Quốc tế

Chiến thắng mới của Putin, ba ngày sau lễ duyệt binh ở Moscow

14:22, 19/05/2015 (GMT+7)

Với Nga, chiến thắng đến ba ngày sau Ngày Chiến thắng hoành tráng ở Moscow, dưới hình thức là chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tới thành phố nghỉ mát Sochi ở Biển Đen.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 12-5 có cuộc hội đàm ở Sochi. Ảnh: Reuters
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 12-5 có cuộc hội đàm ở Sochi. Ảnh: Reuters

Sau sự kiện Nga sáp nhập Crimea hồi tháng 3 năm ngoái, chính quyền Tổng thống Barack Obama không ngừng thực hiện các biện pháp nhằm cô lập Nga và ông chủ Điện Kremlin. Nhưng việc Mỹ dùng mọi phương cách để khắc họa Nga như một nước lớn chuyên gây sức ép về kinh tế đối với các quốc gia nhỏ bé, bị phụ thuộc, ngày càng xa rời thực tế, theo New York Times.

Ông Obama là người khởi xướng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Tổng thống Vladimir Putin, khai trừ Nga khỏi nhóm các quốc gia có nền công nghiệp hàng đầu thế giới G8, hạn chế hoạt động của những người thân cận với Putin, đồng thời cung cấp hỗ trợ tài chính, quân sự cho Ukraine.

Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, Nga không chỉ vượt qua các trở ngại này mà còn giáng lại một đòn mạnh mẽ vào đồng minh châu Âu của Mỹ và chứng minh rằng họ vẫn là một cường quốc có vị thế không thể phủ nhận trên trường quốc tế.

Ông Putin, với hơn 15 năm dẫn dắt nước Nga, liên tục khiến nhiều tính toán của đối thủ thất bại. Ông vẫn là một người đầy uy quyền và nổi bật. Putin nếu không là một lãnh đạo giành chiến thắng trong hầu hết mọi cuộc đối đầu với phương Tây thì cũng là một anh hùng dân tộc, không chịu cúi đầu, điều hành đất nước với tâm thế kiên định và chưa bao giờ biết khuất phục trước khó khăn, quan sát viên David H.Herszenhorn nhận xét.

"Hình ảnh Putin lúc này thật tuyệt vời", ông Matthew Rojansky, giám đốc Học viện Kennan, chuyên nghiên cứu về Nga và Liên Xô cũ, trụ sở ở Washington, nhận định.

Nhưng Rojansky lưu ý rằng "hình ảnh này không nói lên bất cứ điều gì về bản thân ông Putin cũng như cách mà bộ máy của tổng thống hoạt động". Theo ông, vị thế tưởng chừng như ngày càng được củng cố của Putin có thể đem đến cái nhìn không chính xác về hiện trạng quốc gia khi nền kinh tế đang trên đà suy thoái, vẫn phụ thuộc nhiều vào các nguồn năng lượng. Đặc biệt, giá dầu mỏ, khí đốt chưa có triển vọng tăng trưởng trong dài hạn.

Song, tương lai nước Nga dường như đang sáng dần với một loạt dấu hiệu khả quan, theo NYT. Việc giá dầu ít nhất tạm thời ổn định hay giá đồng rúp tăng mạnh trở lại sau chuỗi ngày trượt dốc phi mã khiến ảnh hưởng từ các đòn trừng phạt về kinh của phương Tây được giảm nhẹ.

Trong khi đó, lệnh ngừng bắn ở miền đông Ukraine đang phần nào phát huy tác dụng khi hạn chế số thương vong trong giao tranh và gia tăng đáng kể áp lực lên Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko.

Ông Kerry tới đặt vòng hoa tại đài tưởng niệm Thế chiến II ở Sochi. Ảnh: AFP
Ông Kerry tới đặt vòng hoa tại đài tưởng niệm Thế chiến II ở Sochi. Ảnh: AFP

"Đầu hàng"

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm 12/5 tới thăm khu nghỉ dưỡng Sochi bên bờ Biển Đen để hội đàm với ông Putin về tình hình Ukraine. Đây là chuyến thăm Nga đầu tiên của Ngoại trưởng Kerry kể từ khi xảy ra khủng hoảng Ukraine.

Nhiều học giả phân tích chuyến công du lần này là biểu hiện của sự đầu hàng từ Mỹ cũng như hành vi ngầm thừa nhận rằng Nga cùng lãnh đạo của họ có vai trò tối quan trọng và không thể bị phớt lờ. Mặt khác, chính sách cô lập về kinh tế và ngoại giao đối với Moscow đang từng bước thất bại.

"Mỹ đã nhận ra các biện pháp trừng phạt áp lên Nga không mang lại kết quả", Viktor A. Kremenyuk, phó giám đốc Viện nghiên cứu Mỹ và Cananda, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, nói trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình.

"Họ tin rằng vì Nga đã thành một bộ phận không thể tách rời của thị trường toàn cầu và trở nên phụ thuộc vào đó nên những lệnh cấm vận, phong tỏa sẽ đủ sức khiến Moscow run sợ và chịu thua", ông Kremenyuk bình luận. "Nhưng thực tế hoàn toàn khác. Nga không những đứng vững trước trừng phạt mà thậm chí còn phản công lại và chứng minh họ không hề lạc lối".

Nhưng "Mỹ không thể chỉ đơn giản cứ thế mà chào thua. Đó là lý do vì sao những tuyên bố về thay đổi trong chính sách của họ thường được bắt đầu bằng các cụm từ như 'Chúng tôi cho rằng' hay 'Chúng tôi sẽ đánh giá tình hình'", ông Kremenyuk nói. Thực tế đây là một cách thận trọng để Washington có thể từ bỏ chính sách trừng phạt.

Mỹ khẳng định chuyến công du của Ngoại trưởng Kerry tới Sochi chỉ nhằm mục đích tìm ra đường hướng mới để hai nước hợp tác hiệu quả hơn, đặc biệt trong nhiệm vụ chống khủng bố ở Iraq và Syria.

Để thêm phần chắc chắn, Washington nói vẫn giữ nguyên quan điểm về vấn đề Ukraine. Ông Kerry còn phát biểu trong một buổi họp báo ở Sochi rằng Mỹ "quan ngại sâu sắc" về việc Nga "tiếp tục viện trợ vũ khí, đào tạo và điều khiển lực lượng ly khai". Mỹ và phương Tây cáo buộc Nga hỗ trợ phe ly khai miền đông Ukraine khiến căng thẳng thêm trầm trọng nhưng Moscow kiên quyết phủ nhận mọi lời buộc tội.

Tuy nhiên, đối với truyền thông Nga, chuyến công du của ông Kerry lại là sự kiện đáng chú ý, diễn ra chỉ ba ngày sau lễ duyệt binh hoành tráng của Nga trên Quảng trường Đỏ, Moscow, kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít hôm 9/5. Với người dân Nga, việc lãnh đạo Mỹ và phương Tây không tham dự lễ kỷ niệm được xem như hành động thiếu tôn trọng các cựu chiến binh Liên Xô cùng hàng triệu người đã thiệt mạng trong Chiến tranh Thế giới II. Nhưng việc ông Kerry tới Sochi và đặt vòng hoa tại đài tưởng niệm Thế chiến II được nhìn nhận như một nỗ lực nhằm sửa chữa sai lầm trên.

Theo một số quan chức ở Ukraine và châu Âu, cách thức mà chính quyền Obama tiếp cận Nga phản ánh tâm lý lo lắng ngày càng tăng ở Washington liên quan đến việc Liên minh châu Âu (EU) không sẵn sàng gia hạn vòng trừng phạt kinh tế sẽ hết hiệu lực vào tháng 7 tới đối với Nga. Nguyên nhân là do châu Âu ký nhiều thỏa thuận về kinh tế và thương mại với Nga hơn Mỹ, vì vậy các quốc gia này cũng bị ảnh hưởng không nhỏ khi Moscow phản ứng trước lệnh trừng phạt bằng cách cấm nhập khẩu một số mặt hàng từ châu Âu.

Ông Kremenyuk nhận định động lực chủ yếu của Mỹ khi thay đổi thái độ với Nga xuất phát từ việc Washington muốn tìm kiếm hỗ trợ của Moscow trong những vấn đề cấp bách hơn.

"Có những việc mà Mỹ không thể thực hiện nếu thiếu Nga", ông Kremenyuk nói. "Ví dụ như Iran và chương trình hạt nhân của nước này hay Syria, nơi mà mọi chuyện sẽ không đi đến đâu nếu vắng bóng Nga".

Theo Alexander G. Baunov, chuyên viên nghiên cứu tại Trung tâm Carnegie Moscow, rắc rối ở Trung Đông được Mỹ coi trọng hơn là cuộc khủng hoảng ở Ukraine. "Rõ ràng Tổng thống Obama đang suy nghĩ về di sản của mình, vị trí của mình trong lịch sử là gì", ông Baunov cho hay. "Không đạt được thỏa thuận cuối cùng với Iran về vấn đề hạt nhân sẽ là thất bại lớn đối với ông ấy, vì thế tổng thống Mỹ cần Nga".

Theo VnExpress

.