Cho hộ mới thoát nghèo vay để giảm nghèo bền vững

.

Bằng nguồn vốn tín dụng chính sách, nhiều hộ dân thuộc diện mới thoát nghèo tiếp tục được vay vốn phát triển sản xuất, vươn lên ổn định cuộc sống, hướng tới thoát nghèo bền vững.

Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, bà Lê Thị Kim Nhung tiếp tục phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. 						                      Ảnh: M.QUẾ
Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, bà Lê Thị Kim Nhung tiếp tục phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Ảnh: M.QUẾ

Từng là hộ nghèo của phường Bình Thuận (quận Hải Châu), ông Phan Minh Dũng (sinh năm 1968, trú tổ 20) nay lại tạo việc làm cho những người khác. Ông Dũng kể, năm 2015, tuy có nhiều kinh nghiệm trong nghề sửa điện, nước nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, không có đồ nghề nên ông đành chấp nhận làm thợ với mức thu nhập khoảng 5 triệu đồng/tháng.

Ông Dũng cũng là lao động duy nhất trong gia đình làm việc để nuôi mẹ, vợ ông mắc bệnh tim và 2 con nhỏ trong độ tuổi ăn học. Năm 2016, gia đình ông Dũng được vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) - chi nhánh Đà Nẵng theo diện cho vay hộ nghèo. Ông Dũng liền đầu tư số tiền này mua máy móc như: máy khoan tường, máy khoan cắt bê-tông, máy hàn, máy tiện và các thiết bị hỗ trợ khác để có thể nhận các công trình thi công điện, nước một cách chủ động, qua đó tăng thu nhập lên mức 6-7 triệu đồng/tháng và giúp gia đình thoát nghèo vào năm 2018.

Theo thời gian, ông Dũng ngày càng có nhiều khách hàng với yêu cầu cao hơn nên việc cải tiến máy móc là điều tất yếu. Năm 2020, ông tiếp tục vay vốn tín dụng chính sách 100 triệu đồng theo diện hộ mới thoát nghèo để đầu tư máy móc hiện đại. Từ khi đầu tư thêm máy móc, ông Dũng có một nhóm thợ nhỏ khoảng 2-3 người để nhận thi công điện, nước cho các công trình dân dụng. Đến nay, ông đã có thu nhập khoảng 9-10 triệu đồng/tháng và tạo việc làm cho thợ với khoảng 7 triệu đồng/người/tháng. “May mắn là tới thời điểm này, đứa con đầu của tôi đã ra trường, đi làm nên tôi chỉ còn lo cho đứa con sau ăn học. Nếu công việc ổn định, tôi sẽ tích góp để sửa lại nhà và mua chiếc xe máy mới”, ông Dũng chia sẻ.

Một trường hợp khác là bà Lê Thị Kim Nhung (sinh năm 1970, trú tổ 33, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) đang làm công việc gia công túi xách và đồ da để bỏ hàng cho các chợ. Bà Nhung là mẹ đơn thân nuôi hai con ăn học, bản thân cũng là người mất sức lao động nên không làm được việc nặng. Gia đình bà thuộc diện hộ nghèo của phường từ năm 2016. Năm 2017, bà Nhung vay 40 triệu đồng từ NHCSXH- chi nhánh Đà Nẵng theo diện hộ nghèo để mua phụ liệu may mặc, đồ da, giả da... và bắt đầu may gia công với mức thu nhập khoảng 3 triệu đồng/tháng. Sau khi thoát nghèo vào năm 2019, bà tiếp tục vay 40 triệu đồng theo diện hộ mới thoát nghèo trong năm 2020 để mua phụ liệu, tăng mức thu nhập lên khoảng 4-4,5 triệu đồng/tháng.

Cũng như bà Nhung, bà Huỳnh Thị Nguyệt (sinh năm 1961, trú tổ 43, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) đang là lao động chính trong nhà, nuôi chồng bị bệnh tim và một người con trai bị bại não. Bà Nguyệt kể, thời điểm khó khăn nhất, bà nuôi 5 người con ăn học, người mẹ lớn tuổi và chồng bệnh tật. Từ nguồn vốn tín dụng chính sách và sự bươn chải, không ngại khó, ngại khổ, bà đã nuôi được 4 người con ăn học ra trường có việc làm, gia đình cũng thoát nghèo từ năm 2019. Hiện nay, bà vừa bán hàng ăn sáng, vừa bán cá, làm cá khô từ nguồn vốn vay 50 triệu đồng theo diện hộ mới thoát nghèo.

Để hỗ trợ các hộ mới thoát nghèo có cơ hội vươn lên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 02/2021/QĐ-TTg ngày 21-1-2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo, tiếp tục triển khai chương trình tín dụng từ ngày 30-3-2021.

Giám đốc NHCSXH - chi nhánh Đà Nẵng Đoàn Ngọc Chung cho biết, ngay khi Chính phủ có chủ trương tiếp tục cho vay hộ mới thoát nghèo, đơn vị đã chỉ đạo cán bộ tín dụng phụ trách địa bàn phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể cấp phường tuyên truyền đến các tổ tiết kiệm và vay vốn để thông tin đến các đối tượng thụ hưởng chính sách. Ngân hàng cũng phối hợp với địa phương rà soát nhu cầu vốn của người dân để đề xuất thành phố bổ sung vốn, triển khai giải ngân kịp thời, đúng quy định, đồng hành giúp hộ vay thoát nghèo bền vững, tránh tái nghèo cũng như tránh nguy cơ vay tín dụng đen khi thiếu vốn.

Theo số liệu của NHCSXH - chi nhánh Đà Nẵng, doanh số cho vay giai đoạn tháng 1-2015 đến tháng 5-2021 đạt hơn 443 tỷ đồng với 12.438 lượt hộ mới thoát nghèo được vay vốn. Dư nợ thực hiện đến ngày 31-5-2021 đạt 148 tỷ đồng với 4.552 khách hàng còn dư nợ. Mức cho vay tối đa của chương trình là 100 triệu đồng/hộ. Thời hạn cho vay do NHCSXH và hộ mới thoát nghèo thỏa thuận trên cơ sở chu kỳ sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng, nhưng không quá 5 năm.

MAI QUẾ

;
;
.
.
.
.
.