GÓP Ý ĐỒ ÁN ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH CHUNG THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Xác định tính chất, quy mô đầu tư thêm cầu qua sông Hàn

.

Kỹ sư Trần Dân, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường thành phố, góp ý đối với đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 về quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị, trong đó trọng tâm các vấn đề liên quan đến lĩnh vực giao thông.

Quy hoạch cần đề xuất thêm tuyến hầm đường bộ theo hướng đông-tây qua sân bay Đà Nẵng tại 2 vị trí hạ và cất cánh của máy bay. Cụ thể, hướng tuyến như tư vấn đề xuất với việc kéo dài đường Võ Văn Kiệt - cầu Rồng - Nguyễn Văn Linh - hầm chui qua sân bay - Trần Xuân Lê - Nguyễn Công Hãn - Nguyễn Đăng - Trường Chinh - Nguyễn Đình Tứ - Hoàng Văn Thái.

Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường thành phố đề xuất thêm phương án bổ sung hướng tuyến từ các đường Hồ Xuân Hương - cầu Tiên Sơn - Xô Viết Nghệ Tĩnh - sân bay Đà Nẵng - Trường Chinh - Vũ Lăng (hoặc từ đường Hồ Xuân Hương - cầu Tiên Sơn - Xô Viết Nghệ Tĩnh - Nguyễn Hữu Thọ- nút giao đường 30 Tháng 4 - sân bay Đà Nẵng - Lê Trọng Tấn).

Việc quy hoạch đầu tư 2 hầm đường bộ qua sân bay Đà Nẵng kết nối với các khu đô thị phía tây, khu trung tâm lõi xanh và nhà ga đường sắt, bến xe khách... đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị phía tây, tây bắc thành phố; giải quyết các vấn đề gia tăng dân số cũng như gia tăng các phương tiện giao thông và phát triển kinh tế nội tại ở các phân khu đô thị trong tương lai.

Đối với quy hoạch mạng lưới cầu qua sông Hàn, đề xuất bổ sung 2 cầu mới tại vị trí cuối tuyến đường Đống Đa và từ đường Phan Đình Phùng sang sông Hàn qua đường Nguyễn Công Trứ. Hai cầu mới này xác định tính chất, quy mô đầu tư. Đối với cầu qua sông Hàn tại cuối tuyến đường Đống Đa phải phục vụ các phương tiện giao thông, trừ ô-tô tải.

Đối với cầu qua sông Hàn vị trí đường Phan Đình Phùng sang đường Nguyễn Công Trứ, cần xem xét thay vì làm cầu, thì làm hầm qua sông để liên kết với hệ thống tàu điện ngầm kết nối các hoạt động tham quan, mua sắm ở các khu vực xung quanh với khu vực trung tâm thành phố như: chợ Hàn, quảng trường trung tâm, công viên, bảo tàng; đồng thời tạo không gian thoáng đãng trục cảnh quan đường Bạch Đằng, tránh tình trạng gây ùn tắc giao thông ở các nút giao như Bạch Đằng - Hùng Vương và cũng làm thoáng đãng dòng sông Hàn.

Về giao thông đường sắt, Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường thành phố đề xuất trên cơ sở thống nhất với Bộ Giao thông vận tải về tuyến đường sắt mới được định hướng, thì cần phân chia phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1, bắt đầu tư ga hàng hóa cảng Liên Chiểu (ga Kim Liên) đến đoạn nối vào tuyến đường sắt quốc gia mới và đoạn cuối của tuyến đường sắt hiện tại (ga Lệ Trạch) nối vào tuyến đường sắt quốc gia mới (tuyến quá độ quy hoạch đầu tư mới), thì hoạt động của đường sắt hiện tại đến năm 2030 không bị ảnh hưởng gì cho toàn bộ hoạt động các tuyến đường sắt vào ga Đà Nẵng hiện nay.

Ga Đà Nẵng là công trình lịch sử địa phương nên cần tôn tạo, giữ lại để làm trung tâm quản lý điều hành hệ thống giao thông đô thị, trong đó có hoạt động giao thông đường sắt đô thị, tàu điện. Về quy hoạch giao thông đô thị, cần bổ sung quy hoạch các tuyến đường đi bộ, đi xe đạp để gia tăng các hình thức giao thông thân thiện với môi trường, hỗ trợ dịch vụ phát triển du lịch nhất là khu vực ven bờ sông, bãi biển, các tuyến đường trung tâm thành phố.

TRIỆU TÙNG ghi

;
;
.
.
.
.
.