Giải pháp đẩy mạnh thu hút đầu tư năm 2021

.

Đà Nẵng chọn năm 2021 là “Năm khôi phục tăng trưởng và đẩy mạnh phát triển kinh tế”, trong đó thu hút đầu tư được xem là nhiệm vụ chính trị quan trọng nhằm huy động các nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội. Báo Đà Nẵng ghi nhận ý kiến của các doanh nghiệp trong và ngoài nước hiến kế để thành phố đẩy mạnh thu hút đầu tư, thực hiện mục tiêu trong giai đoạn tới.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ mong muốn được thành phố hỗ trợ mặt bằng sản xuất. TRONG ẢNH: Sản xuất tại Công ty CP Cao su Đà Nẵng.  									                   Ảnh: XUÂN SƠN
Doanh nghiệp vừa và nhỏ mong muốn được thành phố hỗ trợ mặt bằng sản xuất. TRONG ẢNH: Sản xuất tại Công ty CP Cao su Đà Nẵng. Ảnh: XUÂN SƠN

Ông Lee Sungyung, Tổng Giám đốc Văn phòng Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) tại Đà Nẵng: Khuyến khích các công ty hiện tại mở rộng đầu tư

Bây giờ là lúc tập trung khuyến khích các công ty hiện có mở rộng đầu tư bằng cách giải quyết các khó khăn trong quá trình đầu tư kinh doanh của họ. Tôi đề xuất chính quyền thành phố tạo nhiều cơ hội và diễn đàn để lắng  nghe  tiếng  nói  của  các  doanh  nghiệp và nhà đầu tư. Đặc biệt, nên tổ chức nhiều sự kiện nhỏ để tập trung vào các quốc gia cụ thể hoặc các ngành cụ thể. Điều này có ý nghĩa rất lớn đối với doanh nghiệp, tôi hy vọng rằng những sự kiện như vậy sẽ được tổ chức thường xuyên trong tương lai. Trong việc thu hút đầu tư, phương pháp “không tiếp xúc” trong bối cảnh Covid-19 có thể rất hữu ích.

Chúng tôi đánh giá cao việc thành phố Đà Nẵng đã tổ chức chương trình hội thảo trực tuyến cho các công ty Hàn Quốc với chủ đề “Đà Nẵng, thành phố công nghiệp công nghệ cao” vào đầu tháng 12-2020. Trong thời gian tới, nếu Đà Nẵng tiếp tục tổ chức các hội thảo tương tự cho các công ty Hàn Quốc, KOTRA Đà Nẵng luôn sẵn sàng hợp tác.

Ông Ikeda Naoatsu, Công ty TNHH Daiwa Việt Nam (Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu): Cải thiện nguồn nhân lực, khuyến khích các công ty “xanh” hóa

Đã 15 năm hoạt động ở Đà Nẵng, tôi thấy thành phố có lợi thế về nguồn lực con người. Nhân lực làm việc tại công ty chúng tôi có thái độ làm việc khá nghiêm túc và có tay nghề. Con người Đà Nẵng cũng rất thân thiện. Hơn nữa, di chuyển tại Đà Nẵng rất thuận lợi, chỉ khoảng 30 phút để có thể di chuyển từ sân bay đến các khu công nghiệp, điểm du lịch… Tôi chắc rằng có rất nhiều nhân lực trẻ tại các tỉnh, thành phố lân cận muốn đến Đà Nẵng làm việc và sinh sống.

Tuy nhiên, vấn đề thiếu hụt nhân lực vẫn đang tiềm tàng, thậm chí có thể trở nên nghiêm trọng hơn khi ngành du lịch được khôi phục. Đặc biệt, làn sóng công nghiệp hóa tại các địa phương lân cận Đà Nẵng đang diễn ra mạnh mẽ, gây nên sự lo ngại về thiếu hụt nguồn nhân lực. Do đó, chúng tôi rất mong thành phố nỗ lực hơn nữa để cải thiện môi trường sống như: phát triển hệ thống nhà ở giá rẻ cho công nhân lao động, thu hút nhân lực từ các nơi đến Đà Nẵng làm việc.

So với khi chúng tôi bắt đầu hoạt động vào năm 2006, thành phố đã nỗ lực rất nhiều trong việc cải thiện đáng kể nguồn cung điện và nước. Tuy nhiên, khi công nghiệp hóa và du lịch tiếp tục phát triển và mở rộng, chúng ta cần phải bảo đảm nguồn cung tương ứng. Đà Nẵng có thể xem xét xây dựng hệ thống chứng nhận nhà máy “xanh”, điều này sẽ khuyến khích các công ty phát triển theo hướng “xanh” hóa. Ở công trình Nhà máy sản xuất dụng cụ thể dục thể thao (Khu Công nghiệp Hòa Khánh), chúng tôi sẽ giảm tiêu thụ nước và làm mát bằng cách thúc đẩy vòng lọc tuần hoàn của nước đã qua xử lý. Đồng thời, giảm lượng điện sử dụng bằng cách sử dụng tích cực hệ thống tấm đệm và kính chắn nhiệt.

Thành phố đang khuyến khích các công ty hiện hữu mở rộng đầu tư.  Trong ảnh: Công nhân làm việc tại Công ty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường, quận Cẩm Lệ. Ảnh: PHONG LAN
Thành phố đang khuyến khích các công ty hiện hữu mở rộng đầu tư. TRONG ẢNH: Công nhân làm việc tại Công ty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường, quận Cẩm Lệ. Ảnh: PHONG LAN

Ông Trần Hồng Sơn, Tổng Giám đốc Công ty CP Long Hậu (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang): Sớm đưa khu công nghiệp hỗ trợ Khu Công nghệ cao vào hoạt động

Các doanh nghiệp sản xuất công nghệ cao, đặc biệt là doanh nghiệp quy mô lớn và sử dụng nhiều chi tiết cấu thành sản phẩm sẽ cần rất nhiều nhà cung cấp đi kèm. Những nhà cung cấp này được yêu cầu đặt cơ sở sản xuất gần kề hoặc không quá 30 phút di chuyển bằng đường bộ để bảo đảm cung ứng liên tục. Tuy nhiên, trong số này có rất nhiều nhà cung cấp không đạt tiêu chí để được công nhận là doanh nghiệp sản xuất công nghệ cao hoặc sản xuất phụ trợ công nghệ cao theo các quy định hiện hành. Từ thực tế đó, chúng tôi kiến nghị thành phố sớm đưa khu công nghiệp hỗ trợ khu công nghệ cao vào hoạt động để có thêm quỹ đất thu hút các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Tại đó, thành phố có thể hỗ trợ cơ sở vật chất, các dịch vụ hỗ trợ… để thu hút doanh nghiệp đến đầu tư.

Ngoài ra, trong quá trình xúc tiến đầu tư cũng như đưa các nhà đầu tư đến Đà Nẵng tham quan, tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy có hai điểm chính đang gây cản trở trong việc đưa ra quyết định đầu tư. Đó là nguồn lao động chất lượng cao và hạ tầng xã hội hỗ trợ người lao động tại khu vực xung quanh khu công nghệ cao chưa đủ đáp ứng nhu cầu. Hạ tầng xã hội có thể kể đến như hệ thống nhà xưởng xây sẵn có diện tích nhỏ, các dịch vụ hỗ trợ pháp lý và tư vấn đầu tư, nhà lưu trú cho người lao động… Chúng tôi mong thành phố quan tâm và xây dựng chương trình hành động cụ thể để cải thiện các điểm trên, tăng khả năng thu hút đầu tư cũng như phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố.

Ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Đà Nẵng: Chú trọng xúc tiến và thu hút đầu tư trong nước

Tôi cho rằng, Đà Nẵng không chỉ đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài mà còn cần có chính sách tăng cường xúc tiến, thu hút đầu tư trong nước, kêu gọi các tập đoàn kinh tế lớn trong nước về đầu tư tại thành phố, từ đó tạo nên nhiều việc làm cho doanh nghiệp và người lao động, tăng thu ngân sách cho thành phố.

Để làm được điều đó, Đà Nẵng cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường tính minh bạch, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, công khai các dự án đầu tư cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư biết rõ để tham gia. Đà Nẵng hiện là một trong những tỉnh, thành phố tiên phong tháo gỡ các vướng mắc thủ tục hành chính. Để phát huy thế mạnh này, tôi đề nghị thành phố khuyến khích thành lập các công ty tư vấn uy tín nhằm hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thành các thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật một cách nhanh chóng.

Bên cạnh đó, chúng tôi mong muốn thành phố có các chính sách hỗ trợ cụ thể cho doanh nghiệp vừa và nhỏ để hồi phục phát triển kinh tế sau Covid-19 như: hướng dẫn cho vay để doanh nghiệp trả lương ngừng việc cho người lao động (đặc biệt là trường hợp nghỉ luân phiên để bảo đảm nguồn nhân lực phục vụ sản xuất); hỗ trợ mặt bằng sản xuất cho doanh nghiệp…

PHONG LAN tổng hợp

;
;
.
.
.
.
.