thông báo đến tất cả các tiểu thương, khi buôn bán và giao tiếp với khách phải đeo khẩu trang để bảo đảm an toàn cho bản thân cũng như du khách.
Tuy nhiên, khi có 2 trường hợp du khách người Anh dương tính với SARS-CoV-2, được sự đồng ý của UBND quận, chợ đêm Sơn Trà tạm dừng hoạt động để bảo đảm an toàn cho người dân, du khách và các tiểu thương kinh doanh.
Việc ngưng chợ đêm tuy có ảnh hưởng tới đời sống của các tiểu thương kinh doanh, buôn bán tại chợ nhưng Ban Quản lý chợ đã thông báo, động viên và các tiểu thương cũng đồng thuận để tránh bệnh dịch lan rộng.
Không chỉ các đơn vị kinh doanh dịch vụ mà đến thời điểm hiện tại, một số cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố cũng đã lên tiếng, chủ động gửi thư ngỏ cho thành phố mượn cơ sở hạ tầng để làm cơ sở cách ly các trường hợp thuộc diện cách ly trong thời gian triển khai công tác phòng, chống Covid-19.
Mới đây, Hội Hướng dẫn viên du lịch (thuộc Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng) cho biết đã có gần 50 thành viên đăng ký làm tình nguyện viên (gồm các ngôn ngữ Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung, Hàn, Nhật) tham gia trực tại các trạm cửa ngõ của thành phố. Các tình nguyện viên sẽ hỗ trợ các đội phản ứng nhanh phiên dịch cho khách nước ngoài…
Là một trong những thành viên đăng ký làm tình nguyện viên hỗ trợ công tác phòng, chống Covid-19, anh Lương Quý Châu, hướng dẫn viên du lịch tiếng Anh cho biết, anh muốn sử dụng quỹ thời gian hiện có để cùng tham gia phòng, chống Covid-19. Các tình nguyện viên khi tham gia hoạt động này đều được trang bị kiến thức về phòng dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế và trang bị các dụng cụ bảo hộ trong quá trình hỗ trợ nên yên tâm làm việc.
Đồng thời, ngoài hình thức hỗ trợ trực tiếp thì các tình nguyện viên cũng có thể hỗ trợ online qua các kênh như: zalo, trao đổi qua điện thoại, viber…, tức là khi các nhân viên y tế, Sở Ngoại vụ phải tiếp một lúc quá đông du khách thì có thể kết nối với tình nguyện viên các thứ tiếng để họ có thể hỗ trợ trao đổi, nói chuyện qua điện thoại…
Theo ông Võ Văn Anh, Chủ tịch Hội Hướng dẫn viên du lịch thành phố Đà Nẵng, từ khi thành phố thực hiện cách ly tập trung 14 ngày đối với khách nước ngoài nhập cảnh vào Đà Nẵng (từ ngày 18-3), lượng khách quốc tế đến Đà Nẵng cũng ít hơn, chủ yếu là khách từ các nước trong khu vực ASEAN nên Hội Hướng dẫn viên đã huy động nhóm hỗ trợ bằng tiếng Anh là chính.
“Đợt này, riêng tiếng Anh có khoảng 30 người vừa hỗ trợ dịch qua điện thoại, zalo, khoảng 7 người sẵn sàng trực tại hiện trường. Bên cạnh đó, những thứ tiếng khác thì chúng tôi luôn có một đội trực online hỗ trợ cho khách nước ngoài dùng nhiều ngôn ngữ khác nhau đến Đà Nẵng khi họ có nhu cầu”, ông Võ Văn Anh nói.
Được biết, Sở Du lịch thành phố cũng đã có văn bản gửi tới các cơ sở lưu trú, doanh nghiệp du lịch hướng dẫn đội ngũ nhân viên trong việc hướng dẫn khách khai báo các thông tin y tế để kiểm soát dịch bệnh. Các cơ sở lưu trú, nhà hàng, điểm tham quan… cần hết sức bình tĩnh và thực hiện nghiêm túc các giải pháp vệ sinh, kiểm tra sức khỏe du khách, nhân viên, khai báo y tế với du khách và tổng hợp hằng ngày danh sách theo dõi sức khỏe.
Các doanh nghiệp lữ hành cũng đã thông báo với các hướng dẫn viên dẫn đoàn đến để thông tin, giải thích cho khách được biết, phối hợp với các cơ sở lưu trú trong việc đón và phục vụ khách. Sự chung tay vào cuộc của các cá nhân, tập thể chính là những “điểm sáng”, thể hiện sự đồng lòng của chính quyền địa phương và người dân trong công tác phòng, chống Covid-19.
THU HÀ