Giải bài toán thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển mới

.

Sau 5 năm kể từ khi Thành ủy ban hành Kết luận số 30-KL/TU ngày 26-4-2016 về “Đẩy mạnh thu hút đầu tư giai đoạn 2016 - 2020”, Đà Nẵng đã đạt được nhiều thành quả đáng kể, đưa thành phố trở thành một trong những điểm đến uy tín, có sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong giai đoạn mới, Đà Nẵng sẽ khắc phục các bất cập, tập trung vào 6 nhóm giải pháp cụ thể, tận dụng hiệu quả làn sóng chuyển dịch và đa dạng dòng vốn đầu tư trên toàn thế giới trong và sau Covid-19.

Sản xuất công nghiệp công nghệ cao đang từng bước hình thành và phát triển trên địa bàn thành phố.  Trong ảnh: Sản xuất thiết bị điện tử tại Nhà máy sản xuất, lắp ráp thiết bị điện tử công nghệ cao SMT tại Khu Công nghệ cao. Ảnh: TRIỆU TÙNG
Sản xuất công nghiệp công nghệ cao đang từng bước hình thành và phát triển trên địa bàn thành phố. Trong ảnh: Sản xuất thiết bị điện tử tại Nhà máy sản xuất, lắp ráp thiết bị điện tử công nghệ cao SMT tại Khu Công nghệ cao. Ảnh: TRIỆU TÙNG

5 năm thu hút gần 700 dự án đầu tư

Theo số liệu từ Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư thành phố, giai đoạn 2016 - 2020, Đà Nẵng thu hút được 163 dự án vốn đầu tư trong nước (tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 76.100 tỷ đồng) và 530 dự án vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cấp mới (tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1,040 tỷ USD). Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp bình quân hơn 9% giá trị gia tăng nền kinh tế thành phố, tạo việc làm cho hơn 93.100 lao động. Các dự án đầu tư đã thúc đẩy xây dựng thương hiệu điểm đến đầu tư của Đà Nẵng. Đặc biệt, các dự án FDI còn thúc đẩy thành phố hội nhập quốc tế, thiết lập quan hệ hợp tác quốc tế trên nhiều lĩnh vực.

Để đạt được kết quả trên, giai đoạn 2016 - 2020, thành phố xây dựng và thực hiện nhiều nhiệm vụ đẩy mạnh và hỗ trợ xúc tiến đầu tư. UBND thành phố đã chỉ đạo nghiên cứu, ban hành 14 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chính sách, cơ chế hỗ trợ đầu tư; đồng thời sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách không còn phù hợp. Bên cạnh đó, thành phố đã hoàn thiện đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai các thủ tục hình thành khu/cụm công nghiệp mới thân thiện với môi trường; đầu tư xây dựng và thành lập Khu Công nghệ thông tin tập trung (huyện Hòa Vang); lập quy hoạch một số vị trí trong Khu Công nghệ cao để kêu gọi đầu tư. Trong cải cách hành chính, thành phố đã công bố 31 lượt bộ thủ tục hành chính của các đơn vị liên quan đến hoạt động đầu tư và kinh doanh; chỉ đạo rà soát và kiến nghị đơn giản hóa 112 thủ tục hành chính, góp phần giảm tải chi phí cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.

Nhằm đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư, Đà Nẵng đã đa dạng hóa các kênh quảng bá, tiếp cận nhà đầu tư, đặc biệt là tại các thị trường trọng điểm, mang tính chiến lược, lãnh đạo thành phố trực tiếp tham gia các hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư ở nước ngoài. Đồng thời, duy trì và đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế (Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản - JETRO, Cơ quan Xúc tiến thương mại Hàn Quốc - KOTRA, Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Âu - EUROCHAM…). Trong bối cảnh Covid-19 lan rộng toàn cầu vào năm 2020, thành phố chủ động thay đổi phương thức xúc tiến từ trực tiếp sang trực tuyến. Xác định các nhà đầu tư hiện hữu là “cánh tay nối dài” của hoạt động xúc tiến đầu tư, Đà Nẵng đã tăng cường hỗ trợ đầu tư tại chỗ. Lãnh đạo thành phố định kỳ làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp trên địa bàn nhằm giải quyết kiến nghị, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như Diễn đàn đầu tư 2017, Tọa đàm mùa Xuân 2018 và 2019…

Tuy nhiên, thời gian qua, công tác thu hút đầu tư tại Đà Nẵng còn gặp không ít bất cập. Các dự án án vốn trong nước chủ yếu thuộc lĩnh vực bất động sản, dịch vụ khách sạn, nghỉ dưỡng; thu hút vào khu công nghiệp và Khu Công nghệ cao chỉ chiếm chưa đến 10%. Trong khi đó, thu hút FDI từ các doanh nghiệp lớn còn hạn chế, dự án có vốn đăng ký nhỏ và siêu nhỏ chiếm tỷ trọng cao. Quỹ đất sạch ngoài khu công nghiệp hiện có diện tích nhỏ nên việc giới thiệu địa điểm đầu tư cho các dự án có quy mô sử dụng đất trên 5ha gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, một trong những điểm yếu của thành phố là tính kết nối giữa giao thông đường bộ và giao thông đường thủy thấp, tạo chia cắt trong giao thông nội bộ. Các doanh nghiệp sản xuất trong Khu Công nghệ cao khi vận chuyển hàng hóa ra Cảng Đà Nẵng phải di chuyển bằng đường nội đô, làm tăng thời gian và chi phí vận chuyển. Thực tế hiện nay, Đà Nẵng vẫn chưa đạt đủ tiềm năng trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng lớn. Thành phố vẫn còn thiếu nguồn nhân lực về cả chất và lượng, đặc biệt là lực lượng lao động lành nghề như công nhân kỹ thuật, nhân sự quản lý điều hành, chuyên giao cấp cao.... Ngoài ra, tiềm lực tài chính, công nghệ của các doanh nghiệp địa phương còn hạn chế; năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp còn thấp; công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Số doanh nghiệp của thành phố hiện tham gia vào chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài còn ít.

Khu vực phía tây bắc thành phố đang quy hoạch và đầu tư để hình thành quỹ đất, nhà xưởng, tạo dư địa thu hút đầu tư các dự án mới, quy mô lớn. Ảnh: TRIỆU TÙNG
Khu vực phía tây bắc thành phố đang quy hoạch và đầu tư để hình thành quỹ đất, nhà xưởng, tạo dư địa thu hút đầu tư các dự án mới, quy mô lớn. Ảnh: TRIỆU TÙNG

6 nhóm giải pháp trong giai đoạn mới

Nhằm tiếp tục phát huy những hiệu quả trong công tác xúc tiến đầu tư thời gian qua, đồng thời giải quyết các bài toán còn vướng lại, thành phố đã đề ra hàng loạt giải pháp đẩy mạnh thu hút đầu tư trong giai đoạn đến, tập trung vào 6 nhóm gồm: cơ chế, chính sách; cơ sở hạ tầng; nguồn nhân lực; cải cách hành chính; công tác xúc tiến đầu tư và quản lý Nhà nước về đầu tư.

Đối với nhóm giải pháp cơ chế, chính sách, Đà Nẵng sẽ ban hành điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cho phù hợp với Quy hoạch chung khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phê duyệt Quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết làm cơ sở xác định các dự án, vị trí đất cần kêu gọi đầu tư tạo động lực phát triển cho thành phố. Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện quy định đấu giá quyền sử dụng đất; chính sách về quản lý và hỗ trợ đầu tư phát triển cụm công nghiệp; chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp phần mềm… Đồng thời tiếp tục triển khai có hiệu quả đề án “Tổng thể phát triển Khu Công nghệ cao”, đề án “Thí điểm nâng cao tính năng đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp công nghệ cao”; đề án “Xây dựng thành phố thông minh”; đề án “Phát triển nguồn nhân lực phục vụ thu hút đầu tư trong các ngành kinh tế mũi nhọn”… Thành phố cũng sẽ chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương sớm hoàn thành thủ tục đầu tư để triển khai các dự án trọng điểm (xây dựng cảng Liên Chiểu; nạo vét, khơi thông sông Cổ Cò; di dời ga đường sắt…). 

Để giải quyết bài toán cơ sở hạ tầng, Đà Nẵng sẽ đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng giao thông, nhà ga, cảng biển, logistics theo quy hoạch gắn liền với triển khai thực hiện các dự án lớn, trọng điểm. Tại các khu công nghiệp, sẽ rà soát và có giải pháp sử dụng quỹ đất đầu tư không hiệu quả hoặc còn trống, phát triển hệ thống nhà ở xã hội và các thiết chế văn hóa - xã hội cho công nhân. Đồng thời, đẩy nhanh thủ tục thành lập, lựa chọn nhà đầu tư, hoàn thiện hạ tầng và đưa vào sử dụng các khu công nghiệp Hòa Cầm giai đoạn 2, Hòa Nhơn, Hòa Ninh; hoàn chỉnh hạ tầng và đưa vào hoạt động cụm công nghiệp Hòa Khánh Nam, Cẩm Lệ, Hòa Nhơn, Hòa Hiệp Bắc. Thành phố cũng sẽ tập trung tháo gỡ vướng mắc và bảo đảm triển khai đúng tiến độ dự án “Khu Công nghệ cao”, sớm hoàn thành hạ tầng Khu Công viên phần mềm số 2, triển khai xây dựng Khu CNTT tập trung Đà Nẵng giai đoạn 2. Đối với việc nâng cao nguồn nhân lực, thành phố sẽ triển khai công tác dự báo nhu cầu lao động đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đối với một số ngành, lĩnh vực mũi nhọn; tiếp tục tổ chức các hoạt động kết nối cung - cầu nguồn nhân lực theo từng lĩnh vực, ưu tiên các ngành du lịch, công nghệ thông tin, tự động hóa, cơ khí chính xác. Ngoài ra, nghiên cứu ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; chính sách hỗ trợ các cơ sở đào tạo nhằm nâng cao tỷ lệ lao động đã qua đào tạo, lao động có trình độ kỹ thuật cao.

Để nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư, Đà Nẵng sẽ đa dạng hóa các hình thức xúc tiến đầu tư trực tiếp và trực tuyến. Thành phố xác định các thị trường trọng điểm thu hút đầu tư gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Mỹ, châu Âu, Đài Loan (Trung Quốc). Ngoài việc tăng cường và chủ động tiếp cận trực tiếp các nhà đầu tư chiến lược, các hiệp hội doanh nghiệp, ngân hàng lớn của các quốc gia đang có chính sách chuyển dịch dòng vốn đầu tư, Đà Nẵng sẽ tiếp tục hỗ trợ hiệu quả các nhà đầu tư tại chỗ bằng các chương trình đối thoại trực tuyến và trực tiếp, xử lý dứt điểm, kịp thời các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án đang thực hiện. Thành phố cũng sẽ tổ chức xây dựng bộ nhận diện thương hiệu thành phố để phục vụ công tác đối ngoại, xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch đạt chuẩn quốc tế. Trong công tác cải cách hành chính, thành phố sẽ tiếp tục rà soát, rút ngắn quy trình thực hiện các thủ tục liên quan đến đầu tư; hoàn thành đề án “Số hóa dữ liệu đất đai trên địa bàn thành phố”; đưa vào sử dụng 100% dịch vụ công trực tuyến mức 3 và 4; hoàn thiện viẹc nâng mức ứng dụng công nghệ thông tin trong cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lên mức 4. Về các biện pháp quản lý Nhà nước, sẽ rà soát, thẩm định kỹ chất lượng, tính hiệu quả, khả thi của dự án đầu tư; bảo đảm phù hợp quy hoạch và định hướng phát triển chung của thành phố.  

PHONG LAN

;
;
.
.
.
.
.