ĐNO - Các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố đã được phép kinh doanh buôn bán (với quy mô 50% số lượng tiểu thương toàn chợ) sau hơn 2 tháng đóng cửa. Tuy nhiên, không khí mua bán tại các chợ rất vắng vẻ, người bán nhiều nhưng người mua rất ít. Nguyên nhân một phần đến từ các chợ cóc, hàng rong, điểm bán tự phát xung quanh chợ.
Ghi nhận tại chợ Mới (quận Hải Châu) trong sáng 5-10, phía bên trong chợ, tổ quản lý chợ phân luồng lối đi, kẻ vạch giãn cách, 100% bàn tiểu thương được lắp tấm chắn giọt bắn tạo khoảng cách giữa người bán và người mua; xung quanh chợ có rào chắn do lực lượng dân phòng/bảo vệ canh gác, theo dõi, lối ra vào cổng chợ được kiểm soát chặt chẽ…
Ngược lại, các điểm bán tự phát khu vực bên ngoài chợ, hầu như không ai quan tâm các biện pháp phòng dịch.
Ghi nhận tại khu vực xung quanh chợ Bắc Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn), hàng loạt quầy hàng bày bán đầy đủ các mặt hàng thiết yếu từ rau, củ, quả, thịt, cá, hải sản, tạp hóa… hoạt động rầm rộ tại các tuyến đường quanh chợ, khiến tiểu thương trong chợ buồn thiu vì ế ẩm.
Tại chợ đầu mối Hòa Cường, tình trạng hàng rong, điểm bán tự phát cũng diễn ra tương tự trong khi thời điểm này, chợ đầu mối Hòa Cường sắp bước vào thực hiện mở cửa theo giai đoạn 2: tăng thêm số lượng người tham gia hoạt động tại chợ sỉ và cho phép khôi phục lại hoạt động bán lẻ.
Nếu không có biện pháp dẹp chợ cóc, hàng rong xung quanh chợ, nguy cơ lây lan dịch bệnh là hiện hữu.
Một số hộ dân buôn bán dưới lòng đường khu vực gần chợ đầu mối Hòa Cường. Ảnh: QUỲNH TRANG |
Vỉa hè dọc đường Hoàng Diệu trở thành "chợ cóc". Ảnh: QUỲNH TRANG |
Khu vực xung quanh chợ Phú Lộc cũng thành chợ tạm rôm rả. Ảnh: QUỲNH TRANG |
Trong khi đó, trong chợ Đống Đa, vốn sầm uất thì nay thưa vắng người mua. Ảnh: QUỲNH TRANG |
Người dân thoải mái mua sắm bên ngoài chợ đầu mối Hòa Cường. Ảnh: QUỲNH TRANG |
QUỲNH TRANG