Kinh tế

Vận hành nhà máy công nghệ cao SMT đầu tiên ở miền Trung

09:07, 17/10/2020 (GMT+7)

Đà Nẵng đã tổ chức hội nghị bàn tròn doanh nghiệp tại thung lũng Silicon - Hoa Kỳ vào ngày 19-8-2019, do Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ chủ trì, kết nối hợp tác trực tiếp giữa nhà đầu tư Hoa Kỳ với Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group), hình thành nhà máy công nghệ cao SMT đầu tiên ở miền Trung tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng.

Dự án nghiên cứu, sản xuất, lắp ráp thiết bị điện tử công nghệ cao SMT triển khai ứng dụng, ươm tạo công nghệ tiên tiến tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Ảnh: TRIỆU TÙNG
Dự án nghiên cứu, sản xuất, lắp ráp thiết bị điện tử công nghệ cao SMT triển khai ứng dụng, ươm tạo công nghệ tiên tiến tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Ảnh: TRIỆU TÙNG - Đồ họa: MAI ANH

Phó Giám đốc Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư thành phố Đỗ Thị Quỳnh Trâm cho biết, hoạt động xúc tiến đầu tư do Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ làm trưởng đoàn tại Hoa Kỳ đã đem lại kết quả thiết thực. Theo đó, Công ty CP phát triển Khu công nghệ thông tin Đà Nẵng (DITP - thuộc Trung Nam Group) đã gặp các nhà đầu tư Hoa Kỳ và hiện thực hóa cam kết phối hợp ứng dụng công nghệ SMT vào hệ thống sản xuất tại Đà Nẵng và cùng thu hút các dự án đầu tư vào Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Theo đó, ngày 28-5-2020, dự án “Nhà máy nghiên cứu, sản xuất, lắp ráp thiết bị điện tử công nghệ cao SMT” do DITP đầu tư với sự hỗ trợ của các chuyên gia đến từ Silicon Valley, Hoa Kỳ được triển khai tại khu “Ươm tạo doanh nghiệp” Khu Công nghệ cao Đà Nẵng.

Dự án có quy mô nhà xưởng 1.000m2 với tổng vốn đầu tư hơn 7 triệu USD. Các thiết bị sản xuất của dự án được nhập khẩu từ Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, với 3 dây chuyền đã lắp đặt thành công và sẵn sàng đi vào hoạt động. Đây là dự án đầu tiên được triển khai ứng dụng, ươm tạo công nghệ tiên tiến tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng.

Hiện nhân lực phục vụ dự án được tuyển dụng 100% từ các trường đại học của thành phố (Khoa Điện tử - Viễn thông, Công nghệ thông tin, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng). Với việc đưa vào hoạt động 3 dây chuyền của dự án, DITP đang từng bước xây dựng, đào tạo nguồn nhân lực, kỹ sư có trình độ cao, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế để tiếp tục phát triển đồng loạt các nhà máy, phân khu sản xuất chuyên dụng cho ngành công nghệ thông tin trong tương lai.

Ngày 8-10, đến thăm dự án công nghệ cao SMT, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đánh giá cao nỗ lực của DITP trong việc hiện thực hóa tầm nhìn và sứ mệnh xây dựng cộng đồng công nghệ thông tin tốt nhất châu Á tại Đà Nẵng. Điều này thể hiện tâm huyết của lãnh đạo thành phố trong công tác xúc tiến đầu tư, mong muốn đẩy mạnh và phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, tạo nền tảng cho sự phát triển công nghiệp công nghệ thông tin - một trong 5 ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố.

Tổng Giám đốc Trung Nam Group Nguyễn Tâm Tiến cho biết, đơn vị đã nỗ lực vượt qua những tác động Covid-19 để nhập khẩu thiết bị máy của hãng Yamaha sản xuất tại Nhật Bản. Thiết bị mới 100% và nguyên đai nguyên kiện gồm máy đính linh kiện, loại máy YSM20R-2; máy quét hỗn hợp hàn (loại máy YCP-10); máy kiểm tra hỗn hợp hàn (loại máy Ysi-SP); máy kiểm tra mối hàn bằng quang học (loại máy Ysi-V). Trung Nam Group mong muốn lãnh đạo thành phố tiếp tục hỗ trợ để nhà đầu tư hiện thực hóa tầm nhìn và sứ mệnh xây dựng cộng đồng công nghệ thông tin tốt nhất châu Á tại Đà Nẵng, đáp ứng những kỳ vọng về một Đà Nẵng phát triển bền vững ngay từ hôm nay và mai sau.

Được biết, tính tới thời điểm hiện tại, công nghệ cao SMT chủ yếu được triển khai ở một số tỉnh, thành miền Bắc và miền Nam. Tại Đà Nẵng, đây là công nghệ mới được đầu tư với mục tiêu thử nghiệm và sau đó sẽ được nhân rộng ra toàn thành phố và cả khu vực miền Trung, góp phần phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao của thành phố.

Công nghệ của dự án phù hợp với mục tiêu phát triển công nghiệp công nghệ cao của chiến lược phát triển kinh tế thành phố Đà Nẵng đã đặt ra tại Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tiếp sau dự án nhà máy công nghệ cao SMT đưa vào vận hành từ ngày 17-10-2020, sau 6 tháng thi công và hoàn thành, tại phân khu A2 Khu công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng (Danang IT Park), Trung Nam Group thông qua đơn vị thành viên là DITP đầu tư thêm 5 nhà máy chuyên dụng ICT quy mô 2 tầng, nhà xưởng công nghệ cao theo tiêu chuẩn quốc tế được thiết kế ý tưởng từ đơn vị tư vấn ADA (Mỹ) theo mô hình thung lũng Silicon dự kiến được đưa vào khai thác vào cuối năm 2021.

Tổng Giám đốc DITP Nguyễn Anh Huy cho biết, dự án “Nhà máy nghiên cứu, sản xuất, lắp ráp thiết bị điện tử công nghệ cao SMT” là kết quả của quá trình “thai nghén”, kêu gọi và hợp tác đầu tư với những chính sách thu hút ưu đãi của thành phố Đà Nẵng. Đối với Da Nang IT Park mà DITP đang làm chủ đầu tư, ông Huy cho biết: “Chúng tôi luôn tạo điều kiện tốt nhất từ cơ sở hạ tầng, đến các chính sách đầu tư hấp dẫn để hỗ trợ các nhà đầu tư yên tâm đầu tư vào Da Nang IT Park.

Ngoài ra, DITP còn rất chú trọng tới môi trường làm việc, phát triển các dịch vụ tiện ích, phục vụ cho nhu cầu sống và làm việc của các chuyên gia, đối tác, người lao động, góp phần tạo môi trường sống chuyên nghiệp, hiện đại và chất lượng cao, giữ chân nhân tài”.

Với nhu cầu ngày càng gia tăng và xu hướng dịch chuyển các nhà máy sản xuất sang các môi trường ổn định và có nguồn nhân công dồi dào, DITP đã nhanh chóng nắm bắt xu thế và chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng đón làn sóng đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực phát triển công nghệ thông tin, công nghiệp phụ trợ, góp phần hiện thực hóa tầm nhìn, chiến lược phát triển kinh tế của thành phố Đà Nẵng.

Với nhiều lợi thế về cơ sở hạ tầng cho ngành công nghệ thông tin và nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, Đà Nẵng sẽ sớm trở thành lựa chọn lý tưởng cho các nhà đầu tư. Ông Nguyễn Anh Huy mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của UBND thành phố đối với việc giao đất để nhà đầu tư triển khai giai đoạn 2 đối với  Danang IT Park.

Công nghệ SMT là viết tắt của Surface Mount Technology, để chỉ ngành điện tử với công nghệ bo mạch hay còn được gọi với cái tên phổ biến hơn là dán bề mặt, công nghệ chính được sử dụng để lắp ráp PCB trong ngành sản xuất điện tử. Trong đó, các linh kiện được gắp lên (pick up) khỏi các vị trí đặt linh kiện và đặt (place) vào vị trí đúng của nó trên bản mạch in. Các máy SMT bảo đảm cho việc pick up và place được thực hiện với sai số cực nhỏ, bởi các máy SMT là các máy cơ khí chính xác điều khiển bằng máy tính được trang bị những công nghệ hiện đại nhất.

TRIỆU TÙNG

.