Nỗi lo nhân lực ngành du lịch

.

Dịch bệnh diễn ra khiến nhiều lao động trong ngành du lịch bị mất việc, nghỉ tạm thời... Nhiều người đã phải vất vả xoay sở sang các công việc khác hoặc về quê để duy trì cuộc sống. Chủ doanh nghiệp lo ngại khi dịch bệnh qua đi, nguồn nhân lực của ngành công nghiệp không khói sẽ có sự thay đổi, xáo trộn, nếu không có giải pháp phù hợp sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, dịch vụ khi các hoạt động của ngành được phục hồi.

Covid-19 khiến nhiều lao động trong ngành du lịch phải nghỉ việc, tìm việc mới. Trong ảnh: Hướng dẫn viên quốc tế (trái) đang hướng dẫn du khách tham quan tại Khu Di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn. (Ảnh chụp tháng 12-2019)  Ảnh: NHẬT HẠ
Covid-19 khiến nhiều lao động trong ngành du lịch phải nghỉ việc, tìm việc mới. TRONG ẢNH: Hướng dẫn viên quốc tế (trái) đang hướng dẫn du khách tham quan tại Khu Di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn. (Ảnh chụp tháng 12-2019) Ảnh: NHẬT HẠ

Ngay từ đợt dịch đầu tiên, anh L.V.H., hướng dẫn viên tiếng Anh (trú tổ 76, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà), đã phải nghỉ làm vì không có khách. Trong thời gian dịch bệnh xảy ra, anh rất lo lắng vì không có nguồn thu, kinh tế gia đình bị ảnh hưởng.

Ngoài việc ở nhà chăm sóc hai đứa con, vợ anh bán hàng online, thỉnh thoảng anh phụ vợ đi giao hàng. Anh bày tỏ lo ngại, lâu không được đi làm rất nhớ nghề, nghề nào cũng phải có sự thực hành, làm thường xuyên thì mới tốt được. Vì thế, tạm thời trước mắt, anh vừa ở nhà, vừa đọc sách, tích lũy thêm kiến thức…

Cũng như đội ngũ hướng dẫn viên, đội ngũ nhân viên của các cơ sở lưu trú cũng bị ảnh hưởng rất nhiều do dịch bệnh. Phó Chủ tịch Hội khách sạn Đà Nẵng, Tổng Giám đốc Khu nghỉ dưỡng Furama Đà Nẵng Nguyễn Đức Quỳnh cho hay, Covid-19 kéo dài đã khiến các khách sạn tại Đà Nẵng từ mở cửa cầm chừng cho đến đóng cửa hoàn toàn.

“Hiện có 95% nhân viên các khách sạn được cho nghỉ việc để hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc hưởng hỗ trợ của Chính phủ. Đa số nhân viên khách sạn tại Đà Nẵng là người ngoại tỉnh nên đã trả phòng trọ để về quê kiếm sống, số khác đã phải bán bớt vật dụng để có thể sống ở mức tằn tiện. Ngay sau khi giãn cách xã hội đợt 2 được dỡ bỏ, chúng tôi đã tăng cường các công tác duy tu, bảo dưỡng, cải tạo cảnh quan và sử dụng lượng nhân sự đang nghỉ thất nghiệp để có thể hỗ trợ anh, chị em”, ông Nguyễn Đức Quỳnh chia sẻ.

Hiện nay, các cơ sở lưu trú đã được mở cửa đón khách, khoảng 10-15% khách sạn đã mở cửa trở lại. Cuối tuần cũng có 3-4 phòng được khách đặt, chủ yếu để cho các nhân viên có việc làm, dần quay trở lại với công việc, chăm sóc khách hàng, tránh tình trạng quên nghề. Ngay tại Khu nghỉ dưỡng Furama Đà Nẵng và Cung hội nghị quốc tế Ariyana trước khi dịch bệnh xảy ra có 816 nhân viên, sau hai đợt dịch bệnh, hiện khu nghỉ dưỡng này vẫn giữ 199 nhân sự, còn lại cho hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Khi nhân viên đã nghỉ việc để hưởng bảo hiểm thất nghiệp, họ có quyền xin việc và đi làm ở bất kỳ đâu. Vì vậy, các khách sạn phải có cách giữ chân nhân viên như tạo công ăn việc làm, đào tạo qua mạng, trao đổi thông tin thường xuyên hoặc trợ cấp phần nào cho nhân viên…

“Ngành du lịch là một trong những ngành sử dụng lượng nhân sự nhiều nhất, vì vậy, khi ngành này bị tổn thương thì ảnh hưởng rất nhiều tới xã hội. Chúng tôi mong Chính phủ có những hỗ trợ hiệu quả hơn cho các doanh nghiệp du lịch và khách sạn, từ đó tạo công ăn việc làm cho người lao động”, ông Nguyễn Đức Quỳnh đề xuất.

Chủ tịch HĐQT Công ty Dịch vụ lữ hành Kết nối mới (Necotour) Nguyễn Văn Tài phân tích, các hoạt động của ngành du lịch tại Đà Nẵng thời gian qua gần như đứng im, vì vậy, người lao động trong ngành cũng phải xoay sở, tìm nguồn sống để vượt qua dịch bệnh. Qua nắm tình hình, nhiều lao động cũng tạm thời chuyển nghề để duy trì cuộc sống.

Giai đoạn này các doanh nghiệp du lịch gần như đuối sức, kiệt quệ về tài chính, thậm chí có nhiều doanh nghiệp tạm dừng hoạt động kinh doanh nên rất khó hoặc không hỗ trợ được nhiều cho người lao động. Do đó, muốn người lao động sống được thì trước tiên doanh nghiệp phải duy trì hoạt động, Nhà nước có thể hỗ trợ các doanh nghiệp bằng các giải pháp tài chính như cho vay ngắn hạn, lãi suất thấp, giãn nợ cũ… hoặc hoàn tiền ký quỹ cho doanh nghiệp. Khi có kinh phí, các doanh nghiệp du lịch sẽ gầy dựng lại hoạt động, có tiền trả lương cho người lao động…

Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố cho biết, thống kê sơ bộ của Sở Du lịch thành phố, từ đầu tháng 8 tới nay ước khoảng 31.874 người/50.963 người, chiếm 62,5% tổng số lao động phải tạm ngừng, nghỉ việc (số lao động này chưa bao gồm đội ngũ nhân viên nhà hàng, giáo viên giảng dạy, cán bộ, công nhân viên quản lý Nhà nước về du lịch).

Trong đó, ước tính số lao động tạm ngừng, nghỉ việc đến tháng 8 tại các doanh nghiệp lữ hành khoảng 1.800/1.848 lao động, chiếm 97,8%, tại các doanh nghiệp vận chuyển du lịch khoảng 2.599/3.042 lao động, chiếm 85,4%, số nhân viên tạm nghỉ không lương, mất việc tại các cơ sở lưu trú du lịch khoảng 25.983 nhân viên, tương ứng với 93% nhân viên thời điểm cuối năm 2019.

Đà Nẵng có khoảng 4.578 hướng dẫn viên du lịch cả nội địa và quốc tế, sau khi dịch bùng phát lần thứ 2 thì các hướng dẫn viên đã không còn việc làm. Nhiều người chủ động chuyển sang ngành nghề khác để kiếm sống. Các khu, điểm du lịch tư nhân bố trí 40% nhân viên làm việc luân phiên để bảo trì, bảo dưỡng tài sản và vệ sinh, chăm sóc cảnh quan khu, điểm du lịch, 60% nhân viên tạm nghỉ việc. Hiện một số doanh nghiệp chủ yếu duy trì một số bộ phận nhân viên để xử lý các hợp đồng và thủ tục, hoàn, hủy tour và các thủ tục liên quan, hỗ trợ lái xe phục vụ các bác sĩ, nhân viên y tế, bệnh nhân; các cơ sở lưu trú du lịch phần lớn duy trì một số nhân viên là bảo vệ, kỹ thuật, buồng phòng, lễ tân và một số nhân viên quản lý chủ chốt.

Ông Nguyễn Xuân Bình cho biết thêm, ngành du lịch đang phối hợp Sở Tài chính tham mưu UBND thành phố bố trí kinh phí đào tạo, tập huấn kiến thức và kỹ năng cho nguồn nhân lực phục vụ trong ngành du lịch; tổ chức các lớp đào tạo miễn phí, hỗ trợ doanh nghiệp, chuẩn bị về nghiệp vụ, lên ngân sách, chiến lược ứng phó hậu Covid-19…

Sở Du lịch cũng kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành chức năng xem xét, hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc về thủ tục, điều kiện để người lao động ngành du lịch thuận lợi thụ hưởng chính sách hỗ trợ.

Tiếp đó, cho phép hướng dẫn viên du lịch sau khi có giấy xác nhận thất nghiệp, nghỉ việc của Hội hướng dẫn viên hoặc doanh nghiệp du lịch có thể tiếp cận được ngay chính sách hỗ trợ; bổ sung chính sách hỗ trợ đối với người lao động sau khi hết thời hạn bảo hiểm thất nghiệp, chịu ảnh hưởng kéo dài do dịch bệnh và chính sách hỗ trợ cho lao động có con nhỏ dưới 3 tuổi; xem xét ban hành gói hỗ trợ thất nghiệp tại các doanh nghiệp kinh doanh du lịch; mở rộng đối tượng thuộc lao động tự do ngành nghề phục vụ du lịch được thụ hưởng chính sách hỗ trợ…

NHẬT HẠ

;
;
.
.
.
.
.