Kinh tế

Tăng cường kết nối giữa thành phố Đà Nẵng và các đối tác châu Âu

08:07, 07/05/2022 (GMT+7)

Chiều 6-5, tiếp và làm việc với ông Alain Cany, Chủ tịch Tập đoàn Jardines Matheson, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cùng các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, năng lượng, kinh tế tuần hoàn thuộc EuroCham, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh khẳng định, châu Âu là một đối tác đầu tư tiềm năng đối với thành phố Đà Nẵng.

Tính đến hết năm 2021, có khoảng 140 dự án FDI của các nước khu vực châu Âu tại Đà Nẵng với tổng số vốn đầu tư gần 480 triệu USD. Riêng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) có 92 dự án với tổng vốn đầu tư là 99 triệu USD.

Từ đầu năm 2022 đến nay, thành phố đã tổ chức nhiều chương trình kết nối doanh nghiệp với các nước như Tây Ban Nha, Hà Lan, Đức… thu hút nhiều doanh nghiệp tham dự. EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 (sau Nhật Bản, Hoa Kỳ) và cũng là thị trường nhập khẩu lớn thứ 3 của Đà Nẵng (sau Nhật Bản, Trung Quốc).

Các đối tác EU nhận định Đà Nẵng là điểm đến hấp dẫn của công nghiệp “xanh”. Các lĩnh vực chú trọng thu hút đầu tư của Đà Nẵng như công nghệ cao, chuyển đổi số, ứng phó với biến đổi khí hậu… được các nhà đầu tư EU quan tâm và ưu tiên hướng đến.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh  (bên phải) tiếp ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam. Ảnh: M.QUÊ
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh (bên phải) tiếp ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam. Ảnh: M.QUÊ

Về hạ tầng, thành phố là đầu mối giao thông quan trọng hàng đầu của cả nước. Cảng Đà Nẵng là cảng container được trang bị hiện đại ở khu vực miền Trung, là một trong những cảng thương mại lớn nhất Việt Nam. Sân bay quốc tế Đà Nẵng là 1 trong 3 sân bay lớn và hiện đại nhất cả nước. Thành phố có 1 khu công nghệ cao, 6 khu công nghiệp và 4 khu công nghệ thông tin tập trung (1 khu đang xây dựng và chuẩn bị đưa vào hoạt động).

Trong đó, Khu Công nghệ cao Đà Nẵng là 1 trong 3 khu công nghệ cao của cả nước nhận cơ chế đặc thù của Chính phủ với diện tích hơn 1.200 ha; cơ sở hạ tầng tập trung hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu sản xuất của nhà đầu tư; chính sách ưu đãi đầu tư vượt trội về thuế thu nhập doanh nghiệp. Về những đề xuất của EuroCham với thành phố, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh cho biết, việc nhập cảnh chuyên gia thời gian qua gặp một số khó khăn do các chính sách phòng, chống Covid-19.

Sắp tới, thành phố sẽ có cuộc họp về vấn đề này để có quy trình tạo thuận lợi khi đưa chuyên gia vào Việt Nam. Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng liên tục nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - PCI và đang ngày càng cải thiện các chỉ số như: tính minh bạch, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như cộng đồng doanh nghiệp châu Âu đang quan tâm.

Ông Alain Cany cho biết, buổi gặp gỡ là cơ hội để EuroCham nắm bắt thêm thông tin về xúc tiến đầu tư, thương mại của châu Âu vào Đà Nẵng, đặc biệt là thủ tục đầu tư vào Khu Công nghệ cao Đà Nẵng, khu công nghệ thông tin tập trung.

Tuy châu Âu không có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng như Hàn Quốc hay Nhật Bản nhưng chất lượng các doanh nghiệp đã đầu tư vào Việt Nam đều bảo đảm. Hai vấn đề quan trọng để doanh nghiệp châu Âu lựa chọn đầu tư là tính minh bạch và các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp được thực hiện hiệu quả. Ông Alain Cany bày tỏ sự vui mừng khi các doanh nghiệp châu Âu đầu tư tại Đà Nẵng phát triển rất tốt và vững mạnh.

Tuy nhiên, vẫn có một vướng mắc mà các doanh nghiệp phản ánh với EuroCham là việc đưa chuyên gia nhập cảnh vào thành phố thời gian qua khá khó khăn. Vì vậy, EuroCham mong muốn lãnh đạo thành phố kết nối EuroCham với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội để hỗ trợ vấn đề này. Bên cạnh đó, chính quyền thành phố cần tiếp tục giúp đỡ các doanh nghiệp châu Âu tại Đà Nẵng hơn nữa để mở rộng hoạt động kinh doanh, qua đó góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và châu Âu.

MAI QUẾ

.