Kinh tế

Biến dế thành... thực phẩm

13:46, 03/03/2021 (GMT+7)

Với dự án sản xuất thực phẩm từ bột dế, nhóm 4 sinh viên năm nhất đã xuất sắc đoạt ngôi quán quân cuộc thi khởi nghiệp Hult Prize 2020-2021 của Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng), giành tấm vé tiến thẳng vào vòng chung kết cuộc thi Hult Prize Đông Nam Á. Tham gia cuộc thi, ngoài việc được mở mang kiến thức, những sinh viên trẻ còn có cơ hội khám phá chính bản thân mình.

Nhóm thực hiện dự án sản xuất thực phẩm từ bột dế. (Ảnh chụp tháng 12-2020)Ảnh: PHONG LAN
Nhóm thực hiện dự án sản xuất thực phẩm từ bột dế. (Ảnh chụp tháng 12-2020). Ảnh: PHONG LAN

Tháng 9-2020, Huỳnh Trần Thu Hà (sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh, Trường Đại học Ngoại ngữ) lần đầu tiên biết đến cuộc thi khởi nghiệp Hult Prize từ một bài viết do nhà trường đăng trên Facebook. Đọc kỹ nội dung và thể lệ cuộc thi, Hà quyết tâm tham dự để thử sức mình, đồng thời rủ thêm Nguyễn Lê Phước Đạt tham gia. Thời điểm đó, Đạt đang là tân sinh viên ngành Kinh tế và Triết học của Trường Đại học Miami (bang Ohio, Mỹ), song vì Covid-19, Đạt vẫn ở Đà Nẵng để học trực tuyến. Qua facebook, Hà tìm thêm hai người bạn là Lê Ngọc Uyên My (ngành Tiếng Anh thương mại) và Đoàn Thị Diễm Hằng (ngành Sư phạm Anh) để lập thành nhóm dự thi. Lúc đó, cả nhóm chỉ còn vỏn vẹn hơn 1 tháng để tìm đề tài, lên kế hoạch khởi nghiệp.

Chủ đề của Hult Prize 2020-2021 là “Biến lương thực, thực phẩm thành động lực đổi mới”. Đầu tháng 10-2020, miền Trung bắt đầu “oằn mình” chịu ảnh hưởng của lũ lụt. Nhóm bạn lập tức nghĩ đến một dự án khởi nghiệp cung cấp thực phẩm có thể dùng để cứu trợ cho nạn nhân vùng lũ với tiêu chí: ăn liền, dễ bảo quản, hàm lượng dinh dưỡng cao. Sàng lọc ý tưởng từ trái cây sấy khô, đến côn trùng sấy, cuối cùng, nhóm chốt lại ở ý tưởng sản xuất các loại thực phẩm làm từ bột thịt dế. Đạt nói: “Thịt dế vốn có hàm lượng dinh dưỡng cao, đặc biệt là protein, sắt và chất xơ. Tuy vậy, loại lương thực này vẫn chưa được khai thác đúng với tiềm năng. Nếu biết cách chế biến, bột xay từ thịt dế có thể tạo ra được những loại thực phẩm rất ngon miệng và ngon mắt, đã được nhiều nước trên thế giới sử dụng như Mỹ, Thái Lan…”.

Với ý tưởng đó, nhóm sinh viên tìm đến trang trại dế Anh Huy (phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn) để tìm hiểu. Chủ trang trại dế này cũng từng trải qua thời thanh niên khởi nghiệp nên sau khi nghe các bạn trẻ trình bày, anh đã sẵn lòng giúp đỡ bằng cách cung cấp miễn phí nguồn dế đầu vào đạt chuẩn để các bạn sản xuất sản phẩm thử nghiệm.  

Thời gian đầu, nhóm gặp nhiều khó khăn do không thành viên nào có kiến thức, kinh nghiệm về chế biến thực phẩm hay khởi nghiệp. Tuy vậy, mỗi thành viên đều mày mò, tìm hiểu từ internet và học hỏi từ những người đi trước. Đạt kể, cách đây vài năm, ở Đà Nẵng cũng từng có một nhóm bạn trẻ khởi nghiệp với thực phẩm làm từ bột dế, song đã phải đóng cửa sau một thời gian. Qua tìm hiểu, nhóm được biết một trong những nguyên nhân chính khiến dự án đó thất bại là vì chưa định vị được sản phẩm trên thị trường, cũng chưa xác định được cụ thể khách hàng của mình là ai. “Chúng em cố gắng rút kinh nghiệm bằng cách khảo sát thị trường, nhắm đến đối tượng khách hàng là các học sinh, nhân viên văn phòng, khách hàng của các quán cà phê…

Sản phẩm mà chúng em mong muốn tạo ra là bánh quy dế, bánh sandwich dế, mỳ dế với giá thành phải chăng, bảo đảm dinh dưỡng và được bán trong các căng-tin trường học/công ty và các quán cà phê để ăn kèm với các loại đồ uống”, Đạt nói. Với tiêu chí hàng đầu là tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe, nhóm bạn liên hệ với Công ty TNHH MTV HFun (quận Liên Chiểu), vốn cũng đi lên từ một dự án khởi nghiệp thực phẩm của sinh viên Đà Nẵng và được hỗ trợ sản xuất mẻ bánh quy dế đầu tiên với tổng chi phí chỉ 500.000 đồng. Hiện nhóm đang lấy ý kiến về sản phẩm, đồng thời bắt đầu sản xuất dòng sản phẩm thứ hai là mỳ làm từ bột dế.

Hà chia sẻ, trong quá trình tham gia cuộc thi, ngoài những kiến thức về ngành thực phẩm và kinh doanh, bài học quý nhất mà em nhận được chính là kỹ năng làm việc nhóm, đặc biệt là kỹ năng đặt mình vào hoàn cảnh người khác, giao tiếp, mở lòng với đồng đội. Trong khi đó, đối với Đạt, cuộc thi là cơ hội để bạn khám phá bản thân, nhìn ra được điểm mạnh, điểm yếu của chính mình. Đoạt giải Nhất Hult Prize cấp cơ sở, nhóm bạn sẽ tiến thẳng vào vòng chung kết cuộc thi Hult Prize Đông Nam Á, dự kiến được tổ chức vào giữa năm nay. Nhóm quyết tâm theo đuổi dự án để có thể tạo ra được những sản phẩm mà thị trường chấp nhận được và khám phá năng lực bản thân trên con đường khởi nghiệp.

PHONG LAN

.