Mặc dù nông dân và doanh nghiệp của thành phố không có hoạt động xuất khẩu nông sản cũng như không xuất khẩu nông sản qua biên giới, nhưng hoạt động sản xuất nông nghiệp của thành phố cũng bị ảnh hưởng do Covid-19. Hiện các đơn vị, địa phương đang có những giải pháp thúc đẩy sản xuất nông nghiệp.
Vượt qua nhiều khó khăn, nông dân ở Đà Nẵng vẫn bội thu vụ lúa đông xuân. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Những ngày qua, nhiều nông dân của thành phố vui mừng vì bội thu lúa vụ đông xuân với năng suất trung bình đến 63,8 tạ/ha, cao hơn vụ đông xuân năm ngoái 2,5 tạ/ha. Trong đó, huyện Hòa Vang đạt năng suất trung bình hơn 64 tạ/ha. Cùng với đó, giá thu mua lúa có lúc lên đến 6.500-7.000 đồng/kg, cao hơn vụ đông xuân năm ngoái, song vẫn có không ít khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ lúa.
Ông Phan Ngọc Hưng, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ sản xuất - kinh doanh tổng hợp (DVSX-KDTH) số 1 Hòa Châu cho hay, do ảnh hưởng của Covid-19 nên các đơn vị tiêu thụ chậm đến thu mua lúa của các hộ nông dân trong HTX. Vì thế, HTX đang động viên các hộ nông dân phơi lúa và cất giữ kỹ càng để chờ được thu mua.
Còn ông Nguyễn Thảo, Giám đốc HTX DVSX-KDTH số 1 Hòa Tiến than thở, do ảnh hưởng của việc cách ly xã hội nên đầu tháng 4-2010, HTX không thể huy động đông người để phân loại lúa, làm nhiều lúa tạp lẫn trong lúa giống nên chỉ có thể cung ứng được 50% khối lượng lúa giống theo đơn đặt hàng, còn lại phải chuyển sang lúa ăn, có giá trị thấp hơn. Tuy vậy, HTX vẫn đang thu mua lúa với giá cao hơn thị trường để hỗ trợ cho các hộ nông dân.
Theo UBND huyện Hòa Vang, các mặt hàng nông sản trên địa bàn Hòa Vang chủ yếu phục vụ tiêu thụ tại địa phương và chưa hình thành sản phẩm hàng hóa lớn nhưng tình hình dịch bệnh cũng ảnh hưởng, làm giảm nhẹ về mặt sản xuất và tiêu thụ nông sản (giá trị sản xuất ngành nông nghiệp trong quý 1-2020 của huyện Hòa Vang chỉ đạt 180 tỷ đồng, giảm 4,02% so với cùng kỳ năm 2019). Tình hình thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp khó khăn hơn do các nhà đầu tư dè chừng trong bối cảnh còn dịch bệnh, sợ rủi ro.
Ông Phạm Nam Sơn, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho hay, huyện đã và đang có những giải pháp hỗ trợ người dân trong việc tiêu thụ hàng nông sản do ảnh hưởng của Covid-19, đồng thời xây dựng kế hoạch tổ chức hội chợ nông sản Hòa Vang để thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Theo ông Sơn, địa phương chú trọng phát triển nông nghiệp toàn diện, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, tăng năng suất chất lượng sản phẩm nông nghiệp phục vụ đô thị; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch gắn với du lịch sinh thái; thực hiện tốt các bước chuẩn bị để đưa lao động nông nghiệp sang làm việc có thời hạn tại Hàn Quốc ngay sau khi hết Covid-19.
Đối với các mô hình sản xuất có hiệu quả, các vùng sản xuất chuyên canh rau an toàn, ứng dụng công nghệ cao, huyện sẽ nhân rộng và chỉ đạo sản xuất lúa vụ hè thu cũng như mở rộng diện tích sản xuất lúa theo hướng hữu cơ tại các địa phương; chủ động phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi và triển khai các giải pháp tái đàn heo, khôi phục ngành chăn nuôi sau dịch tả heo châu Phi…
Ông Nguyễn Phú Ban, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, do nông dân và doanh nghiệp thành phố không có sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu nên không có thiệt hại lớn. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 đến nay, tình hình dịch bệnh đã có những ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông-lâm-ngư nghiệp.
Sở đã tập trung chỉ đạo các đơn vị liên quan chủ động hướng dẫn nông dân và ngư dân tập trung sản xuất nên giá trị sản xuất nông-lâm-thủy sản cũng đạt mức 440 tỷ đồng, tăng 3,77% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang theo dõi, chỉ đạo sản xuất vụ hè thu và tập trung đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông nghiệp sạch, xây dựng mô hình sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị và thu hút đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Song song đó, công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, con vật nuôi, chú trọng phòng ngừa, kiểm soát dịch bệnh ở gia súc, gia cầm, chủ động tái sản xuất đàn heo sau dịch tả heo châu Phi cũng được chú trọng; đồng thời tăng cường hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp, HTX nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, cấp chứng nhận VietGAP, hữu cơ, sản phẩm an toàn và tăng cường công tác kết nối cung - cầu sản phẩm nông nghiệp.
Ngoài ra, Sở cũng lưu ý đến việc chống hạn, xâm nhập mặn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu; tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương thực hiện các chính sách phát triển thủy sản; tuyên truyền vận động ngư dân tăng cường bám biển khai thác hải sản, góp phần phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển đảo...
HOÀNG HIỆP