ĐNĐT - Đẩy mạnh hoạt động truyền thông, tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch ra nước ngoài; miễn, giảm thị thực cho khách quốc tế, sớm thực hiện chương trình kích cầu du lịch nội địa theo hướng có chiều sâu… là những giải pháp cần thiết để thu hút nhiều hơn nữa du khách quốc tế đến Đà Nẵng trong thời gian tới.
Để tránh rủi ro, ngành Du lịch Đà Nẵng chủ động chuyển hướng khai thác nhiều thị trường quốc tế có tiềm năng và chi tiêu cao. |
Đó cũng là nội dung chính trong cuộc họp với chủ đề “Đà Nẵng - Điểm đến an toàn, hấp dẫn” do UBND thành phố tổ chức vào ngày 6-6 nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trước tình hình lượng khách quốc tế đến Đà Nẵng có dấu hiệu suy giảm. Phó Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ chủ trì cuộc họp.
Đẩy mạnh hoạt động truyền thông và xúc tiến
Theo thống kê của Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch (VH-TT&DL), trong 5 tháng đầu năm, lượng khách quốc tế đến thành phố đạt hơn 407.000 lượt, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2013.
Tuy nhiên, từ giữa tháng 5 trở đi, do ảnh hưởng tình hình căng thẳng tại Biển Đông, lượng khách quốc tế (chủ yếu là khách Trung Quốc và thị trường nói tiếng Hoa) có dấu hiệu sụt giảm mạnh từ 85-90%. Trong tổng số 14 đường bay trực tiếp thuê chuyến đến Đà Nẵng, hiện chỉ còn 1 đường bay vẫn duy trì hoạt động là Ma Cao-Đà Nẵng do Jetstar Pacific khai thác.
Lượng khách quốc tế lưu trú tại các khách sạn trên địa bàn thành phố chỉ đạt khoảng 10% công suất phòng. Đối với các thị trường khách quốc tế khác như Nhật Bản, Singapore, Anh, Mỹ, Pháp… cũng bị ảnh hưởng do tâm lý lo ngại về tình hình an ninh trật tự, an toàn tại Việt Nam. Hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp du lịch trên địa bàn thành phố gặp rất nhiều khó khăn.
Trước tình hình đó, Phó Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ chỉ đạo, để khôi phục lại lượng khách quốc tế sụt giảm thì trước mắt phải quảng bá điểm đến Đà Nẵng an toàn và thân thiện trong mắt du khách, trong đó hoạt động truyền thông, xúc tiến đóng vai trò quan trọng và được đặt lên hàng đầu. Đặc biệt, cần tăng cường việc trấn an tâm lý du khách qua các kênh truyền thông, các cơ quan báo đài, website của các hãng lữ hành và đơn vị cung ứng dịch vụ về hình ảnh một thành phố biển xinh đẹp, người dân luôn thân thiện và mến khách.
“Việc đảm bảo môi trường du lịch trong thời gian tới hết sức cần thiết, nhất là tuyên truyền nâng cao ý thức của đội ngũ taxi, người bán hàng, hướng dẫn viên… về cách ứng xử lịch sự và văn minh, không kỳ thị với bất kỳ khách quốc tế nào. Đồng thời, ngành du lịch cần tăng cường công tác quản lý văn hóa, môi trường, ẩm thực… một cách quyết liệt hơn nữa, không để xảy ra bất cứ điều gì gây phiền hà cho du khách, làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh du lịch của địa phương”, ông Thơ nhấn mạnh.
“Sắp tới Sở sẽ đầu tư 2 tỷ đồng để xây dựng cổng hỗ trợ thông tin du lịch, ngày 30-8 sẽ ra mắt phiên bản tiếng Việt và 3 tháng sau sẽ có phiên bản tiếng Anh. Đồng thời, Sở cũng sẽ cải thiện hệ thống wifi miễn phí cho nhiều lượt khách truy cập hơn”, ông Phạm Kim Sơn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết. |
Đại diện các doanh nghiệp lữ hành và kinh doanh lưu trú trên địa bàn thành phố cho rằng, giới thiệu điểm đến Đà Nẵng an toàn và hấp dẫn không chỉ là việc làm của doanh nghiệp, các cơ quan báo chí, truyền thông mà những việc làm nhỏ của mỗi người dân thành phố cũng đem lại hiệu ứng xã hội rộng rãi.
“Hiện nay, việc tiếp cận Internet rất dễ dàng. Chỉ cần một chiếc điện thoại, các bạn có thể chụp những bức ảnh đẹp trong các chuyến đi du lịch ở Đà Nẵng và Việt Nam để chia sẻ cho người thân, bạn bè và nhiều người cùng biết. Hành động nhỏ nhưng lại góp phần không nhỏ vào việc quảng bá hình ảnh du lịch thành phố. Tôi nghĩ, Đà Nẵng có tiềm năng du lịch không thua kém gì các nước trên thế giới. Vì vậy, nếu chúng ta chú trọng việc tổ chức xúc tiến du lịch ra nước ngoài để quảng bá hình ảnh du lịch địa phương thì chắc chắn sẽ thành công”, ông Matthias Wiesmann, Tổng Giám đốc điều hành Khách sạn Furama cho biết.
Công tác truyền thông, xúc tiến du lịch cũng là giải pháp hỗ trợ rất lớn để doanh nghiệp và hãng hàng không phối hợp mở các đường bay trực tiếp thường kỳ từ các nước khác đến Đà Nẵng trong thời gian tới như Đà Nẵng - Nhật Bản (tháng 7-2014), Đà Nẵng - Malaysia (tháng 8-2014)… nhằm khai thác đa dạng nhiều nguồn khách, thay thế cho lượng khách Trung Quốc sụt giảm.
Để khai thác hiệu quả và duy trì các đường bay này, nhiều đại biểu đề xuất, thành phố nên hỗ trợ kinh phí cho ngành du lịch tổ chức Famtrip đón các doanh nghiệp, các hãng thông tấn, báo chí quốc tế đến Đà Nẵng khảo sát điểm đến, các sản phẩm du lịch của địa phương để quảng bá hình ảnh du lịch thành phố an toàn và hấp dẫn trên các kênh thông tin ở nước ngoài.
Tránh phụ thuộc vào một thị trường
“Chúng ta đưa ra các sản phẩm mới cần có mức giá “đẹp” thì mới bán được cho du khách. Vì vậy, việc tăng giá phải từ từ, thời điểm này nên lấy chất lượng làm mục tiêu cạnh tranh hơn là cạnh tranh về giá”, ông Lý Xương Căn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Du lịch Việt Lý Miền Trung chia sẻ. |
Trước tình hình lượng khách quốc tế sụt giảm, Sở VH-TT&DL đã chủ động đưa ra các giải pháp cần thiết để khôi phục lại nguồn khách này trong thời gian tới. Trước mắt, giải pháp trấn an tâm lý du khách cùng đối tác đã giúp thị trường khách quốc tế tại Đà Nẵng có dấu hiệu ấm lại trong khoảng đầu tháng 6.
Ông Kenny Chen, Giám đốc Khách sạn Crowne Plaza cho biết: “Đầu tháng 5, các chuyến bay thuê bao từ Trung Quốc đến Đà Nẵng hầu như vắng khách nhưng đến thời điểm này, khách Trung Quốc trên các chuyến bay đã bắt đầu đông trở lại. Hiện Crowne Plaza đầu tư xây dựng thêm khách sạn giai đoạn 2 với quy mô 600 phòng. Không chỉ khai thác riêng khách Trung Quốc mà chúng tôi còn chú trọng đến các thị trường khác như Malaysia, Nhật Bản, Singapore để đa dạng hóa thị trường khách quốc tế”.
Việc chuyển hướng thị trường khách quốc tế còn là giải pháp lâu dài giúp ngành du lịch thành phố tránh phụ thuộc quá nhiều vào thị trường khách Trung Quốc để giảm thiểu rủi ro.
Muốn khai thác tốt thị trường khách quốc tế, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp như miễn thị thực, giảm thuế VAT cho du khách tại các cửa khẩu, xây dựng các sản phẩm mới với giá ưu đãi, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch…
Việc tập trung khai thác thị trường nội địa cần đưa ra chính sách kích cầu du lịch theo hướng có chiều sâu, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các hàng lữ hành, đơn vị cung ứng dịch vụ và vận chuyển trên địa bàn thành phố. Phó Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh, khai thác thị trường nội địa không nhằm mục đích là bù đắp lại lượng khách quốc tế sụt giảm mà phải xác định đây là thị trường quan trọng và chủ chốt của ngành du lịch thành phố, cần phải làm triệt để, đến nơi đến chốn. “Ngoài 2 thị trường Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, cần chú trọng khai thác các thị trường khác có tiềm năng, chẳng hạn như Đồng bằng sông Cửu Long. Thành phố sẽ cố gắng hỗ trợ hãng hàng không VietjetAir mở đường bay Đà Nẵng - Cần Thơ trong thời gian tới”, ông Thơ nói.
Bài và ảnh: HOÀNG HÂN