Khuyến khích gieo sạ giống lúa trung-ngắn ngày và chống chịu sâu bệnh

.

ĐNO – Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có thông báo lịch thời vụ, định hướng cơ cấu giống lúa vụ hè thu và đề nghị các đơn vị, địa phương hướng dẫn bà con nông dân sản xuất trong bối cảnh khó khăn về nước tưới.

Đối với diện tích chủ động nguồn nước tưới, gieo sạ giống lúa trung ngày từ ngày 20 đến 25-5-2020; gieo giống lúa trung, ngắn ngày từ ngày 25 đến 31-5. Đối với vùng trũng, gieo sạ giống lúa trung, ngắn ngày từ ngày 20 đến 25-5 để hạn chế mưa ngập cuối vụ. Đối với vùng khó khăn về nguồn nước tưới đầu vụ hoặc cuối vụ sản xuất, có thể gieo sạ trước ngày 20-5 hoặc gieo muộn hơn nhưng cần phải kết thúc xuống giống trước ngày 10-6.

Về cơ cấu giống lúa, sử dụng giống trung-ngắn ngày có năng suất cao, chất lượng tốt, thích nghi với điều kiện sinh thái Đà Nẵng để gieo sạ, phù hợp với xu thế biến đổi khí hậu như hiện nay. Tiếp tục đẩy mạnh sử dụng các giống lúa đã được xác nhận, tuyên truyền phát động phong trào giảm khối lượng lúa giống gieo sạ thẳng xuống còn từ 80-100kg/ha và sạ hàng từ 60-80 kg/ha.

Cơ cấu giống lúa gồm các giống chủ lực gồm: HT1, OM4900, Hà Phát 3, ĐT100 và giống bổ sung gồm: Thiên ưu 8, HN6, Đài thơm 8... Tùy theo yêu cầu thị trường, các địa phương có kế hoạch sản xuất cụ thể, phù hợp đối với một số giống lúa như: NX30, Xi23, 13/2, nếp..., nhưng phải tổ chức gieo sạ trước ngày 20-5 và  thường xuyên theo dõi sinh trưởng, diễn biến sâu bệnh để có giải pháp phòng trừ hiệu quả và hạn chế sử dụng giống dài ngày.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị UBND các quận huyện chỉ đạo triển khai bố trí lịch gieo sạ, cơ cấu giống phù hợp cho từng vùng, từng địa phương; tránh tình trạng bố trí giống dài ngày lẫn lộn với giống trung ngắn ngày trong một cánh đồng làm ảnh hưởng đến lịch cấp nước gây thất thoát, lãng phí nước hoặc sử dụng nước thiếu hiệu quả. Chỉ đạo các địa phương thực hiện khoanh vùng diện tích chủ động nước tưới bố trí gieo sạ tập trung, đồng loạt từng khu, từng vùng theo lịch thời vụ quy định trong khoảng thời gian ngắn nhất nhằm điều tiết, quản lý nước hợp lý, tiết kiệm; tuyên truyền đến người dân sử dụng nguồn nước tưới tiết kiệm. Từng địa phương rà soát nguồn nước tưới, đề ra kịch bản sản xuất, nếu không đủ nước tưới thì chuyển đổi qua các loại cây trồng nhu cầu nước ít hoặc không sản xuất nếu không đủ lượng nước tưới…

HOÀNG HIỆP

 

;
;
.
.
.
.
.